Sau khi những lô vải thiều đầu tiên vào được thị trường Nhật Bản, cuối tháng 5 này, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore hỗ trợ tỉnh Bắc Giang giới thiệu, quảng bá trái vải đến thị trường này.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore cho biết Singapore hiện nhập trái vải từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), tuy nhiên chất lượng sản phẩm kém xa vải thiều Việt Nam.
Singapore dù rất chuộng trái vải Việt Nam vì độ thơm ngon, nhưng hàng năm vẫn chủ yếu nhập vải thiều Việt thông qua các nhà buôn Trung Quốc, lượng nhập trực tiếp từ Việt Nam còn hạn chế.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho rằng việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá trái vải Việt Nam nói chung và vải thiều Bắc Giang nói riêng tới thị trường Singapore sẽ thúc đẩy kết nối xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam sang Singapore.
Đồng thời, việc kết hợp tìm kiếm biện pháp bảo quản, vận chuyển trái vải từ Việt Nam tới quốc đảo này một cách nhanh chóng, đảm bảo giữ được hương vị và chất lượng tươi ngon cũng sẽ hết sức quan trọng.
Vì vậy, tại hội nghị giao thương trực tuyến tới đây, với sự hợp tác của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore, Bắc Giang sẽ có cơ hội tốt để quảng bá, cũng như tiếp cận trực tuyến với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trái cây của Singapore.
Về phía Bắc Giang, tỉnh khẳng định đã sẵn sàng các điều kiện và đáp ứng đủ số lượng vải xuất khẩu sang Singapore cùng các nước trên thế giới.
Sở Công Thương Bắc Giang đang phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại chuẩn bị nội dung quảng bá hiệu quả nhất về vải thiều Bắc Giang tới các nhà nhập khẩu Singapore, thông qua hội nghị giao thương trực tuyến.
Ngoài những hoạt động tiếp cận thị trường Singapore tiềm năng, Bắc Giang cũng đã phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều vào ngày 6/6 tới, kết nối 2 điểm cầu tại Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) và 61 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của Tham tán kinh tế thương mại - Đại sứ quán Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan tại Việt Nam, đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp phân phối, các chợ đầu mối.
UBND tỉnh Bắc Giang dự kiến tổ chức lễ xuất hành đoàn xe vải thiều đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước, ngay sau khi kết thúc sự kiện xúc tiến thương mại quy mô quốc tế này.
Tại huyện Lục Ngạn, thủ phủ vải thiều của Bắc Giang, lãnh đạo huyện cho biết đã có khoảng 300 thương nhân Trung Quốc đăng kí đến thu mua vải thiều.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, huyện đã báo cáo UBND tỉnh, xin chủ trương của Thủ tướng, cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào thu mua vải thiều.
Đồng thời, huyện đã sẵn sàng các phương án cách li tập trung 14 ngày, theo dõi sức khỏe người nhập cảnh vào mua vải, yêu cầu thương lái phải có chứng nhận âm tính với Covid-19 do phía Trung Quốc cấp… nhằm đảm bảo phòng dịch hiệu quả, giúp người dân tiêu thụ nông sản thuận lợi.
Dự kiến, Bắc Giang sẽ miễn phí cách li cho thương nhân Trung Quốc vào thu mua vải thiều.
Năm nay, diện tích vải toàn tỉnh Bắc Giang khoảng trên 28.100 ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 15.000 ha, chiếm trên 50% tổng diện tích vải toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn.
Ngoài ra, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở Bắc Giang là 218 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS, cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng, cơ quan chức năng Trung Quốc chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói…
Vải chín sớm dự kiến sẽ tập trung thu hoạch rộ từ 20/5-10/6. Vải chính vụ dự kiến sẽ thu hoạch rộ từ 10/6-10/7.