Ông chủ tuổi Tý của Tencent: Tỉ phú quyền lực nhất Trung Quốc nhưng nhút nhát trước công chúng và luôn tránh xa truyền thông

Khi bước vào tuổi 45, Ma Huateng - ông chủ của gã khổng lồ công nghệ Tencent Trung Quốc, trở thành người giàu nhất châu Á, với khối tài trị giá 50 tỉ USD, theo Forbes.

Theo thống kê của Forbes, với khối tài sản ròng trị giá 50 tỉ USD, CEO Tencent Ma Huateng đã trở thành người giàu nhất châu Á và giàu thứ 14 trên thế giới vào năm 2017. 

Ma Huateng là một trong những biểu tượng về sự lột xác chóng mặt của Trung Quốc, từ một nền kinh tế gia công, nông nghiệp, trở thành nền kinh tế đầy tham vọng trong phát triển và đầu tư công nghệ, chỉ trong vài thập kỉ.

Viết về người đàn ông quyền lực bí ẩn này, tờ CNBC từng nhận định: 

Thế giới đã từng là của các doanh nhân Mỹ, như Henry Ford với các dây chuyền lắp ráp tại khắp các nhà máy trên thế giới, và Steve Jobs, người đặt smartphone vào túi của chúng ta – những người tiên phong tạo ra các ngành công nghiệp mới. 

Nhưng giờ đây, con rồng dường như đã được đánh thức. Nỗ lực không mệt mỏi của Ma nhằm phá vỡ những giới hạn sẽ được xem như một phép thử, để xem liệu quả lắc sáng tạo có nghiêng về châu Á hay không”. 

Ông chủ Tencent Ma Huateng: Vị tỉ phú quyền lực kín tiếng của Trung Quốc - Ảnh 1.

Ma Huateng là một trong những biểu tượng về sự lột xác chóng mặt của Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).

Tỉ phú quyền lực của Trung Quốc tự thú là người nhút nhát trước công chúng

Trong những năm vừa qua, Tencent Holdings đã vươn lên trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu của đất nước tỉ dân. Danh tiếng của Tencent gắn liền với vị thế của ông chủ Ma, người đang nắm giữ vị trí số 1 trong danh sách những người giàu nhất châu Á. 

Ma Huateng, sinh năm Nhâm Tý 1972,  tại Triều Dương, tỉnh Quảng Đông, còn được gọi với cái tên thân mật là Pony Ma (Ngựa non Ma). Ông là đồng sáng lập gã khổng lồ công nghệ Tencent của Trung Quốc. Triều Dương, mảnh đất đã sản sinh ra rất nhiều doanh nhân lỗi lạc, trong đó có Li Ka-shing, ông trùm của Tập đoàn xây dựng lớn nhất Hong Kong. 

Một người họ hàng 73 tuổi của Ma nói: “Tôi muốn Ma trở thành một người như ông Li”. 

Cha ông là giám đốc một cảng biển quốc doanh lớn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến ngành khoa học máy tính năm 1993, ông làm lập trình viên phần mềm.

Ông chủ Tencent Ma Huateng: Vị tỉ phú quyền lực kín tiếng của Trung Quốc - Ảnh 2.

WeChat trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc. (Ảnh: Starupinsider).

Vào những năm 1993, theo khảo sát, cứ khoảng 100 người Trung Quốc mới có 1 người sở hữu máy tính. Trong khi đó, Ma Huateng đã kiếm 176 USD mỗi tháng từ công việc đầu tiên ở Thâm Quyến. Ông đặt chân khá sớm vào cơn sốt công nghệ tại Trung Quốc giữa những năm 90.

5 năm sau khi tốt nghiệp, ông cùng 4 người bạn thời đại học đồng sáng lập Tencent. Ban đầu, họ lập ra phần mềm chat có tên QQ. Phần mềm này nhanh chóng trở thành nền tảng chat lớn nhất Trung Quốc. 

