Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 19/10/2021.

Quy hoạch xác định đường sắt có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển.

Mục tiêu đến năm 2030, cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ, với mục tiêu cụ thể:

Về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách. Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỷ tấn.km; hành khách 13,8 tỷ khách.km.

Về kết cấu hạ tầng, nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP HCM); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TP HCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế.

Quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km

Theo quyết định, bên cạnh 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài khoảng 2.440 km thì mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km, gồm:

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm, chiều dài khoảng 1.545 km;  Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân từ ga Yên Viên Bắc đến ga Cái Lân, chiều dài 129 km; Tuyến vành đai phía Đông TP Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng, chiều dài khoảng 59 km; chuyển đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, Gia Lâm - Lạc Đạo thành đường sắt đô thị.

Tuyến Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng), chiều dài khoảng 102 km; Tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt Nam - Lào (đèo Mụ Giạ), chiều dài khoảng 103 km; Tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu: chiều dài khoảng 84 km.

Tuyến TP HCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng, chiều dài khoảng 174 km; Tuyến TP HCM - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư), chiều dài khoảng 128 km; Tuyến Thủ Thiêm - Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ phục vụ hành khách, chiều dài khoảng 38 km.

Đến năm 2030, tổng nhu cầu quỹ đất dành cho đường sắt là khoảng 16.377 ha; tổng nhu cầu vốn khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Xem chi tiết: Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 TẠI ĐÂY.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.