Con hư tại 10 lỗi dạy con rất tai hại này của bố mẹ | |
‘Bỏ đói’ con thế nào cho đúng? |
Việc mẹ nghỉ ở nhà chăm con từ trước đến nay vốn không nhận được nhiều sự hoan nghênh, ủng hộ. Tuy nhiên vẫn có không ít người quyết định gắn bó suốt đời với công việc làm mẹ toàn thời gian, tạm gác lại mọi thứ, tập trung chăm nuôi con và ở gần con những năm đầu đời.
Nghỉ việc để con được bú mẹ hoàn toàn
Chị Võ Thị Thu Hạnh ở Gia Nghĩa-Đăk Nông trước đây làm tại trung tâm quy hoạch xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng Đăk Nông. Một công việc cũng tạm coi là ổn định, đủ trang trải, chi tiêu cho cuộc sống. Chị Hạnh chia sẻ, trong thời gian nghỉ thai sản, chị có suy nghĩ đến vấn đề mình đi làm rồi con sẽ gửi cho ai, ăn uống như thế nào, liệu có ổn không. Đến khi hết thời gian thai sản thì chị càng lo lắng về vấn đề này nhiều hơn. Chồng chị Hạnh đi làm xa, mỗi tuần về thăm nhà 1 lần, ông bà cũng không ở gần mà nhờ vả giúp đỡ được.
Chị Võ Thị Thu Hạnh (Gia Nghĩa-Đăk Nông) cho rằng những năm đầu đời của con rất quan trọng nên cần có mẹ ở bên. (Ảnh: NVCC) |
“Ngày đi làm lại sau 6 tháng nghỉ thai sản, mình gửi con nhờ chị hàng xóm và cũng tận dụng thời gian con nhỏ dưới 12 tháng được đi muộn về sớm 1 tiếng. Được 1 tháng như vậy thì cảm thấy không ổn vì công việc không làm được, con thì ngày nào cũng khóc, đêm ngủ gào thét lên rồi hức hức tủi thân. Hầu như những ngày mẹ đi làm là con đều khóc và hoảng sợ khi mẹ không ẵm bế. Thực sự lúc đó mình thấy khổ lắm, cứ mẹ đi làm về là con bám víu không cho nấu nướng ăn uống gì. Sau đó mình có bàn với chồng về việc xin ở nghỉ việc ở nhà chăm con, thì may mắn sao chồng ủng hộ hoàn toàn và còn nghĩ ở nhà cho con bú trực tiếp vẫn hơn”, chị Hạnh nói.
Khi chị Hạnh quyết định gửi đơn thôi việc, thì phản ứng của mọi người đều là ngỡ ngàng. Rất nhiều người khuyên chị nên đi làm chứ không nên ở nhà, “đi làm dù ít dù nhiều cũng có lương”. Khi ấy, chị Hạnh chỉ cười và nói "con quan trọng hơn". “Thực ra thì lúc đó mình biết bản thân mình cần gì muốn gì, nên quyết định thôi việc cũng nhẹ nhàng, chứ không có gì nặng nề cả”, chị Hạnh nói thêm.
Giống như chị Hạnh, chị Cao Khương Kim Phượng ở TP HCM cũng lựa chọn công việc làm mẹ toàn thời gian. Chị trước đây tự kinh doanh và làm chủ một quán chè tương đối đông khách. Khi sinh bé, chị Phượng quyết định giao quán chè lại cho mẹ và dự định khi con 3 tháng tuổi sẽ tiếp tục lại công việc kinh doanh. Nhưng rồi cuối cùng chị lại ở nhà nuôi con, vì nghĩ “nuôi con là chuyện quan trọng hơn tất cả”.
Chị Kim Phượng và con trai. Con trai chị hiện gần 3 tuổi vẫn được bú mẹ hoàn toàn. (Ảnh: NVCC) |
Mẹ ở nhà chăm con không phải là ăn bám
Quan điểm ở nhà chăm con là ăn bám đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm, chị Hạnh nói. “Với một đứa trẻ, 3 năm đầu là thời gian vàng để làm nền tảng cho con khôn lớn. Giai đoạn này con cũng cần bố mẹ ở bên nhất. Một cái lợi rất lớn khi mẹ ở nhà chăm con là con được bú mẹ hoàn toàn và lâu dài, bú đến khi chán thì thôi”.