Sản phẩm này được cho là bản sao của ICQ - một ứng dụng nhắn tin của Israel. 

Mặc dù bị gắn nhãn sao chép, nhưng QQ vẫn thành công rất nhanh, do Ma đã tinh chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường Trung Quốc, nó đạt được 100 triệu người dùng chỉ sau 1 năm. 

Năm 2004, Tencent lên sàn chứng khoán Hong Kong. Đến năm 2011, khi WeChat ra đời, Tencent trở thành cái tên "hot" trên toàn cầu. Hiện WeChat có khoảng hơn 1 tỉ người dùng thường xuyên tại Trung Quốc đại lục. 

Nền tảng truyền thông xã hội này là một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc. 

Ông chủ Tencent Ma Huateng: Vị tỉ phú quyền lực kín tiếng của Trung Quốc - Ảnh 3.

Với hơn 1 tỉ người dùng, trong suốt vài năm qua, ứng dụng WeChat Pay của Tencent đã thay đổi đáng kể cách người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm. (China Daily).

Ban đầu, ứng dụng chỉ đơn giản dùng để nhắn tin, Tencent nhanh chóng trang bị thêm các tính năng mới cho WeChat. Đầu tiên là tin nhắn thoại, sau đó gọi điện video, và trở thành ứng dụng với các chức năng được pha trộn từ một số ứng dụng công nghệ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, bao gồm WhatsApp, Facebook, Uber, Deliveroo, Apple Pay, Spotify, cộng thêm một số tiện ích mới, như chơi game, đọc báo trực tuyến.

Với hơn 1 tỉ người dùng, trong suốt vài năm qua ứng dụng WeChat Pay của Tencent đã thay đổi đáng kể cách người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm. Ứng dụng này cho phép người dùng mua hàng mà không cần phải mang theo tiền mặt, thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ.

Tencent cung cấp một mã phản hồi nhanh, còn gọi là mã QR, dành riêng cho mỗi quầy thanh toán trên khắp Trung Quốc rộng lớn. Nhờ đó, người dùng WeChat Pay có thể thực hiện việc thanh toán đơn giản, bằng cách quét smartphone của họ qua mã QR được bày sẵn.

WeChat thường xuyên được so với Facebook, vì độ phổ biến ở Trung Quốc. Facebook và ứng dụng chat WhatsApp của hãng này hiện vẫn bị cấm ở đây.

Tencent cũng thâm nhập thành công nhiều mảng khác, như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và giải trí. Epic Games - chi nhánh của Tencent Games nổi tiếng với tựa game chiến đấu Fornite. Hồi tháng 2, Fornite được cho là đã mang về 126 triệu USD, chỉ riêng từ các giao dịch mua bán trong ứng dụng.

Tencent cũng đầu tư vào hàng loạt công ty phương Tây. Họ hiện có 5% cổ phần trong Tesla và 10% trong Snap. 

Họ cũng được cho là có hợp đồng hoán đổi 10% cổ phần với Spotify. Năm ngoái, Tencent đã trở thành hãng công nghệ châu Á đầu tiên được định giá hơn 500 tỉ USD, và hiện là công ty giá trị nhất châu lục.

Ông chủ Tencent Ma Huateng: Vị tỉ phú quyền lực kín tiếng của Trung Quốc - Ảnh 4.

Tỉ phú Ma Huateng đã từng thú nhận ông là người nhút nhát khi phải đứng trước công chúng, và cố gắng tránh xa ánh đèn sân khấu cùng sự soi mói của giới truyền thông. (Ảnh: CNBC).

Tencent thường xuyên cạnh tranh với đại gia thương mại điện tử Alibaba khi mở rộng ra nước ngoài. Hai công ty này đang giành nhau vị thế thống trị thị trường thanh toán di động quy mô hàng nghìn tỉ USD tại đây, thông qua các dịch vụ như Tenpay (WechatPay) và Alipay.

