Sao nỡ để mẹ chồng đón Tết một mình...

Cả đời mẹ chồng tôi vất vả nuôi con giờ lại lo cháu, làm sao tôi lại nỡ để mẹ phải đón Tết một mình.

Ngày tôi yêu con trai mẹ, mẹ phản đối ghê lắm. Tôi vẫn nhớ trước đông đủ họ hàng, mẹ nói dõng dạc với tôi rằng: “Cháu suy nghĩ lại đi. Chồng bác, bố bác đều có 2 vợ. Đến đời con trai bác, bác còn chưa biết thế nào.” Tôi biết, câu nhắc nhở ấy để phản đối chuyện kết hôn bởi lẽ theo lời chồng tôi kể lại: Mẹ không thích chồng tôi lấy vợ xa, mẹ ghét chuyện con dâu công ăn việc làm không ổn định. “Không ổn định” trong mắt mẹ tôi chính là không làm nhà nước, dù tôi đang làm trong một Tập đoàn lớn nhất nhì ở Việt Nam.

sao no de me chong don tet mot minh
Mẹ chồng từng không muốn tôi làm con dâu. (Ảnh: Pinterest).

Lúc ấy, tôi có phần ghét mẹ. Vì bà hay so sánh tôi với người yêu đầu tiên của con trai bà, rằng tôi không lanh lợi, không khéo léo quan tâm mẹ. 24 tuổi, tôi chỉ nghĩ một điều: “Ồ, mẹ chồng tương lai không thích mình thì có lấy về cũng chẳng thích mình. Bác tưởng con trai bác là quý hóa sao. Thích thì cháu vẫn lấy được người tốt hơn.” Vậy là tôi khăng khăng đòi chia tay. Tôi quyết tâm làm theo ý bố mẹ đẻ tôi: “Không nên lấy chồng xa. Cũng không nên lấy về gia đình không có người đàn ông làm trụ cột”.

Thế nhưng, người yêu tôi dành cả 4 tháng trời miệt mài thuyết phục cưới bất chấp những lời phũ phàng. Cuối cùng tôi đồng ý, vì yêu.

Ngày tôi về nhà chồng, mẹ đẻ tôi ngân ngấn nước mắt dặn dò: “Mẹ nói con không nghe. Mẹ sợ mẹ chồng con trải qua nhiều chuyện, tình cảm rằng buộc rồi tính khí thất thường, khó chịu. Lấy chồng gần còn có bố có mẹ ở đây.” Tôi biết vậy, tôi rùng mình hình dung ra cuộc sống làm dâu đầy khổ sở của mình với một người mẹ chồng hết mực yêu con trai theo cách “chỉ của riêng mình”.

Và tôi đã trở thành con dâu của mẹ trong một ngày cuối năm mưa phùn giáp Tết. Tết đầu tiên ở nhà chồng, tôi cứ ngỡ phải hùng hục làm tất cả mọi thứ nhưng không… Mỗi lần tôi dậy sớm, mẹ lại bắt tôi ngủ thêm cho đỡ mệt bởi cả năm làm việc vất vả chỉ có mấy ngày Tết là nghỉ ngơi. Tôi định đi rửa bát thì mẹ ngăn cản tôi bằng được để bắt con trai mẹ phải rửa.

Ngày tôi mang bầu, mẹ mừng mừng tủi tủi nói với tôi: “Con trai hay con gái cũng được. Miễn cháu khỏe mạnh là hạnh phúc”. Cứ mỗi lần lên nhìn tôi bụng bầu lọ mọ trong căn nhà trọ, mẹ lại thở dài thườn thượt vì thương. Mùa đông mẹ lên, thấy thiếu cái chăn, cái bình nóng lạnh, mẹ lại lụi hụi về quê đặt mua rồi gửi xe lên cho tôi vì sợ tôi bầu bì dễ bị cảm lạnh. Mùa hè, mẹ lại vội vã hỏi người ta về máy điều hòa, không quên gửi tiền lên. Tôi nhất quyết không nhận thì sáng hôm sau, mẹ đã chuyển tiền vào tài khoản kèm tin nhắn: “Tôi lo cho cháu tôi là chủ yếu thôi”.

sao no de me chong don tet mot minh
Mẹ chồng thương tôi như chính con gái mẹ. (Ảnh: Pinterest).

Ngày tôi sinh em bé, do sinh non, em bé phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Mẹ cứ khóc vì thương tôi, thương cháu. Mẹ lại vượt hơn 100 km về nhà bố mẹ đẻ tôi nhờ cậy nuôi con dâu và cháu nội hộ. Vì mẹ sợ, mẹ không biết nấu nướng gì, sợ tôi không ăn được, không có sữa cho con. Mẹ biết mình chẳng giỏi nấu nướng giỏi, chẳng giỏi ru cháu, mẹ lại lụi hụi tối đến ra giặt khăn, tã cho cháu. Chẳng ai giành được công việc ấy của mẹ vì mẹ nhất quyết đòi giặt cho cháu: “Không nuôi được cháu thì tôi phải giặt được tã cho cháu.”