Chị Hạnh chia sẻ thêm, khi biết chị ở nhà chăm con, có rất nhiều mẹ nhắn tin nói rằng "ngưỡng mộ khi em nghỉ việc lắm, chị muốn được như em". Thế mới biết có rất nhiều bà mẹ khao khát được ở gần con, được tự tay chăm con đến như thế nào.
Còn với chị Phượng, hiện tại con chị gần 3 tuổi và vẫn được bú mẹ trực tiếp. “Quan niệm ở nhà chăm con là ăn bám, đó là suy nghĩ của những người của những người ích kỷ! Thật ra công việc làm mẹ là việc quan trọng và cao cả nhất trong các mọi ngành nghề. Làm kiếm tiền cả đời mà, nên nghỉ 2,3 năm đầu đời cho con không là vấn đề gì cả”.
Con chị Hạnh được trải nghiệm công việc trồng rau với mẹ. (Ảnh: NVCC) |
Trong khi đó, chị Phượng lại dành nhiều thời gian cho con đi chơi, khám phá đây đó. (Ảnh: NVCC) |
Vì con sẽ tự khắc nghĩ ra cách kiếm tiền
Cả chị Hạnh và chị Phượng đều cân nhắc kỹ đến vấn đề tài chính khi quyết định nghỉ việc ở nhà chăm con. Chị Hạnh sau khi nghỉ việc cũng có ý định sẽ tự kinh doanh, nhưng kinh doanh gì thì lúc ấy chị vẫn chưa biết. Nhiều bạn bè hỏi chị sao biết làm cái này mà không bán, từ câu hỏi ấy chị bắt đầu có động lực kiếm tiền bằng chính đam mê, sở trường của chị. Và chị Hạnh bắt đầu tự kinh doanh tại nhà bằng việc bán cà phê sạch.
Hiện tại, chị Hạnh đang sở hữu 1 xưởng bánh mì sau khoảng thời gian 2 năm thôi việc. Chị gọi xưởng bánh mỳ của mình là “công trình” do chính tay chị gây dựng từ tiền kiếm được sau khi nghỉ việc ở nhà chăm con. Chị Hạnh tranh thủ lúc con chơi con ngủ, tự mày mò nghiên cứu công thức làm bánh. Sau đó hai mẹ con cùng làm, qua đó chị còn dạy con biết làm việc, biết trân trọng sức lao động của chính mình.
Chị Hạnh hiện tại sở hữu một xưởng bánh mỳ do chị làm chủ. (Ảnh: NVCC) |
Còn chị Phượng kiếm tiền bằng cách kinh doanh chè hạt đác - một đặc sản của Nha Trang. (Ảnh: NVCC) |
Với chị Hạnh, ở nhà chăm con đồng nghĩa với niềm vui được lớn lên cùng con. “Bắt đầu là con bi bô tập nói, tập đứng, tập đi tất cả đều được mẹ chứng kiến và ghi lại dấu mốc, đó luôn là điều tuyệt diệu nhất. Mẹ được ở nhà chăm con, con được bú mẹ lâu dài, cũng tiết kiệm được khá nhiều thời gian và tiền bạc nữa. Đừng nghĩ không đi làm không có tiền thì tiết kiệm được gì nhé. Bạn chỉ cần chăm chỉ dạy con trồng rau, tưới rau là nhà bạn đã có 1 vườn rau sạch ăn mà không sợ bệnh tật gì rồi. Trong khi đó con được học được chơi cùng mẹ”, chị Hạnh cười và nói.
Chị Phượng ở TP HCM thì sau khi ở nhà khoảng 1 năm, chị có thử bán online trên mạng một đặc sản của Nha Trang. Không ngờ khởi đầu khá suôn sẻ. Chị tranh thủ những lúc con ngủ, nấu đồ và làm việc. Hiện tại con chị Phượng mới đi mẫu giáo. Sáng chị đưa con đi học, 4 giờ chiều lại đón con về. Thứ 7 và chủ nhật chị ưu tiên con hơn cả, gác lại công việc, chơi với con hoặc đưa con đi đây đi đó. Với chị Phượng, điều tuyệt vời nhất của mẹ toàn thời gian là chị luôn là người thấy những thay đổi của con mình từng ngày, chị được chăm sóc con theo ý mình, chứ không phải theo ý của ai hết.