Tuy nhiên, ngược lại với Jack Ma - đồng sáng lập, Chủ tịch Alibaba là một cao thủ marketing, Ma Huateng khá kín tiếng, ít tiếp xúc với báo chí và hiếm khi tham gia phỏng vấn.

Tỉ phú Ma Huateng đã từng thú nhận ông là người nhút nhát khi phải đứng trước công chúng, và cố gắng tránh xa ánh đèn sân khấu cùng sự soi mói của giới truyền thông. 

Ngoài ra, vị tỉ phú này cũng rất hiếm khi sử dụng tiếng Anh, mặc dù đây là ngôn ngữ mà ông có thể đọc hiểu và nói trôi chảy.

Năm 2015, Forbes vinh danh Ma Huateng là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới. Đến tháng 11/2017, Ma Huateng là người giàu nhất châu Á, theo định giá tài sản của Forbes.

Năm 2007 và 2014, Ma Huateng cũng được Tạp chí Time vinh danh là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới. 

Năm 2018, Chú ngựa non Ma tiếp tục được đề cử vào danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của Tạp chí Time.

Ma Huateng: Người ngoài hành tinh của Trung Quốc

Nếu như Mỹ có Elon Musk - ông chủ hãng xe điện Tesla, người tham vọng chinh phục sao Hoả, thì Trung Quốc cũng có một người ngoài hành tinh với ước mơ tương tự. Người đó chính là Ma Huateng. 

Khi Ma Huateng còn nhỏ, ông đã rất thích tìm hiểu về không gian vũ trụ và ước mơ sau này sẽ trở thành một nhà thiên văn học.

Trong những năm 2016-2017, Tencent đã đầu tư vào 3 công ty khởi nghiệp về thám hiểm vũ trụ.

Ông chủ Tencent Ma Huateng: Vị tỉ phú quyền lực kín tiếng của Trung Quốc - Ảnh 5.

Khi Ma Huateng còn nhỏ, ông đã rất thích tìm hiểu về không gian vũ trụ, và ước mơ sau này sẽ trở thành một nhà thiên văn học. (Ảnh: SCMP).

Các công ty đó là Moon Express, với mục tiêu khai thác tài nguyên trên mặt trăng bằng tàu vũ trụ không người lái. Công ty Satellogic đặt trụ sở tại Argentina, chuyên cung cấp hình ảnh siêu phổ có độ phân giải cao từ các vệ tinh quang phổ của công ty đặt trên quỹ đạo; và Planetary Resources - công ty khai khoáng trên các tiểu hành tinh.

"Chúng tôi luôn hào hứng với những việc không ai có thể ngờ tới. Chúng tôi muốn xem con người có thể đi xa đến đâu, và tìm hiểu xem liệu con người có thể làm gì ở bên ngoài trái đất", CEO mảng thám hiểm của Tencent - David Wallerstein chia sẻ.

Không chỉ quay lại với đam mê thời thơ ấu là không gian vũ trụ, tỉ phú Trung Quốc còn trở thành nhà tài trợ cho Breakthrough Prize - giải thưởng thường niên, vinh danh các nhà khoa học có những nghiên cứu mang tính đột phá vào tháng 12/2017. 

Ma Huateng tham gia cùng các nhà tài trợ tên tuổi khác, như Sergey Brin (Google), Anne Wojcicki (23andMe), Yuri Milner (DST Global), Julia Milner, Mark Zuckerberg (Facebook), Priscilla Chan (Quỹ The Chan Zuckerberg Initiative), đã góp phần nâng cao chất lượng cũng như tầm ảnh hưởng của giải thưởng khoa học lớn nhất thế giới này.

"Khoa học cơ bản là nền tảng của sự tiến bộ công nghệ”, Ma Huateng nói. "Thế giới của chúng ta thay đổi mạnh mẽ sau từng giây!".

Tag: