Siêu dự án Mũi Đèn Đỏ nợ SCB hơn 133.700 tỷ đồng

Dự án đa chức năng có bến du thuyền, biệt thự, rộng 118 ha được dùng làm tài sản đảm bảo cho 100 khách hàng thuộc nhóm bà Trương Mỹ Lan vay tiền SCB, hiện dư nợ 133.710 tỷ đồng.

Phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo về hàng loạt tội danh liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) sẽ bước sang phần tranh luận, sáng 19/3.

Trước đó, trong hai tuần diễn ra phiên xử, ngoài bà Lan và 5 bị cáo đang bỏ trốn, tất cả đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. TAND TP HCM, VKS và các luật sư cũng xét hỏi nhiều bị cáo liên quan đến các khoản vay và khối tài sản đảm bảo, trong đó có siêu dự án Mũi Đèn Đỏ (Saigon Peninsula) ở quận 7.

Bà Lan bị cáo buộc chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của SCB móc nối với người thân tín của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống hợp thức hóa việc rút tiền khỏi nhà băng. Đến năm 2022, 875 khách hàng trong nhóm bà Lan với gần 1.300 khoản vay còn dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi). Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Sau khi cấn trừ tài sản đảm bảo, hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỷ đồng.

Ngoài việc sử dụng các công ty "ma", thuê, nhờ các cá nhân đứng tên, lập các phương án vay vốn khống, bà Lan và đồng phạm còn dùng tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá trị lên nhiều lần để làm tài sản đảm bảo vay tiền của ngân hàng. Điển hình của "chiêu" này thể hiện qua các khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo là Dự án Mũi Đèn Đỏ.

Phối cảnh dự án Khu công viên Mũi đèn đỏ và nhà ở đô thị. (Ảnh: Saigon Peninsula).

Siêu dự án rộng 118 ha có vị trí đắc địa tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, được UBND TP HCM quy hoạch thành khu công viên. Năm 2007, Công ty cổ phần Đại Trường Sơn (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Penisula) được thành phố chấp thuận là chủ đầu tư thực hiện dự án này. Thời điểm đó, với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD, dự án là khu phức hợp gồm công viên đa chức năng, văn phòng, biệt thự, căn hộ, khách sạn, bến cảng du thuyền lớn nhất Việt Nam và mang tầm quốc tế.

Dự án ban đầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND TP HCM. Tuy nhiên, do thay đổi trong chính sách pháp luật về đầu tư, đối với những dự án trên 100 ha thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng. Khi dự án chưa được chính phủ phê duyệt, bà Lan đã chỉ đạo dùng tài sản này (tài sản hình thành trong tương lai) để đảm bảo cho 137 khoản vay (tổng cộng hàng trăm nghìn tỷ đồng) của 100 khách hàng công ty và cá nhân thuộc nhóm bà Lan.

Đến thời điểm khởi tố vụ án (10/2022) các khoản vay này còn dư nợ 133.710 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là gần 108.000 tỷ, 26.317 tỷ đồng nợ lãi (chiếm hơn 22% tổng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại SCB).

 

Cơ quan điều tra xác định, tài sản đảm bảo trên sổ sách ghi nhận quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 147.650 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá trị quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ chỉ là 17.597 tỷ đồng.

Đến nay, dự án Mũi Đèn Đỏ đã đền bù được gần hết cho người dân, chỉ còn vài ha. Dự án được xây tường bao xung quanh và một số con đường nội bộ, đang bị kê biên để giải quyết hậu quả của vụ án. Liên quan đến việc bồi thường tại dự án này, có ít nhất hai vụ người dân kiện đòi trả tiền bền bù đất, song bị tòa bác.

Với tư cách Phó tổng giám đốc hoặc Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư SCB, Trương Khánh Hoàng đã tham gia phê duyệt cho 59 công ty vay. Trong đó, chỉ một khoản vay là của Công ty CP Tập đoàn Peninsula, còn lại đều là các công ty "ma". Việc giải quyết cho vay do bà Lan trực tiếp chỉ đạo cho Hoàng hoặc thông qua Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng giám đốc SCB).

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra và tại tòa, Hoàng khai, để tạo lập hồ sơ khách hàng vay vốn, SCB phải phối hợp với nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tìm người thuê đứng tên thành lập các công ty để vay vốn, đứng tên tài sản... Hoàng biết việc duyệt các khoản vay cho nhóm công ty của bà Lan là không đúng quy định khi tài sản đảm bảo là Dự án Mũi Đèn Đỏ là tài sản hình thành trong tương lai chưa được cấp cuối cùng phê duyệt. Các công ty vay đều mới thành lập, vốn nhỏ nhưng vay số tiền nhiều khả năng trả nợ khó. Số tiền giải ngân được dùng để bà Lan mua cổ phần thật, hoạch toán qua công ty khác, quay lại trả nợ cho một số khoản vay khác của các công ty thuộc Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Theo cựu quyền tổng giám đốc SCB, nếu không có sự chỉ đạo của bà Lan thì các hợp đồng tín dụng nêu trên không thể thực hiện.

  Bà Trương Mỹ Lan trong phiên tòa ngày 6/3. (Ảnh: Thanh Tùng). 

Quá trình điều tra, Bộ Công an đã rà soát, truy thu theo dòng tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của bà Lan và người liên quan; tài khoản, tài sản đứng tên những bị can hoặc cá nhân được nhờ đứng tên để thu hồi, kê biên, phong tỏa nhằm đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.

Cụ thể, cơ quan điều tra đã thu giữ tổng cộng gần 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD trong đó gồm tiền của bà Lan, Trương Huệ Vân; 14,5 triệu USD bà Lan đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Greenhill Village, để nhận chuyển nhượng Dự án Greenhill Quy Nhơn do Việt làm chủ đầu tư; hơn 100 tỷ đồng nhóm cán bộ thanh tra nhận hối lộ...

Ngoài ra, CTCP Sài Gòn Kim Cương đã tự nguyện chuyển gần 415 tỷ đồng - một phần trị giá trong tổng số hơn 120 triệu cổ phần công ty mà bà Lan đã giao cho các cá nhân nắm giữ.

Nhà chức trách cũng phong tỏa gần 2.000 tỷ đồng, gần 8,5 triệu USD; ngăn chặn giao dịch đối với số dư gần 790 tỷ đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của CTCP Sài Gòn Kim Cương. Kê biên tổng cộng 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bà Lan, bao gồm hàng loạt tòa nhà ở quận 1, 3, 5...; 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (tại tỉnh Quảng Ninh) liên quan tới thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu; 857 triệu cổ phần của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ tại SCB; hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan; một du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô...

Liên quan đến việc định giá tài sản của bà Lan được cho là "quá thấp" so với thực tế, trình bày với tòa hôm 15/3, đại diện Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân cho biết đơn vị thẩm định giá theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. Mục đích thẩm định là nhằm đánh giá thực trạng tài chính của SCB.

Đối với các tài sản đủ pháp lý, pháp lý rõ, công ty đã thẩm định trên cơ sở khách quan, độc lập, đúng giá thị trường. Còn các tài sản không đầy đủ tài liệu theo quy định pháp luật, công ty không định giá. Kết quả định giá công ty đã thể hiện rõ trong chứng thư.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.