Nhà thiết kế thời trang người Nhật Rei Kawabuko luôn xuất hiện trước đám đông với khuôn mặt không bao giờ cười, trong thế giới thời trang, bà là một nhà thiết kế quyền lực, một phụ nữ Châu Á với vóc người nhỏ bé.
Trong vòng nửa thế kỷ qua, bà Rei là một trong những tượng đài thời trang lớn nhất với thương hiệu rất được giới làm nghề biết đến - “Comme des Garçons”.
Thời trang ứng dụng và cách vận hành của một nền công nghiệp may mặc hoàn toàn xa lạ với bà, nhưng trong giới mộ điệu của địa hạt “mốt”, bà Rei là một “người khổng lồ” với những triển lãm được mở ra tại những viện bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng thế giới.
Bà xuất hiện trên các tờ tạp chí thời trang danh tiếng, là nguồn cảm hứng cho các sự kiện thời trang đình đám. Dù không thiếu gì tiếng tăm và tầm ảnh hưởng trong giới làm nghề, nhưng không như những nhà thiết kế khác, bà Rei đi theo một con đường riêng, không hề tiệm cận với thị trường thời trang ứng dụng.
Kể từ khi cho ra mắt thương hiệu “Comme des Garçons” hồi năm 1969, tới nay, bà Rei đã 74 tuổi. Bà vẫn tiếp tục tạo nên những bất ngờ, vẫn thách thức những chuẩn mực thời trang.
Lần đầu tiên bà Rei đưa thời trang của mình tới trình diễn ở Paris, bộ sưu tập “Phá hủy” của bà đã khiến báo chí tác nghiệp ở Paris khi đó ngơ ngác không biết phải nói gì. Rồi tới bộ sưu tập “Hậu Hiroshima”, người ta cố đi tìm ý nghĩa đằng sau những bộ sưu tập lập dị của bà, nhưng kỳ thực, bà không cố gán cho những thiết kế của mình một thông điệp nào.
Thời trang của bà Rei là một dòng thời trang lập dị, nhưng rất được giới làm nghề trân trọng.
Trong vài thập kỷ qua, bà Rei và chồng - doanh nhân Adrian Joffe đã xây dựng một đế chế thời trang với nhiều dòng sản phẩm kỳ quái cho nam và nữ. Dù có tìm cách đưa sản phẩm của mình tới với thị trường, nhưng bà Rei không thỏa hiệp, thiết kế của bà vẫn trừu tượng, phá cách.
Muốn trân trọng được những sản phẩm của bà, người ta buộc phải đặt lại câu hỏi rằng chúng ta chờ đợi gì ở thời trang.
Có nhiều nhà thiết kế và chuyên gia thời trang vẫn tranh luận rằng thời trang có phải là nghệ thuật không, đến với các thiết kế của Rei, có thể nhiều người sẽ cho rằng đó là một cách thể nghiệm nghệ thuật, bản thân bà cũng từng có bằng Đại học chuyên ngành lịch sử thẩm mỹ, nhưng Rei luôn phủ nhận quan điểm rằng thiết kế của mình là nghệ thuật.
Rei chưa từng học thời trang. Các bảo tàng, triển lãm muốn trưng bày các thiết kế của bà đều gặp một khó khăn chung, đó là bà luôn tránh phải giải thích về các thiết kế của mình, bà để người xem muốn hiểu và cảm nhận thế nào cũng được.
“Tôi không thích thiết kế của tôi được diễn giải, vì vậy, tôi không bao giờ cảm thấy thoải mái khi người ta cố gán những ý nghĩa cho nó. Tôi không bao giờ muốn các thiết kế của mình trở nên dễ hiểu”, Rei chia sẻ.
Bà Rei không đến nỗi quá xa lánh truyền thông, nhưng những cuộc phỏng vấn của bà luôn diễn ra theo chiều hướng rất… hài hước.
Chẳng hạn trong cuộc phỏng vấn với tờ tạp chí System Magazine, phóng viên hỏi: Có nghệ sĩ nói rằng chúng ta chỉ có thể hiểu ai đó nếu biết người ta nghe thể loại nhạc gì, vậy bà nghe nhạc gì? Rei đáp: Không nhạc. Yên lặng.
Phóng viên tiếp tục hỏi: "Ước mơ của bà thì sao?". Rei đáp: "Tôi không cần những giấc mơ".
