4 số phận khác nhau đùm bọc nhau sống qua ngày. Lớn nhất là cậu bé Võ Ngọc Hoàng, 17 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế.
Video: 4 đứa trẻ sống vắt vẻo trên dầm cầu giữa Sài Gòn (Theo: VnExpress).
12 tuổi, cái tuổi những đứa trẻ khác còn “ăn chưa no, lo chưa tới”, thì Hoàng đã rời quê lên Sài Gòn làm thuê cho quán phở của người quen. Làm được 4 năm thì Hoàng bỏ đi bụi đời. Hoàng gặp 3 cậu bé kia khi còn đang làm thuê ở quán phở, trong một lần 3 cậu nhóc đến xin tiền. Từ đó tuần nào Hoàng cũng cho tiền, cho đồ ăn 3 đứa trẻ đáng thương. Quen được 1 năm thì Hoàng nghỉ việc, chuyển ra ở “ngôi nhà gầm cầu” với nhóm.
Ảnh cắt từ Clip. |
4 đứa trẻ, đứa thì từ khi sinh ra đã không biết mặt cha, đứa thì cha mẹ li dị, không ai chăm sóc, đứa thì nhà quá nghèo, quá đông anh em khiến chúng phải tha hương cầu thực. Những mất mát, thiệt thòi từ khi còn quá nhỏ khiến các em kể về mình bằng giọng bình thản.
“Em không có cha, cha em không cưới mẹ em, em ở với mẹ và bà ngoại. Sau mẹ em bỏ đi mất, em ở với ngoại. Ngoại mất, không có ai nuôi nên em lang thang lên Sài Gòn” , Phạm Nguyên Phúc, 16 tuổi, quê Long An bày tỏ.
Ảnh cắt từ Clip |
Những éo le của cuộc sống khiến 4 đứa trẻ không họ hàng thân thích gặp nhau giữ Sài Gòn và rồi chúng coi nhau như anh em, như "một gia đình".
Ban ngày "cả gia đình" rời "ngôi nhà gầm cầu" đi lang thang khắp các con phố, ai thuê làm gì thì làm, không ai thuê thì đi đi xin, miễn có cái ăn.
Dòng sông dưới chân cầu Móng là "nhà tắm lộ thiên" cho chúng tắm giặt. Có tiền thì “chơi sang” mua bột giặt, nếu không thì vò qua nước cho đỡ mùi mồ hôi rồi phơi lên mặc tạm.
Cậu “anh cả” 17 tuổi trở thành lao động chính, hàng ngày, cậu xin rửa bát thuê, bưng bê tại những quán hủ tiếu vỉa hè để lấy tiền trang chải cuộc sống của “4 anh em”.
Ảnh cắt từ clip. |
Đồ ăn chính của "gia đình gầm cầu" là bánh mì và những đồ ăn sẵn, không phải nấu nướng. Hôm nào "anh cả" đi làm, xin được quán đồ ăn thừa thì 4 đứa được đổi bữa, được ăn sang. Nếu không, bánh mì kẹp thịt là sang lắm rồi!
Có lẽ vì sống bụi đời từ bé nên tính cách 3 cậu bé có phần ngang bướng, thích tự do.
“Em sợ bị bắt vào các trung tâm bảo trợ xã hội lắm, vào đó không được tự do, em sống thế này quen rồi. Ngày đi xin, đi làm thuê được 20 nghìn thì tụi em ăn 10 nghìn thôi, còn 10 nghìn để bữa sau nếu không ai thuê, không xin được gì thì còn có cái ăn. Sống như này thích hơn”, Phúc cho biết.
|
Ngang bướng thế thôi, nhưng chúng rất yêu thương nhau, tiếng cười đùa thường xuyên vang lên, lanh lảnh cả một khúc sông. Cách nói chuyện của cả 4 cũng rất lễ phép, không có một chút gì gọi là "bụi". Và dù phải lo ăn từng bữa nhưng khi nhắc đến ước mơ, ánh mắt cả 4 đều lấp lánh: “Em muốn sau này trưởng thành có thật nhiều tiền để mở một cửa hàng bán ô tô… Em muốn thành luật sư để giúp đỡ những người nghèo khó gặp oan sai…”.
Nói đến ước mơ của mình, “cậu cả” Võ Ngọc Hoàng trầm ngâm: “Em chỉ mong có 1 chỗ ở ổn định cho 4 anh em. Cứ sống thế này, em lo mấy đứa sẽ bị bắt, rồi nhỡ đâu tụi nó nghiện ngập thì em không biết làm sao”.
Ảnh cắt từ clip |
Khi thành phố lên đèn, nằm trên những thanh sắt, bên dưới nước cuồn cuộn chảy, "nhà" của 4 đứa trẻ có cả tiếng cười và những giọt nước mắt, chúng tự lau nước mắt cho nhau, đùm bọc nhau vượt qua khó khăn. Dầm cầu hẹp, khiến chúng phải nằm sát vào nhau mới đủ chỗ. Và khi đêm xuống, chúng ôm lấy nhau để xua tan đi cái lạnh của gió trời và dòng sông...
An Yên