Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sovico về việc đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án tại Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng đưa tin.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tập đoàn Sovico Nguyễn Thanh Hùng mong muốn được UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan liên quan địa phương tạo điều kiện cho tập đoàn tham gia đầu tư một số hạng mục liên quan đến phát triển du lịch, nông nghiệp, sản xuất hàng hóa, lĩnh vực hàng không…
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, tỉnh này luôn tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu, xúc tiến đầu tư các dự án, trên cơ sở cạnh tranh công bằng, tuân thủ các quy hoạch chung của địa phương.
Để có thể triển khai những bước tiếp theo, ông Hiệp đề nghị Tập đoàn Sovico cần tiếp tục làm việc với các sở, ngành, địa phương, trên cơ sở đó đề xuất những dự án có thể đầu tư, hợp tác phát triển một cách hợp lý nhất.
Về Tập đoàn Sovico, đây là tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đa ngành của Việt Nam, hiện diện trên các lĩnh vực hàng không, tài chính, ngân hàng, bất động sản, du lịch,…
Đáng chú ý, ở lĩnh vực bất động sản, thông qua công ty thành viên, Tập đoàn Sovico đầu tư các dự án như Dragon Village (TP Thủ Đức), Dragon Riverside City (quận 5), Republic Plaza (Tân Bình), Dragon Hill Residence and Suites (Nhà Bè),...
Bên cạnh đó, Tập đoàn Sovico còn sở hữu hàng loạt dự án nghỉ dưỡng ở Nha Trang - Khánh Hòa (L'alya Ninh Vân Bay, Evason Ana Mandara, Pax Ana, Ariyana Smart Condotel, Ana Mandara Cam Ranh) và Đà Nẵng (Furama Resort, Furama Villa, Ariyana Beach Resort & Suites).
Từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn Sovico tìm đến nhiều địa phương xin khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư loạt dự án.
Cụ thể, Sovico đề xuất đầu tư 1.000 ha tại Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hữu Lũng (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn). Cũng tại địa phương này, Sovico đã được chấp thuận đề xuất cho phép tham gia hồi sinh Khách sạn - Sân golf Hoàng Đồng - đây là dự án được đầu tư bởi CTCP Quốc tế Lạng Sơn từ năm 2004, tổng vốn hơn 61 triệu USD, sau 17 năm vẫn chưa hoàn thành.
Tại Quảng Ninh, doanh nghiệp này mong muốn được tạo điều kiện cho doanh nghiệp được phối hợp cùng kết nối các chuyến bay từ Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn đến các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.
Doanh nghiệp này muốn được tham gia đầu tư xã hội hoá các hạng mục phụ trợ phục vụ cho việc vận hành sân bay Vân Đồn như: Kho hàng hàng hóa, phục vụ suất ăn, khu thương mại tại sân bay,…
Ngoài ra, Tập đoàn Sovico cũng muốn được tìm hiểu để có thể tham gia thực hiện xã hội hóa trong quản lý, đầu tư, bảo tồn, phát triển Vịnh Bái Tử Long; đầu tư các dịch vụ logistics, dự án bất động sản, chuỗi dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, trường học tại các khu đô thị; thăm dò, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo,…
Tại Đồng Nai, Sovico muốn tìm hiểu khu vực phụ cận sân bay để có thể đầu tư các dịch vụ logicstics, dự án bất động sản, thành phố thông minh, khu công nghiệp công nghệ cao hàng không,...
Còn tại Cần Thơ, doanh nghiệp được địa phương chấp thuận cho thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án trên địa bàn, gồm: Khu Logistic và Công nghiệp hàng không Cần Thơ tại đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy (quy mô khoảng 1.650 ha, giai đoạn 1 khoảng 350 ha); Khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền, huyện Phong Điền (quy mô khoảng 1.000 ha) và dự án Nhà bảo dưỡng tàu bay tại Sân bay quốc tế Cần Thơ (1,8 ha).
Theo tài liệu người viết, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Lâm Đồng là liên tục đón hàng loạt doanh nghiệp lớn đổ về nghiên cứu, đề xuất đầu tư, tài trợ lập quy hoạch dự án với quy mô hàng chục nghìn ha.
Cụ thể, CTCP BCG Land đề xuất tỉnh Lâm Đồng cho nghiên cứu và tài trợ khảo sát, lập quy hoạch dự án Khu đô thị sinh thái hồ Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh.
Dự án sẽ có quy mô khoảng 800 ha với định hướng phát triển Khu đô thị sinh thái (khoảng 320 ha) và Khu du lịch sinh thái dưới tán rừng – theo hình thức thuê rừng phòng hộ và mặt nước hồ Đạ Tẻh (khoảng 480 ha).
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đề xuất khảo sát, nghiên cứu, lập quy hoạch và báo cáo đề xuất đầu tư dự án với tên gọi hồ Đăk Long Thượng tại huyện Bảo Lâm.
Dự án có quy mô nghiên cứu khoảng 30.000 ha, mục tiêu xây dựng một khu đô thị phức hợp, hoàn chỉnh với nhiều loại hình sản phẩm nhà ở, biệt thự du lịch, trung tâm thương mại, trường học, công viên cây xanh,… với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đầy đủ tiện ích.
CTCP Sacom Tuyền Lâm (thành viên Sam Holdings) đề xuất tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị, du lịch và dịch vụ khoảng 1.034,5 ha ở TP Bảo Lộc, đồng thời đề xuất được đầu tư dự án trên khu đất.
Hay Công ty TNHH Hoàng Huy Lộc đề xuất lập quy hoạch phân khu 2 xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư thị trấn Di Linh, huyện Di Linh với quy mô khoảng 200 ha.
Một doanh nghiệp khác là CTCP Vườn Thời Đại Việt Nam đề xuất khảo sát, nghiên cứu và tài trợ kinh phí lập các đồ án quy hoạch tại các xã Hòa Trung, Liên Đầm và Bảo Thuận, huyện Di Linh quy mô 4.000 ha, trong đó 3.500 ha là khu đô thị và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Còn CTCP Đầu tư Phát triển Nam Miền Trung Lâm Đồng đề xuất được tài trợ nghiên cứu, khảo sát và lập đồ án nghiên cứu quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu đô thị du lịch Liên Nghĩa với diện tích 355 ha.
Trước đó hồi cuối năm 2021, liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh, CTCP Tập đoàn Đèo Cả và CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất nghiên cứu, khảo sát và tài trợ kinh phí lập quy hoạch diện tích khoảng 15.000 ha, bao gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Phi Tô, huyện Lâm Hà và một phần thuộc xã Bình Thạnh, Hiệp Thạnh và Liên Hiệp, huyện Đức Trọng,...