Công thức để sáng tạo cái mới là gì thưa bà? - Tôi vật vã để tìm ra cái mới, tôi sẽ không nói tôi tìm ra cái mới như thế nào, nhưng nếu anh có công thức ấy, làm ơn hãy nói cho tôi biết.
Rei bắt đầu thử tự thiết kế trang phục từ khi bà làm một “stylist”, bà thấy mình không thể tìm ra được những món đồ ưng ý, vì vậy, bà đã quyết định tự mình thực hiện.
Rei từng chia sẻ: “Tôi không thấy những trang phục khoe thân là hấp dẫn”, và quả thực, trang phục của bà thường có những dáng hình kỳ lạ, không bao giờ làm tôn lên đường cong hay dáng vóc của người mặc. Thậm chí có những bộ trang phục hoàn toàn bọc kín cơ thể người mặc theo đúng nghĩa đen và còn không có chỗ để xỏ tay ra ngoài bộ đồ.
Chiếc quần “rơi đáy” phá cách là một trong những thiết kế đi vào ứng dụng cuộc sống do Rei thực hiện. Trang phục của bà không bao giờ đưa vào khái niệm “tôn dáng” và cũng khiến người mặc quen dần với việc không cần phải cầu kỳ soi gương.
Thời trang của Rei Kawakubo đạt tới đỉnh cao danh tiếng hồi giữa thập niên 1990. Mỗi khi Rei cho ra mắt một bộ sưu tập mới, người ta lại không biết nên ứng xử thế nào với các thiết kế của bà, những bộ trang phục hoàn toàn rời xa khỏi các chuẩn mực thông thường, thậm chí làm biến dạng diện mạo, dáng vóc người mặc, đi ngược lại xu hướng tôn thờ cái Đẹp của con người.
Trang phục của Rei thường không thể mặc xuống phố cũng không thể mặc đi làm. Nếu một món đồ quá lập dị tới mức bạn khó lòng mặc nổi, thì đó có còn là thời trang nữa không? Theo Rei, những gì bà thực hiện không phải là thời trang.
Tên thương hiệu “Comme des Garçons” trong tiếng Pháp có nghĩa là “như các chàng trai”. Cái tên này được bà Rei lấy ra từ bài hát “Tous les garçons et les filles” (thể hiện bởi nữ ca sĩ người Pháp - Francoise Hardy), một bài hát mà Rei từng rất thích nghe.
Các sản phẩm của “Comme des Garçons” thực tế đã xuất hiện ở khắp các kinh đô thời trang của thế giới và thuộc vào dòng thời trang cao cấp đắt tiền. Dù thiết kế lập dị là vậy nhưng mỗi năm, thương hiệu này vẫn có doanh số bán ra vào khoảng 280 triệu USD.
Mỗi khi cho ra mắt một bộ sưu tập mới, Rei lại đẩy lùi những giới hạn trong thiết kế. Để liên tục tạo ra cái mới, Rei khẳng định rằng bà phải trải qua một quá trình đau đớn và phải có những sự hy sinh về cảm xúc, nhưng Rei cho biết không bao giờ có chuyện bà thỏa hiệp bởi trang phục nhàm tẻ còn khiến bà cảm thấy căng thẳng, khó chịu hơn nhiều.
Thực tế, nhiều bộ sưu tập của bà được tạo nên sau khi bà đi dạo trên những con phố thời trang và cảm thấy tức giận vì sự lặp lại ý tưởng trong các thiết kế của nhiều thương hiệu.
Những thiết kế của Rei không nghi ngờ gì đã phải đối mặt với những ý kiến trái chiều trong giới thời trang, nhiều người cho rằng các thiết kế của bà chỉ đơn giản là xa rời thực tế.
Mục đích của Rei trong các thiết kế không dễ hiểu đối với phần đông công chúng khi nghĩ về thời trang. Thiết kế của bà đề cao sự độc đáo và hoàn toàn ngó lơ việc người khác nhìn nhận đánh giá ra sao: “Comme des Garçons là một món quà dành riêng cho bản thân người mặc, không phải để tạo nên sức hấp dẫn đối với người khác giới”, Rei từng nói như vậy.
Đó chính là ý tưởng xuyên suốt của “Comme des Garçons”: Không có quy tắc nào trong thời trang, ngoại trừ những quy tắc chúng ta tự tạo ra cho chính mình: