Trong cuốn sách Critical Path (Con Đường Quyết Định) được xuất bản năm 1982, kĩ sư sáng chế và chuyên gia tương lai học R. Buckminster Fuller, nói rằng tính đến năm 1900, kiến thức của loài người được nhân đôi qua mỗi thế kỉ. Nhưng đến năm 1945, kiến thức nhân đôi qua mỗi 25 năm và đến năm 1982, kiến thức nhân đôi cứ mỗi 12 hay 13 tháng. Mới đây, Tập đoàn IBM đưa ra dự báo, kiến thức của loài người sẽ nhân đôi cứ mỗi 12 giờ đồng hồ, trước thềm năm 2020.
Chúng ta đang đứng trước bậc thềm đó với những hoài bão về tương lai, thành công, hi vọng, những mục tiêu cho năm mới. Trước ngọn núi khổng lồ của kiến thức được nhân đôi cứ mỗi 12 giờ, chúng ta sẽ lựa chọn con đường nào cho tương lai của chính mình? Công nghệ thông tin chưa bao giờ khiến kiến thức mênh mông, được tiếp cận một cách dễ dàng, miễn phí và dư dả như vậy.
Ấy vậy mà rất nhiều người chúng ta vẫn đang đổ rất nhiều tiền của vào các trường học danh giá, phụ huynh vẫn chi hàng tỉ đô la cho con em được đi học thêm để nhồi nhét những kiến thức mà chỉ cần gõ vài ngón tay đã có đầy trên mạng. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, thực ra các trường học 0 đồng đang hiện hữu xung quanh ta, và kiến thức đang hiển hiện ngay trước mắt, chỉ đợi chúng ta lựa chọn.
Mẹ tôi đã về hưu từ lâu, nhưng bà vẫn rất thích học trên trường học Google. Cứ mỗi lần đi bác sĩ nhận được toa thuốc mới, bà lại lên mạng “Gu Gồ” xem bác sĩ kê cho bà thuốc gì, có tác dụng gì, có chất gì trong đó.
Mỗi lần lạch cạch gõ mổ cò từng từ khóa, bà lại bảo: “Thời buổi này có Gu Gồ sướng thật, cái gì cũng có thể đọc, cái gì cũng có thể biết”.
Tôi nhớ có lần làm một bài thuyết trình về các xu hướng tương lai với các thầy cô giáo từ Bộ Giáo dục Singapore, bài chia sẻ dài 24 trang, mỗi trang chỉ có đúng 1 từ khóa, tổng cộng 24 từ khóa.
Từ khi có Google, thông tin và kiến thức lúc nào cũng miễn phí với giá 0 đồng trên 10 đầu ngón tay. Chỉ cần chúng ta nghe thêm một khái niệm mới và tò mò về nó, đặt một câu hỏi trong đầu và muốn tìm câu trả lời, chúng ta lại mở thêm những cánh cửa tri thức mới một cách dễ dàng và miễn phí.
Mỗi lần mở YouTube, tôi lại nhớ về Nancy, cô giúp việc đầu tiên của tôi, ban ngày thì làm việc rất chăm chỉ, ban đêm lại lên trường học 0 đồng YouTube để học thêm các kĩ năng về làm tóc, trang điểm và nấu nướng.
Cứ mỗi lần tìm được món nào hay, cô lại ghi danh sách thực đơn ra và bảo: “Chị ơi, em muốn thử nấu món này, để sau này em về Myanmar mở cửa hàng bán đồ ăn”. Tôi đi chợ mua nguyên liệu về cho cô thử nghiệm và chế biến. Những thử nghiệm của cô có lúc thành công rực rỡ, có lúc tôi chỉ gật đầu tủm tỉm “thôi lần sau thử lại nhé em”.
Cứ mỗi lần như thế, ánh mắt cô ngời sáng và trong sổ tay lại lên tiếp kế hoạch học các lớp trang điểm, cắt tóc khác từ YouTube, với mơ ước sau này sẽ dành dụm đủ tiền để về Myanmar tự mở cửa hàng sinh sống.
