Kosmo, khu dân cư và phát triển thương mại cao cấp mới nhất ở quận Bắc Từ Liêm, ngoại ô thủ đô Hà Nội, sắp hoàn thành. Một chiều thứ sáu, Thanh Thủy, một cư dân 38 tuổi, bước ra khỏi một quán cà phê trên đường phố, để nhận một bưu kiện từ shipper của Giaohangnhanh. Không còn lạ gì khi chị Thủy không hề mang theo ví.
"Tôi chỉ mang theo điện thoại thông minh của mình khi ra ngoài những ngày này", chị nói.
Chị Thủy là một trong số hàng triệu người tiêu dùng trung lưu Việt Nam mà thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Eddy Hong, CEO của Nextrans, một nhà đầu tư Hàn Quốc trong nền tảng chuyển tiền xuyên biên giới Payway, cho biết: "Việc chuyển đổi từ giao dịch tiền mặt sang nền kinh tế không tiền mặt là một trong những cơ hội lớn nhất của Việt Nam".
Hầu hết vốn mới của năm 2019 đã được chuyển sang TMĐT, fintech và các dịch vụ phục vụ các lĩnh vực trên. Quy mô của thị trường TMĐT Việt Nam năm 2019 là 4,6 tỉ USD và dự kiến sẽ đạt 23 tỉ USD vào năm 2025, theo báo cáo của e-Conomy SEA 2019 của Google.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn trong những ngày thơ ấu của TMĐT, theo JJ Ang, CFO của sàn TMĐT Sendo. "Vẫn còn rất nhiều hoạt động mua sắm trực tuyến cho người Việt Nam được thực hiện. Sendo cùng với những người chơi khác và các công ty nhỏ hơn đang tạo ra một hệ sinh thái không ngừng phát triển", Asian Nikkie Review dẫn lời của ông nói.
Trong năm 2019, Sendo và Tiki do Northstar Group hậu thuẫn, thay nhau trở thành trang TMĐT được truy cập nhiều thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Shopee của Sea Limited.
Với cơ hội lớn để tăng trưởng, lĩnh vực này dự kiến sẽ thu hút nhiều vốn hơn nữa. Ông Ang cho biết việc có các nhà đầu tư tài chính mạnh mẽ đã giúp Sendo tiếp xúc thêm nhiều nguồn tiền khu vực. Sendo gần đây đã kiếm được 61 triệu USD trong vòng C của mình, sau khoản tài trợ 51 triệu USD vào năm 2018.
Cùng với sự bùng nổ TMĐT, nguồn vốn cũng đổ về rất mạnh cho các dịch vụ hậu cần. Theo Linh Phạm, nhà sáng lập và CEO của nền tảng vận tải đường bộ Logivan, sự phân mảnh và thiếu hiệu quả của các ngành kho vận truyền thống đã tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp logistic nổi lên. Trong năm 2018, Logivan và đối thủ EcoTruck đã có được 3,5 triệu USD vốn đầu tư.
Năm 2019 cũng đã có 10 giao dịch vốn cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giao hàng tận nơi, dịch vụ theo yêu cầu và hệ thống quản lí hậu cần. Trong số này có tài trợ của Temasek cho Giaohangnhanh và AhaMove. Tổng kinh phí không được tiết lộ, nhưng DealStreetAsia ước tính vào khoảng 100 triệu USD.
TMĐT Việt Nam đã bắt đầu tạo điều kiện vững chắc cho sự hình thành của hệ thống logistic có khả năng xử lí đến 40.000 đơn hàng mỗi giờ. "Đầu tư gia tăng vào hậu cần, đặc biệt là hậu cần cho TMĐT, đã đi đôi với sự tăng trưởng và đầu tư vào TMĐT", Jack Nguyễn, người đứng đầu GrabExpress Việt Nam cho biết. "Hậu cần rất quan trọng đối với TMĐT, vì nó tương tác trực tiếp với khách hàng cuối cùng", vị này nhấn mạnh
Dịch vụ chuyển phát nhanh theo yêu cầu của Grab đã tích hợp dịch vụ giao hàng Ninja Van tại Indonesia và Philippines, và sẽ sớm lên kế hoạch tương tự cho Việt Nam. Trong khi đó, GoGoVan có trụ sở tại Hong Kong đã thành lập văn phòng tại Việt Nam, và đang chuẩn bị ra mắt vào năm 2020.
