Những thương vụ M&A đưa FLC lên vị thế mới ở những ngày đầu làm BĐS của ông Trịnh Văn Quyết

FLC từng được coi là "tay chơi" M&A tại thị trường địa ốc phía bắc trước khi tạo dấu ấn tại mảng BĐS nghỉ dưỡng. Chiến lược đẩy mạnh thâu tóm những dự án tiềm năng trong bối cảnh thị trường chung ảm đạm của ông Trịnh Văn Quyết đã nhanh chóng đưa FLC lên vị thế mới vào những buổi đầu làm BĐS.

Tên tuổi FLC từng vụt sáng nhờ đẩy mạnh M&A giữa bối cảnh thị trường "nguội lạnh" 

CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) được thành lập từ năm 2001. Đến năm 2010, doanh nghiệp bắt đầu tiến vào thị trường bất động sản với mô hình sàn giao dịch, phân phối các dự án nhà ở như Lĩnh Nam, Mandarin Garden, hay Golden Place...

Trải qua hơn một thập kỷ làm bất động sản, hệ sinh thái FLC hiện đã có trong tay quỹ đất hàng nghìn ha phủ khắp các địa phương, nổi bật với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và sân golf khi sở hữu hàng loạt dự án tỷ USD.

Trên thực tế, trước khi nổi danh với dòng bất động sản nghỉ dưỡng vào năm 2015, FLC đã được biết đến là một “tay chơi” M&A có tiếng trên thị trường địa ốc khu vực phía bắc. 

  Dự án FLC Landmark Tower. (Ảnh: FLC).  

Năm 2008, công ty thành lập hàng loạt công ty đầu tư tài chính và đầu tư, trong đó có CTCP Đầu tư Tài chính Ninh Bắc, tiền thân của Công ty TNHH MTV FLC Land hiện tại, đồng thời là chủ đầu tư và là đối tác của FLC tại dự án FLC Landmark Tower tại đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Hà Nội.

Dự án này được khởi công vào năm 2009 với diện tích 4.408 m2, tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng. Phía FLC là nhà phân phối độc quyền các căn hộ tại dự án, đồng thời khai thác và quản lý khu thương mại, dịch vụ văn phòng.

Dự án hoàn thành vào tháng 2/2012. Cùng thời điểm này, FLC đã thực hiện sáp nhập đơn vị theo phương thức hoán đổi cổ phần, từ đó, chính thức trở thành chủ đầu tư tại FLC Landmark Tower. 

Đến giai đoạn 2013, khi thị trường bất động sản cả nước rơi vào tình trạng ảm đạm, giá bất động sản giảm mạnh, hoạt động sáp nhập của FLC càng trở nên rõ nét hơn khi chủ trương đẩy mạnh M&A hàng loạt các dự án trên địa bàn Hà Nội.

Chiến lược này đã giúp FLC mở rộng đầu tư với chi phí thấp, rút ngắn thời gian phát triển dự án, đồng thời đẩy vị thế của FLC lên cao trên thị trường khu vực phía bắc cũng như thị trường cả nước.

Mở đầu cho chiến dịch M&A này là thương vụ mua lại dự án Khu đô thị Alaska Garden City tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội vào tháng 8/2013, sau đó đổi tên thành FLC Garden City. 

Tiếp theo đó, năm 2014, FLC thực hiện M&A hai dự án khác là Ion Complex Tower (nay đổi tên là FLC Complex Tower) tại 36 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội và dự án The Lavender Hà Đông (nay là FLC Star Tower).

Năm 2015, FLC tiếp tục M&A dự án Tháp đôi 265 Cầu Giấy và đổi tên thành Bamboo Airways Tower, đưa tổng mức đầu tư các dự án bất động sản M&A của FLC lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. 

  Dự án FLC Complex Phạm Hùng. (Ảnh: FLC).  

Nguồn vốn lớn từ thị trường chứng khoán

Trước khi thực hiện chiến lược M&A, FLC đứng trước nhu cầu lớn về nguồn vốn và đã đưa doanh nghiệp niêm yết lên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào tháng 10/2011.

Chưa đầy một năm, tháng 6/2012, vốn điều lệ của FLC đã tăng gấp hơn 2,5 lần so với mức vốn điều lệ trước đó, đạt 602 tỷ đồng.

Đến ngày 6/8/2013, chỉ hai ngày trước khi ký hợp đồng thực hiện với thương vụ M&A đầu tiên (dự án Alaska Garden City), FLC đã chuyển niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). 

Theo FLC, thị trường chứng khoán đã giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, với trên 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào giai đoạn 2014 - 2015. Sau nhiều lần tăng vốn thông qua phát hành để trả cổ tức, phát hành riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu, đến đầu năm 2018, vốn điều lệ của FLC đã chạm mốc gần 7.100 tỷ đồng. 

Tag:
chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.