“Chị ơi, em đánh liều hỏi chị. Hiện giờ em đang rất muốn tìm một chỗ thực tập để có thể học hỏi thêm về các doanh nghiệp xã hội, đồng thời trao dồi kĩ năng trong môi trường làm việc. Chị có biết chỗ nào để giới thiệu cho em không ạ?”, một tin nhắn bất ngờ xuất hiện trong Facebook Messenger của tôi.
Tôi không biết em là ai, tôi chỉ trả lời: “Nếu em muốn có thể làm việc với chị”. Và em khăn gói quả mướp theo tôi từ đó.
Nhiều năm đi dạy và sau này làm việc với các sinh viên đại học, tôi vẫn truyền đạt cho các em một chữ mà tôi luôn nhớ của huyền thoại Apple Steve Jobs là “Ask” (Hỏi). Facebook là mạng lưới xã hội mang lại các mối duyên tuyệt vời, khiến cho việc “Tầm sư học đạo” thời nay trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Nhờ Facebook, tôi có duyên được gặp người Thầy lớn của tôi, ông Jack Sim, người sáng lập tổ chức Toilet Thế giới. Ông là tấm gương sáng về tư duy hệ sinh thái, về tinh thần dám nghĩ dám làm, về sự can đảm liều mình cho một tầm nhìn lớn lao, là chuyên gia trong tất cả những gì mà ông chưa làm bao giờ.
Facebook cũng tạo ra những cộng đồng tuyệt vời để chia sẻ kiến thức và học hỏi lẫn nhau, như cộng đồng MIE Giáo viên sáng tạo của Microsoft. Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên vì kiến thức sâu rộng và sự ham học của các thầy cô trong đó. Một trường học 0 đồng tuyệt vời.
Trong 10 năm dạy Tư duy thiết kế và giải quyết vấn đề, tôi phát hiện ra 2 hoạt động khiến kiến thức và sự sáng tạo của tôi tăng lên đáng kể. Chúng trở thành bí quyết đơn giản nhưng là nền tảng để tôi kiến tạo hành trình giáo dục cho chính mình. Đó là “quan sát” và “đặt câu hỏi”.
Thực ra xung quanh chúng ta có hàng ngàn hàng tỉ thứ được con người sáng tạo ra. Có những thứ đã từng là những phát minh vĩ đại làm chuyển hóa lịch sử loại người, như giấy, bóng điện, bánh xe. Nhưng khi chúng trở nên những vật quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường bỏ qua hoặc ít khi bỏ thời gian ra để quan sát và đặt câu hỏi.
Khi đi đào tạo giáo viên STEM, tôi thích cầm một bình nước lên và hỏi: “Theo các bạn thì trong bình nước này có STEM không?”. Bây giờ, hãy cầm một bình nước lên, quan sát nó thật kĩ và đặt càng nhiều câu hỏi càng tốt.
Bạn có thấy rằng trong cái bình nước đơn giản ấy, có rất nhiều kiến thức mà bạn chưa bao giờ biết đến hoặc nghĩ tới hay không?
Sau 2 năm bước ra khỏi vùng an toàn của mình, tôi nhận ra mình chính là kiến trúc sư cho hành trình giáo dục và cuộc đời của bản thân. Trong khi đa số các bạn trẻ, thầy cô, phụ huynh đều lo lắng về việc hệ thống giáo dục không kịp chuyển đổi để đáp ứng sự thay đổi như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0.
Các việc làm chưa kịp xong đào tạo đã biến mất, việc trường tư trăm hoa đua nở không biết học gì học ai, tôi nhìn ra ngoài kia và thấy những trường học 0 đồng ngày càng nhiều hơn, phong phú và dồi dào hơn bao giờ hết. Tất cả mọi thứ đều nằm trong sự lựa chọn của bạn và đồng vốn duy nhất mà bạn cần bỏ ra, đó là thời gian của chính mình.
Đô thị 08:29 | 13/07/2020
Nhà đất 08:06 | 13/07/2020
Kinh doanh 08:03 | 13/07/2020
Đô thị 08:03 | 13/07/2020
Kinh doanh 09:07 | 29/06/2020
Đô thị 06:02 | 29/06/2020
Du lịch 06:00 | 29/06/2020
Tiêu dùng 20:34 | 28/06/2020