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, khoảng 70% trong số đó dưới 35 tuổi và tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm gần 7%, một con số mà Asian Nikkie Review cho rằng rất đáng tự hào. Trang này nhận xét: "Có thể cho rằng thị trường nóng nhất ở Đông Nam Á năm 2019, Việt Nam đã có một sự đột biến khi chứng kiến các nhà đầu tư muốn thúc đẩy sự tăng trưởng".
Yotaro Tokuo, Chủ tịch Công ty cổ phần tư nhân Nhật Bản Advantage Partners, coi Việt Nam là một trong những đề xuất hấp dẫn nhất trong khu vực.
"Trong giai đoạn kinh tế nhiều nước đã đạt đến điểm không phù hợp để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ để tăng trưởng nhanh hơn, các quy định đã được mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài", ông nhận định.
Cơ sở hạ tầng Internet đã phát triển nhanh chóng, với 148% chỉ số thâm nhập di động, theo GSMA Intelligence, đơn vị theo dõi các hoạt động di động trên toàn cầu. Điều này tạo nền tảng cho nhiều hoạt động công nghệ bùng nổ.
Lĩnh vực công nghệ cũng đã chứng kiến sự gia tăng trong hoạt động vốn cổ phần tư nhân. Năm 2018, có khoản đầu tư 50 triệu USD của Tập đoàn Northstar cho Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica Edtech.
Theo DealStreetAsia, tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 12 tháng qua là khoảng 500 triệu USD. Các giao dịch đáng chú ý bao gồm pha rót vốn của Warburg Pincus cho ví điện tử MoMo; SoftBank và quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC đầu tư khoảng 300 triệu USD vào VNPAY, một nền tảng thanh toán kĩ thuật số.
"Ở cấp độ khu vực, chúng tôi thấy nhiều vốn cổ phần tư nhân hàng đầu tiếp xúc với Việt Nam ngày càng tăng", Khánh Trần, một đối tác tại VinaCapital Ventures, công ty đầu tư công nghệ của công ty quản lí tài sản VinaCapital cho biết.
"Công nghệ rất giống một không gian không biên giới, nơi những người chơi trong khu vực có thể tiếp xúc với thị trường Việt Nam dễ dàng hơn nhiều, so với các ngành công nghiệp truyền thống. Vì vậy, các nhà đầu tư địa phương sẽ sớm cảm thấy sự cạnh tranh gay gắt ngay trên chính sân nhà của họ", vị này nói thêm.
Năm 2019 cũng đánh dấu các giao dịch đầu tiên cho một loạt các công ty cổ phần tư nhân quốc tế.
Advantage Partners đã bắt đầu chuỗi đầu tư vào nhà bán lẻ thời trang Elise, tiếp theo là tài trợ của TA Associates cho Công ty SaaS MISA JSC và Kaizen Private Equity đầu tư cho chuỗi dạy tiếng Anh Yola.
Gần nhất, Baring Private Equity Asia đã đạt được thỏa thuận đầu tiên tại Việt Nam với việc mua lại Trung tâm tiếng Anh của Hiệp hội Việt - Mỹ.
Các nhà đầu tư mạo hiểm bao gồm Quỹ tăng trưởng Mirae-Naver, InnoVen Capital , Golden Equator Capital , GGV Capital và RTP Global, cũng lần đầu tiên rót vốn vào mảnh đất hình chữ S trong năm 2019.
Asian Nikkie Reivew cho rằng đây cũng là một năm bận rộn cho các nhà quản lí quỹ. Quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trên thị trường là Quỹ Mekong Enterprise Fund IV, có vốn hóa 250 triệu USD. Các quỹ khác đang được quản lí bởi Excelsior Capital Asia, ACA Investments, DT & Investments và FEBE.
Hai cái tên cuối đều là quỹ đầu tư tập trung vào công nghệ.
"Chúng tôi xem xét các khoản đầu tư công nghệ có chọn lọc, mà chúng tôi tin rằng đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam", ông Tokuo của Advantage Partners cho biết.