Khi con trai tôi được 5 tháng, mẹ đón chúng tôi về. Hôm ấy, tôi thấy mẹ luống cuống, đi đi lại lại vì mừng mừng tủi tủi được gần cháu, ôm cháu. Rồi lúc tôi lên Hà Nội chuẩn bị đi làm, mẹ lại khóc. Mẹ khóc thương cháu nội mới 6 tháng phải nhờ bác hàng xóm trông hộ, không được bà nội hay bà ngoại lên chăm sóc. Nhìn mẹ khóc sao tôi lại thấy tội tội cho người phụ nữ tần tảo cả cuộc đời vì con vì cháu.

1 tháng ở với mẹ tôi mới được nghe hàng xóm láng giềng kể về chuyện xưa. Tôi mới biết đến một người đàn bà nổi tiếng xinh đẹp một thời ôm đứa con trai hơn 1 tuổi đi thuyết phục chồng đừng cặp bồ mà hãy về với con. Đến nơi người chồng đầu ấp má kề của mình sống cùng người phụ nữ khác, mẹ vẫn đủ can đảm và nhẫn nhịn ngồi ăn cơm chung với người đàn bà mang danh “cướp chồng” mình. Mẹ vẫn nhẹ nhàng khuyên nhủ chồng trở về mái ấm xưa để “con có cha”. Cuối cùng, bố chồng chưa một lần tôi được gọi tên (kể từ khi tôi cưới chồng vẫn chưa được gặp lần nào) vẫn quyết định đi theo người tình của mình.

Tôi ngạc nhiên không hiểu sao mẹ có thể “cư xử như một vị thánh vậy”. Tôi bảo mẹ: “Sao mẹ hiền vậy. Mẹ làm ầm lên có khi bố lại quay về.” Mẹ chỉ cười bảo: “Cái duyên cái số rồi. Mình hết nước hết cái như vậy sau này chẳng ân hận”. Đã thế, mẹ vẫn ngày lễ Tết hay cỗ bàn lại tay xách nách mang đồ sang cúng gia tiên nhà chồng cũ. Mẹ chỉ lý giải chuyện này vì muốn chồng tôi vẫn có bố, có nội và có thế.

Cách đây 1 năm, ngày ông nội của chồng tôi mất, mẹ lại vào đó thắp nén hương. Mẹ không quên rút ra 2 triệu cho con vợ mới của chồng cũ. Chuyện ấy mà chồng tôi khằn khèo mãi vì mẹ cứ “Tốt không đâu”. Còn mẹ tôi chỉ buông tỉnh một câu: “Chuyện xưa đã qua. Con của cô ấy học giỏi nhưng nhà nghèo, mình có thì mình vẫn cho.”

Tết năm nay, vợ chồng tôi đã có một căn nhà chung cư riêng. Trong đó khoản tiền lớn mẹ vay lãi để cho chúng tôi chỉ với mong ước vợ chồng tôi không phải chui rúc trong căn phòng trọ hẹp. Nửa tháng trước, mọi người đã rục rịch kháo nhau năm nay là năm nhà mới, phải đón Tết ở trên này cho ấm nhà. Lúc ấy, tôi và chồng cũng băn khoăn lắm. Mẹ thì mỗi tuần gọi lên thuyết phục chúng tôi mùng 1 Tết hãy về để nhà mới thêm ấm cúng. Chúng tôi cũng xuôi xuôi…

sao no de me chong don tet mot minh
Tết này, tôi sẽ về đón giao thừa cùng mẹ. (Ảnh: Pinterest).

Sáng nay, bác hàng xóm buồn bã hỏi tôi: “Vợ chồng cháu có về quê không? Năm nay vợ chồng con trai bác không về quê ăn Tết đêm giao thừa”. Tôi bất giác thấy khóe mắt mình ươn ướt. Bác còn có chồng bên cạnh. Còn mẹ chồng tôi chỉ một mình… nếu chúng tôi không về. Hình ảnh người đàn bà đôi mắt buồn buồn, nếp nhăn đã phủ đầy trên mặt, lất phất vài sợi tóc bạc ngồi một mình bên mâm cơm lạnh ngắt đêm Giao Thừa khiến trái tim tôi thắt lại. Cả đời mẹ tôi vất vả nuôi con giờ lại lo cháu, làm sao tôi lại nỡ để mẹ phải đón Tết một mình.

Phải rồi, năm nay, chúng tôi sẽ về với mẹ như mọi năm. “Tết này, con sẽ về đón Giao Thừa cùng mẹ”, tôi lặng lẽ nhắn tin cho mẹ…

chọn
Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến khởi công đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến đường ven biển vào cuối năm
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến xây dựng đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn từ QL 56 đến nút giao Vũng Vằn và đoạn từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển vào cuối năm nay.