Quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu

Trong trường hợp nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu giá theo quy định của pháp luật thì tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu.

Luật đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016 với 8 chương, 81 điều đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản. Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Nguyên tắc đấu giá tài sản và các hành vi bị nghiêm cấm

Luật đấu giá tài sản quy định các nguyên tắc đấu giá tài sản bao gồm bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên. Để đề cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động đấu giá tài sản, Luật đấu giá tài sản quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về tổ chức đấu giá tài sản

Luật đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản gồm Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản. Để nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hoá trong hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, nâng cao chất lượng dịch vụ đấu giá tài sản trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Luật đấu giá tài sản quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, nhằm bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp đấu giá và đấu giá viên đối với Nhà nước và khách hàng.

Xuất phát từ tính chất hoạt động hành nghề đấu giá tài sản là một trong những ngành, nghề, lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện trong được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, Luật đấu giá tài sản quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp (không đăng ký thành lập theo Luật doanh nghiệp). Quy định này cũng tương tự quy định của Luật luật sư về đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; quy định của Luật công chứng về đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, đều phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Việc quy định doanh nghiệp đấu giá đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp phải đăng ký nhiều lần (tại Sở Tư pháp và Sở Kế hoạch và Đầu tư). Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động doanh nghiệp đấu giá được quy định trong Luật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản

Khắc phục hạn chế của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật đấu giá tài sản tách bạch quy trình bán đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức bán đấu giá như việc phê duyệt tài sản đưa ra đấu giá, việc thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá được thực hiện trước khi ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá; việc chuyển quyền sở hữu tài sản được thực hiện sau khi tổ chức đấu giá tài sản thực hiện việc đấu giá thành.

Luật đấu giá tài sản quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát cho tài sản nhà nước, thể hiện qua một số nội dung chính như sau:

Một là, việc niêm yết các thông tin đấu giá tài sản được công khai rộng rãi, minh bạch tới các đối tượng có nhu cầu mua tài sản đấu giá, đồng thời để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của việc niêm yết, đối với bất động sản Luật đã bỏ quy định về việc niêm yết tại nơi có bất động sản đấu giá. Theo đó, việc niêm yết được thực hiện tại trụ sở tổ chức đấu giá, nơi tổ chức cuộc đấu giá và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, thuận lợi và tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện nào đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài các điều kiện đã được pháp luật quy định; nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá; thủ tục mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện công khai, thuận lợi nhằm tránh tình trạng tổ chức đấu giá cản trở hoặc hạn chế người đăng ký tham gia đấu giá; khoản tiền đặt trước, tiền mua tài sản đấu giá được quản lý chặt chẽ hơn.

Hai là, quy định rõ ràng, rành mạch hơn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá; bổ sung phương thức đặt giá xuống để phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản tại Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế. Thông lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới về nghề đấu giá tài sản đều có quy định và áp dụng phương thức đặt giá xuống phổ biến, ví dụ như đấu giá hàng hóa ở Thái Lan, đấu giá hoa tulip ở Hà Lan, đấu giá cá tại Anh và Israel, thị trường tín dụng ở Rumani, trao đổi ngoại thương ở Bolivia…

Ba là, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá theo đó, trong quá trình tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức việc đấu giá, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá nếu có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, yêu cầu đấu giá viên dừng cuộc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá; người có tài sản chịu trách nhiệm về tài sản đưa ra đấu giá, ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá sau khi đấu giá thành, giao tài sản đấu giá cho người trúng đấu giá.

Bốn là, quy định 05 trường hợp hủy kết quả đấu giá đảm bảo chặt chẽ, khách quan, bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản, qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên có liên quan, lợi ích của Nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản và quy định của pháp luật về dân sự.

quy dinh ve dau gia no xau va tai san bao dam cua khoan no xau
Quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu - Ảnh minh họa.

Về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu

Luật đấu giá tài sản quy định tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng chỉ được đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Trong trường hợp nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu giá theo quy định của pháp luật thì tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá tài sản hoặc tự thực hiện đấu giá tài sản theo trình tự, thủ tục quy định của Luật đấu giá tài sản.

Để đảm bảo việc thực hiện đấu giá của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật, Luật đấu giá tài sản quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ cũng như các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức này trong hoạt động đấu giá tài sản.

Chi phí đấu giá tài sản

Để đảm bảo phù hợp với bản chất của dịch vụ đấu giá tài sản là hoạt động dịch vụ vận hành theo cơ chế thị trường, Luật đấu giá tài sản quy định thù lao dịch vụ đấu giá thay cho phí dịch vụ đấu giá tài sản. Theo đó, thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ thị trường do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, để tránh thất thoát tài sản của nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người thế chấp tài sản, người phải thi hành án, đối với việc đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo khung do Bộ Tài chính quy định. Ngoài ra, Luật đấu giá tài sản quy định trong trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu và được tổ chức đấu giá tài sản cung cấp dịch vụ khác theo quy định của Luật như làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, quản lý tài sản, xác định giá khởi điểm thì phải trả chi phí dịch vụ cho tổ chức đấu giá tài sản theo thỏa thuận giữa các bên.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Gia Huy

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.