Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo toàn diện về tăng giá điện, xăng

Từ ngày 20/3, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng thêm 8,36%. Phản ánh sau đó, nhiều hộ gia đình cho biết hoá đơn tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba so với trước điều chỉnh giá.

Tại phiên khai mạc kì họp thứ 7 sáng 20/5, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, các cơ quan chức năng đang "thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật".

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ sau đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhận xét, việc tăng giá các mặt hàng đầu vào, nhất là giá xăng dầu, điện, dịch vụ y tế... đã ảnh hưởng tới lạm phát, sản xuất tăng chậm lại.

"Đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và các mặt kinh tế, xã hội", ông Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần tăng cường dự báo, phân tích các diễn biến, đánh giá đầy đủ rủi ro bên ngoài, hạn chế nội tại của nền kinh tế và cảnh báo, đưa ra phương án dự phòng, điều chỉnh phù hợp tránh gây bất ổn kinh tế.

Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo toàn diện về tăng giá điện, xăng - Ảnh 1.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội).

Cùng đó, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Năm 2019 là năm "bứt phá" để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, ông Thanh cho rằng, các giải pháp thúc đẩy kinh tế xã hội tới đây Chính phủ cần giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả lĩnh vực, nhất là đầu tư, xây dựng và giao thông.

Mặt khác, ông Thanh lưu ý, cần tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ quản lý ngành, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án điện, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Trước đó, tại báo cáo Bộ Công Thương gửi Thủ tướng về điều chỉnh giá bán lẻ điện, cơ quan này cho hay, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% vừa qua chưa gồm chênh lệch tỷ giá mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện, hơn 3.260 tỷ đồng. Nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá mua bán điện hơn 7.090 tỷ đồng và khi đó giá bán lẻ điện bình quân 2019 sẽ khoảng 1.879,9 đồng một kWh, tương đương tỉ lệ tăng 9,26%.

Giải thích về những phản ánh tiền điện cao gấp đôi, ba lần sau tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 20/3, Bộ Công Thương cho biết, công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện trong tháng thay đổi giá, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện ... được thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN, quy định của Chính phủ.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.