Saigontel của ông Đặng Thành Tâm sắp khởi công dự án thứ 3 ở Thái Nguyên

Dự kiến tháng 6 này, Saigontel sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý để khởi công CCN Lương Sơn tại TP Sông Công, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2024.

CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã chứng khoán: SGT) vừa qua đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án cụm công nghiệp Lương Sơn tại TP Sông Công, Thái Nguyên. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH 3H An Bình. 

CCN Lương Sơn được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên vào năm 2021, đến năm 2022 duyệt quy hoạch chi tiết và đến tháng 11 cùng năm, Saigontel đã tổ chức động thổ CCN này.

Dự án được thực hiện trên diện tích hơn 34,5 ha, thuộc địa phận hành chính phường Lương Sơn và Bách Quang, TP Sông Công. Phía đông, phía bắc dự án giáp đất nông nghiệp và khu dân cư hiện hữu; phía tây và phía nam giáp Làng Mới, phường Bách Quang.

Phối cảnh CCN Lương Sơn. (Ảnh: Saigontel).

Về hiện trạng, khu đất thực hiện dự án đang có khoảng 2,1 ha đất ở; 8,6 ha đất cây lâu năm cùng thửa đất ở; đất lúa chiếm 15,5 ha; đất giao thông hơn 5,1 ha; còn lại là đất rừng, đất bằng chưa sử dụng và đất thuỷ sản.

Trên khu đất hiện có khoảng 51 hộ gia đình với khoảng 204 nhân khẩu đang sinh sống. Các công trình nhà ở chủ yếu là nhà cấp 4 cao 1 - 2 tầng, tập trung ở khu vực phía đông bắc. Khu vực đình của tổ dân phố xóm Trước nằm trong khuôn viên dự án sẽ không bị phá dỡ. Theo số liệu kiểm đếm, có khoảng 131 ngôi mộ trên khu đất dự án, hầu hết đã được cải táng.

Phía đông của khu đất có tuyến Quốc lộ 3 cũ kết nối TP Sông Công với TP Thái Nguyên. Đường hiện trạng trong khu quy hoạch là đường dân sinh kết cấu bê tông rộng 3 - 5 m.

 

Một số hình ảnh hiện trạng khu đất dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Trong cơ cấu sử dụng đất của dự án, đất nhà máy xí nghiệp chiếm diện tích hơn 23,7 ha; đất cây xanh khoảng 3,5 ha; đất giao thông gần 5 ha; còn lại là công trình hành chính, kỹ thuật; bãi đỗ xe...

Các công trình nhà máy, xí nghiệp ở đây sẽ có mật độ xây dựng không quá 70%, cao tối đa 5 tầng, hệ số sử dụng đất tối đa 3,5 lần. Công trình dịch vụ, hành chính có mật độ xây dựng không quá 40%, cao tối đa 5 tầng. Hệ thống thoát nước mưa và nước thải sau xử lý của dự án sẽ được thoát ra suối Vân Dương.

Về tiến độ, thời gian thực hiện thi công xây dựng dự án dự kiến là 12 tháng. Dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý vào tháng 6 năm nay, sau đó sẽ bắt đầu thi công và hoàn thành, đưa vào vận hành dự án từ tháng 7/2024. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là hơn 385 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 276 tỷ đồng và chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 109 tỷ đồng.

 Mặt bằng CCN Lương Sơn. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Dự án thứ 3 của Saigontel tại Thái Nguyên

CCN Lương Sơn không phải dự án đầu tiên của Saigontel tại Thái Nguyên. Trước đó vào tháng 11/2022, doanh nghiệp đã đồng loạt khởi công 2 dự án khác là CCN Tân Phú 1 và CCN Tân Phú 2.

Hai dự án này có tổng diện tích 131 ha thuộc địa bàn xã Đông Cao và xã Tân Phú, TP Phổ Yên với tổng vốn đầu tư 486 tỷ đồng, có vị trí thuận lợi về giao thông, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, tạo mối liên kết với các tỉnh lân cận.

Vào tháng 10/2022, CCN Tân Phú 2 đã bắt đầu được Thái Nguyên giao đất đợt 1 để thực hiện thi công. Cách đây ít ngày, CCN Tân Phú 1 cũng đã bắt đầu được giao đất đợt 1 với 8 ha.

Tại báo cáo thường niên vừa công bố, Saigontel cho hay, tính đến hết năm 2022, cả hai CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2 đã giải phóng mặt bằng được 80/131 ha. Trong 2023, doanh nghiệp sẽ hoàn tất 28 ha còn lại của Tân Phú 1 và 45 ha còn lại tại Tân Phú 2 (tương đương 80%).

Riêng với CCN Lương Sơn, năm nay dự án đặt kế hoạch hoàn thành GPMB 13,4 ha. 

Song song với việc GPMB, Saigontel sẽ tiến hành thi công hạ tầng với mục tiêu hoàn thiện đến 80% hạ tầng kỹ thuật tại CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2, hoàn thành 50% với CCN Lương Sơn. Cả 3 CCN của Saigontel tại Thái Nguyên đều đã được ngân hàng cấp hạn mức 720 tỷ đồng cùng với vốn tự có và nguồn thu từ việc bán hàng. 

Saigontel cũng cho biết thêm, cuối năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu đủ điều kiện bán hàng, nhận hợp đồng đặt cọc cho 18 ha tại CCN Tân Phú 1, 2 và sẽ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong năm 2024.

Quỹ đất khủng của Saigontel

Saigontel đang nắm hơn 1.000 ha đất công nghiệp trên cả nước. (Ảnh: Hoàng Huy).

Nói qua về Saigontel, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2002, tiền thân là công ty cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông trong các khu công nghiệp thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI), một đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và phát triển quần thể công nghiệp – đô thị– dịch vụ.

Tính đến cuối 2022, Saigontel có vốn điều lệ hơn 1.480 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) nắm 21,48% vốn góp. Chủ tịch Kinh Bắc - ông Đặng Thành Tâm cũng có tỷ lệ sở hữu 23,69% tại Saigontel.

Ngoài 3 CCN ở Thái Nguyên, Saigontel đang nắm quỹ đất công nghiệp gần 1.200 ha tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tại Bắc Ninh, doanh nghiệp đang đầu tư KCN Đại Đồng Hoàn Sơn giai đoạn 2 với diện tích gần 96 ha. Năm nay, dự án này có thể mang về cho Saigontel doanh thu 1.500 tỷ đồng và 300 tỷ lợi nhuận. 

Tại Long An, KCN Nam Tân Tập gần 245 ha của Saigontel dự kiến sẽ hoàn thành GPMB khoảng 80 ha trong năm nay, đến quý IV/2023 sẽ có 30 ha đất thương phẩm và ký hợp đồng với các nhà đầu tư, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vào 2024.

Một dự án khác cũng ở Long An là KCN Tân Tập có diện tích 654 ha, năm 2023 Saigontel đặt kế hoạch GPMB 20 ha, triển khai vào năm 2024.

Còn tại Đà Nẵng, Saigontel sở hữu gần 15 ha nhà xưởng tại Khu công nghê cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khau thác từ quý IV năm nay và ghi nhận doanh thu vào 2024. 

Ngoài các dự án này, Saigontel cũng cho biết đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất công nghiệp tại Hưng Yên, Hải Dương và Đồng Nai.