NSƯT Phạm Bằng thời trẻ. |
Câu chuyện về mẹ và nỗi ám ảnh câu nói “ nó chỉ là con hát mua vui cho thiên hạ”
NSUT Phạm Bằng là giai phố cổ chính hiệu, ông sinh ra và lớn lên ở Hàng Giầy (Hà Nội), sinh ra ở những năm 30, là con trai trong một gia đình khá giả và hạnh phúc. Cuộc đời Phạm Bằng bắt đầu có những bước thay đổi đó là khi cha ông mất khi mẹ ông mới 24 tuổi, từ đây cuộc sống trở nên khó khăn và gặp nhiều thử thách.
Mẹ ông, một người phụ nữ từng sống trong cảnh nhung lụa đầy đủ bỗng chốc phải đứng ra vừa làm cha, vừa làm mẹ tảo tần bươn chải với cuộc sống để lo cho các con. Những năm tháng vất vả mưu sinh đã khiến bà trở nên hà khắc, một mẫu phụ nữ cổ điển và là “nỗi khiếp sợ” của các nàng dâu, ông đã từng chia sẻ thật lòng như thế về mẹ mình trong một bài phỏng vấn.
Nghệ sĩ Phạm Bằng không thể quên được, trong suốt những năm tháng ông theo đuổi con đường nghệ thuật, chưa một lần mẹ ông đến xem dù chỉ một vở kịch, hay một chương trình có con trai tham gia, bởi với bà, "nó chỉ là con hát đi mua vui cho thiên hạ". Lời nói ấy khiến ông rất đau và không bao giờ quên, nhưng ông không trách mẹ, bởi nghĩ đến sự tảo tần bao nhiêu năm mẹ ông đã vì gia đình mà lo toan, ông thấy thương nhiều hơn giận mẹ.
Người vợ khiến Phạm Bằng quyết ở vậy chứ không chịu tái hôn khi bà qua đời
Trong cuộc đời của “sếp” Bằng ta có thể quên một vài chi tiết nhưng tuyệt đối không thể không nhắc đến người vợ thủy chung, đảm đang và tận tụy của ông.
Nhắc đến vợ mình khi ông còn sống, ông thường nở một nụ cười hiền hậu và kể về bà với vẻ trìu mến: "Trong cuộc sống, sự nghiệp và sự thành công của tôi thì 98% nhờ vào công của bà ấy, chỉ có 2% do tôi”, lão nghệ sĩ từng chia sẻ.
Trong mọi câu chuyện về mình, Phạm Bằng luôn nhắc về người vợ thủy chung và tận tâm của mình một cách trân trọng, thương nhớ |
Lấy chồng nghệ sĩ, vợ Phạm Bằng chấp nhận một mình lo toan, bươn chải. Sinh 4 người con thì chỉ có một người ông có mặt bên bà lúc vượt cạn. Nuôi 4 con nhỏ trong khi chồng đi diễn biền biệt, bà không một lời than thở, trách móc.
Đồng lương diễn viên ít ỏi chỉ đủ ăn 20 ngày, 10 ngày còn lại phải đi vay, bà đảm nhận việc chạy vạy từng bữa ăn, một mình thức khuya dậy sớm chăm con đau ốm để ông yên tâm, sống trọn cho từng vai diễn.
Phạm Bằng càng thương vợ hơn khi bà không ngại ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng – trải qua bạo bệnh để sinh con trai nối dõi tông đường cho ông. Không những thế, mẹ ông vốn hà khắc không chỉ với ông mà với cả vợ ông cũng vậy, bà thường xét nét và nghiêm khắc quá mức với con dâu, nhưng vượt qua tất cả, vợ ông vẫn một mực kính trên nhường dưới và một lòng tận tâm lo cho chồng và gia đình nhà chồng, không một lời trách móc.
Vợ ông đã đi trước ông 13 năm, hơn một thập kỉ đã trôi qua khi người phụ nữ nhân hậu ấy qua đời, nam nghệ sĩ vẫn không muốn đi bước nữa bởi: “Nếu lấy ai chắc chắn không thể bằng bà ấy được”.
Bà xã là người chịu thương chịu khó, có lẽ cũng khó có người con dâu nào chiều được mẹ chồng khó tính như vợ ông, nên Phạm Bằng nói ông thương vợ, lúc nào cũng thương dáng vẻ hiền lành, có gì đó cam chịu và luôn dõi đôi mắt theo cuộc đời ông. Thế nên dù đã đi xa lâu lắm rồi, nhưng trong căn nhà cổ kính của ông lúc nào cũng như còn hình bóng người vợ vẫn đâu đây.
Và mọi câu chuyện của ông, chỉ dừng lại khi đã đong đầy hình ảnh của bà.
Câu chuyện về “gái trẻ”
Năm ngoái, ông còn “mạnh miệng” phát biểu trên truyền thông: “Diễn với gái trẻ là đặc sản của tôi”. Thật vậy, vị “sếp” có máu “dê xồm” trong các tiểu phẩm hài Gặp nhau cuối tuần đã đóng đinh tên tuổi của Phạm Bằng vào vai “sếp già – gái trẻ” hoặc chồng già – vợ trẻ. Ở dạng vai này ông diễn nhập vai đến nỗi, khán giả gặp ông ở ngoài đời cứ gọi là “sếp Bằng” ngọt sớt, các bà các cô còn rỉ tai nhau “Lão sếp này trên ti vi dê lắm đấy, cẩn thận!”. Đó thực sự là một thành công của người nghệ sĩ trong việc “định danh” tên tuổi của mình trong lòng khán giả.
NSUT Phạm Bằng và NSUT Kim Oanh trong một tiểu phẩm hài Tết |
Thành công ở nhiều dạng vai, NSUT Phạm Bằng còn được đồng nghiệp kính trọng, yêu thương bởi cách sống nhân hậu, hiền lành, không bon chen với đời. Dù ốm đau mấy năm nay nhưng ông vẫn giấu bệnh tình của mình và tự chịu đựng bằng những đơn thuốc ở viện. Nói về nghệ thuật, người đàn ông đã ở tuổi bát thập ấy vẫn rất say sưa và kiên định với chân lí của riêng mình: “Tôi muốn làm nghệ thuật, khi về già vẫn có thể làm nghệ thuật chân chính, đó là hạnh phúc”.
Và trong suốt thời gian làm nghệ thuật hay cuộc sống thường ngày, bên cạnh ông luôn có hình ảnh của những người phụ nữ, người thì tảo tần, người thì chung thủy, người thì kính trọng, người là đồng nghiệp, đồng môn… họ đi bên canh ông và viết cho ông những trang đẹp đẽ nhất của cuộc đời “sếp” Bằng – anh con giai phố cổ “chất chơi” của Hà Nội cũ.
Thời sự 09:33 | 04/11/2016
Thời sự 07:23 | 04/11/2016
Thời sự 06:48 | 04/11/2016
Thời sự 07:35 | 02/11/2016
Thời sự 03:14 | 01/11/2016
Thời sự 01:40 | 01/11/2016
Thời sự 01:09 | 01/11/2016
Thời sự 17:21 | 31/10/2016