Bố mẹ thường phàn nàn con mình không nghe lời, ương bướng, nói một đằng làm một nẻo, đôi khi còn làm ngược lại ý bố mẹ. Đây là vấn đề gây đau đầu với nhiều bố mẹ nhưng thực chất lại là phản ứng bình thường, tự nhiên của trẻ. Trẻ luôn có xu hướng làm ngược theo ý bố mẹ và "dị ứng" với những câu nói kiểu mệnh lệnh mà bố mẹ vẫn thường nói. Đối với trẻ, 80% lời nói của bố mẹ đều vô nghĩa. Nếu bố mẹ vẫn cứ giao tiếp với con kiểu như vậy, thì tình trạng này còn tiếp diễn. Bố mẹ mãi mãi sẽ là những người thất bại trong việc giáo dục con cái.
Nói sao cho trẻ chịu nghe là cả một nghệ thuật. Để học được kỹ năng này, bố mẹ cần gạt bỏ thói quen cũ khi nói chuyện và giao tiếp với con. Sau đây là 9 "không", bố mẹ cần nhớ.
1. Không nói: "Con đừng...."
Không nói: "Con đừng như thế này, đừng như thế kia". Cách nói này khiến trẻ bị ức chế và tạo tâm lý phản kháng. Hơn nữa đây là cách giao tiếp một chiều, không để cho con có cơ hội chia sẻ.
Thay vì nói như trên, hãy nhắc nhở một cách tích cực, đưa ra đề nghị, gợi ý trẻ làm theo cách khác như: "Mẹ nghĩ là như thế này sẽ tốt hơn", "Hay là con làm như này". Chiêu này sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với câu nói răn đe kia của mẹ.
2. Không giáo huấn, dạy con khi đang giận dữ
Khi con làm sai điều gì đó, đừng dại phản ứng giận dữ và tiêu cực ngay. Sẽ không có tác dụng gì với trẻ. Trẻ sẽ chỉ nhìn thấy bố mẹ đang giận dữ, đổ lỗi cho mình, chứ không hề lắng nghe những lời bố mẹ đang "giáo huấn". Ôn hòa, bình tĩnh luôn là chìa khóa để giao tiếp với trẻ thành công.
3. Không làm tụt cảm xúc của con
Để nói cho trẻ chịu nghe, thì trước hết phải học cách lắng nghe trẻ đã. Khi con có đề nghị nào đó, đừng vội gạt phăng đi, trẻ sẽ dễ mất hào hứng và cho rằng bố mẹ không hề quan tâm đến cảm xúc của mình.
4. Tập trung vào hành động, không tập trung chỉ trích con
Ví dụ khi thấy con mãi chưa thay quần áo để đi học, bố mẹ thường có phản ứng chê trách, măng mỏ thói lề mề, chậm chạp của con. Thế nhưng lại không bao giờ tập trung vào giải quyết vấn đề chính, đó là giúp trẻ mặc quần áo nhanh hơn. Khi bố mẹ đưa ra lời nhận xét tiêu cực như vậy, trẻ sẽ càng "trêu tức" bố mẹ bằng cách không làm theo và cố tình chậm chạp hơn.
5. Không so sánh con với con nhà hàng xóm
Đây cũng là điều tuyệt đối cấm kị trong cách giao tiếp với trẻ nhỏ nói riêng và nuôi dạy con nói chung. Việc so sánh con với những trẻ khác không có tác dụng khích lệ con tiến bộ hơn mà chỉ mang lại cảm giác tự ti cho con.
Thay vì so sánh con với những trẻ khác, hãy so sánh thành tích của con ngày hôm nay với ngày hôm qua. Như vậy con lúc nào cũng cảm thấy được bố mẹ ghi nhận thành quả và luôn có động lực phấn đấu mà không bị ức chế, bí bách.
6. Không từ chối thẳng thừng
Việc bị bố mẹ từ chối thẳng thừng sẽ khiến trẻ có tâm lý phản kháng rất quyết liệt. Trẻ chắc chắn bằng mọi giá không nghe lời và không chịu thua bố mẹ. Trường hợp này, trẻ sẽ bộc lộ sự cứng đầu, ương bướng và tự ý làm theo ý mình. Mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn khi bố mẹ gay gắt với trẻ. Nếu cứ giữ thói quen từ chối thẳng thừng con, bố mẹ chắc chắn sẽ "bại trận" trong "cuộc chiến" này.
Thay vì nói "cấm con không được", hãy đưa ra gợi ý, thỏa thuận để bố mẹ và con cùng giữ thỏa thuận đó.
7. Không ra mệnh lệnh vô nghĩa
Không ra mệnh lệnh vô nghĩa, vì tất nhiên trẻ sẽ không bao giờ chịu làm theo. Thay vào đó, đánh lạc hướng trẻ bằng một trò vui khác.
8. Không hỏi những câu chung chung
Cần tránh hỏi những câu chung chung kiểu như: "Hôm nay ở lớp con học thế nào?" khiến trẻ không biết cách trả lời. Hãy hỏi những câu hỏi cụ thể về bạn bè con, về một sự việc nào đó rõ ràng.
9. Không đưa ra lời khuyên nhủ vào thời điểm không thích hợp
Khi cần khuyên răn, dạy bảo trẻ, cần chọn thời điểm trẻ vui vẻ, thoải mái. Khi nói cũng cần khéo léo khơi gợi, không dùng những tính từ mạnh, tiêu cực. Trẻ con rất thích nghe giải thích, chỉ cần mẹ giải thích đầu đuôi rõ ràng, dần dần trẻ sẽ hiểu được.
Lối sống 07:57 | 15/03/2019
Lối sống 09:53 | 10/08/2018
Lối sống 07:18 | 10/08/2018
Lối sống 22:00 | 09/08/2018
Lối sống 03:12 | 09/08/2018
Lối sống 22:00 | 08/08/2018
Lối sống 11:00 | 08/08/2018
Lối sống 23:00 | 29/07/2018