Đặt mua 1 kg giò lụa ở quận Gò Vấp (TP HCM), chị Liên "tá hỏa" khi chủ cửa hàng báo phí ship lên tới 80.000 đồng cho 7 km. "Ngày thường chủ cửa hàng chỉ tính ship 20.000 đồng nhưng nay shipper nghỉ đón Tết, cửa hàng chỉ nhận đơn vận chuyển qua ứng dụng gọi xe", chị Liên kể sau khi bấm bụng trả phí ship.
Chị Hạnh, chủ cửa hàng chuyên bán các loại hạt, hoa quả sấy cũng vừa "đỏ mắt" tìm shipper cho 20 đơn hàng. Các ứng dụng giao hàng không nhận đồng loạt nên chị phải đặt từng đơn một và bù phí ship cho khách nhưng vẫn bị "chê" lấy phí ship cao.
"Tôi giao 2 kg hạt điều từ Gò Vấp sang Quận 4 phải trả 110.000 đồng cho cước phí vận chuyển. Trong đó, tôi phải chịu 60.000 đồng tiền giao hàng và còn 50.000 đồng khách chịu. Ngày thường, nếu ship bằng Grab, mỗi km chỉ mất 5.000 đồng nhưng nay tăng gấp đôi", chị Hạnh nói.
Hầu hết các tiểu thương kinh doanh trái cây, bánh, thực phẩm tết buộc phải "thắt lung buộc bụng" để chọn dịch vụ giao hàng vận chuyển cho khách theo các dịch vụ giao hàng của Grab, Ahamove và Goviet...
"Ngày thường chỉ cần rao tuyển shipper trong 3-5 phút là có người nhận 20-30 đơn hàng cùng lúc theo giá thỏa thuận, nay phí ship tăng gấp đôi vẫn không có người nhận", chị Châu, kinh doanh trái cây ở quận 3 chia sẻ.
Không chỉ phí ship trong nội thành TP HCM, Hà Nội tăng cao mà phí ship từ Nam vào Bắc cũng tăng chóng mặt.
Nhiều tiểu thương kinh doanh online cho biết những chuyến hàng cuối năm gần như không có lời vì giá cước tăng đột biến. Lỡ nhận đơn khách từ sớm nên họ buộc phải vận chuyển hàng vào để trả cho khách.
Chị Hằng, chuyên bán hàng online cho biết năm nay định nghỉ Tết sớm nhưng chị vẫn cố đặt thêm cam Hàm Yên. Ngày thường 2 tạ cam chỉ mất khoảng 500.000 đồng phí ship thì nay đội lên 2 triệu đồng. "Sau khi trừ đi tất cả chi phí từ vận chuyển cho tới người đi lấy hàng và bù hàng hư hỏng thì coi như làm không công", chị Hằng bộc bạch.
Là người chuyên vận chuyển hàng cho khách, anh Thanh, tài xế Grab xác nhận lượng tài xế cận Tết giảm khá mạnh. Trong khi đó, nhu cầu tăng nhanh nên phí ship được tính cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Đặc biệt, những giờ cao điểm giá ship có thể tăng tới 4 lần.
Trên các ứng dụng của Grab, dịch vụ này cũng thông báo tạm ngưng dịch vụ GrabExpress đến 3/2. Theo anh Thanh, nhu cầu cao chính là lí do Grab phải ngưng dịch vụ này.
Ngoài ra, Grab cũng đã thông báo áp dụng phụ phí 5.000 đồng một chuyến đối với dịch vụ GrabBike, GrabExpress và GrabFood; 10.000 đồng một chuyến với GrabCar từ 17/1 đến 1/2.
Cùng với Grab, hãng xe công nghệ Go-Viet cũng bắt đầu áp phụ phí cho các dịch vụ với mức từ 10.000 - 15.000 đồng chuyến trong những ngày cận Tết và trong Tết Nguyên đán, áp dụng từ ngày 17/1 đến hết ngày 22/1.
Còn trong dịp Tết, với những chuyến vận chuyển dài hơn 2 km sẽ tăng thêm 20.000 đồng một chuyến, dưới 2 km là 5.000 đồng một chuyến.
Tiêu dùng 16:08 | 01/02/2020
Tiêu dùng 20:10 | 31/01/2020
Tiêu dùng 14:30 | 31/01/2020
Tiêu dùng 21:07 | 30/01/2020
Tiêu dùng 17:20 | 30/01/2020
Tiêu dùng 14:36 | 30/01/2020
Tiêu dùng 21:14 | 29/01/2020
Tiêu dùng 22:56 | 28/01/2020