Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 7/7 và 8/7 sắp tới. Các bài thi sẽ được giữ nguyên như năm ngoái, gồm ba bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và hai bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội).
Để đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp, thí sinh lớp 12 giáo dục THPT phải dự thi đầy đủ ba bài độc lập và một bài tổ hợp. Đối với hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), thí sinh phải dự thi hai bài thi độc lập là Toán và Ngữ văn cùng một bài thi tổ hợp. Ngoài ra, thí sinh GDTX có thể đăng ký dự thi thêm bài Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 27/4/2021, kỳ thi năm 2021 có một số điểm khác biệt nhỏ so với năm 2020, cụ thể như sau:
Ngoài “thí sinh đã tốt nghiệp THPT, thí sinh tốt nghiệp trung cấp và thí sinh GDTX” được bố trí dự thi chung với thí sinh lớp 12 Giáo dục THPT như quy chế cũ, Thông tư mới có bổ sung thêm “thí sinh đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước” tại một số điểm thi.
Hội đồng thi địa phương phải đảm bảo có ít nhất 60% thí sinh lớp 12 Giáo dục THPT trong tổng số thí sinh ở một phòng thi, nhằm tăng cường tính giám sát, đảm bảo tính khách quan và nghiêm túc cho kỳ thi.
Về cơ bản, các thí sinh dự thi phải đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém, trừ trường hợp người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình GDTX.
Đối với thí sinh không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước, Quy chế vừa ban hành có thêm nội dung mới ở phần vi phạm điều kiện về hạnh kiểm, bổ sung vào quy định về học lực đã ban hành vào năm trước. Theo đó, trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định.
Dựa trên thực tế ghi nhận được, quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có bổ sung thêm nội dung liên quan đến đình chỉ thi. Trong đó, ngoài những hành động vi phạm đã được quy định vào năm ngoái như mang vật dụng trái phép vào phòng thi, đưa đề thi ra ngoài hoặc nhận bài giải từ ngoài vào, viết vẽ vào tờ giấy làm bài nội dung không liên quan, năm nay, thí sinh không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển tới phòng chờ và trong thời gian ở đó cũng được liệt kê vào danh sách đối tượng bị đình chỉ thi.
Theo quy định cũ, thí sinh chỉ được bảo lưu điểm thi khi các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 điểm trở lên.
Thông tư mới nhất đưa ra quy định cụ thể hơn về cách bảo lưu điểm thi THPT như sau. Đối tượng đủ điều kiện bảo lưu là thí sinh đã dự thi đủ các bài thi/môn thi quy định nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi được bảo lưu điểm thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT trong kỳ thi năm liền kề tiếp theo.
Đối với bài thi/môn thi, điều kiện được bảo lưu điểm số gồm: bài thi độc lập đạt từ 5 điểm trở lên; bài thi tổ hợp đạt từ 5 điểm trở lên, trong đó các môn thi thành phần của bài thi này đều đạt trên 1 điểm; môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đạt từ 5 điểm trở lên.
Quy định về các Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi được thay đổi như sau: “Các Phó Chủ tịch là Phó Giám đốc sở GDĐT, lãnh đạo phòng có chức năng quản lý giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên cấp THPT và công tác thi tốt nghiệp THPT thuộc sở GDĐT”. Như vậy, thay vì chỉ gồm “Phó Giám đốc sở GDĐT và một số Trưởng phòng chuyên môn của Sở GDĐT” như năm trước, quy định về Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi năm nay được mở rộng hơn nhằm đảm bảo sự phối hợp hiệu quả và đồng bộ giữa các bên liên quan.
Nhìn chung, quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn giữ ổn định như năm ngoái, với mục đích là nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để đánh giá và qua đó cải tiến chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông.
Mặc dù các địa phương sẽ đảm nhiệm trọng trách chủ trì ở tất cả khâu, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có trách nhiệm thanh, kiểm tra việc thực hiện quy chế, nhằm đảm bảo tính minh bạch cho kỳ thi và kịp thời có phương án xử lý đúng quy định.