Theo thống kê của các tỉnh Tây Bắc, đến chiều 4-8, lũ ống làm 34 người ở Sơn La, Yên Bái, Lai Châu chết và mất tích. Hiện 10 người vẫn chưa được tìm thấy. Hàng ngàn chiến sĩ của các địa phương được huy động tìm kiếm người mất tích, mở đường, hỗ trợ người dân. Những người may mắn thoát chết đang nghe ngóng, tìm kiếm vô vọng người thân dưới các đống đổ nát.
Bà Lý Thị Mê (phường Mù Cang Chải) kể: Lũ ập đến rất nhanh, nước chảy xiết, cuốn theo đất đá đã san phẳng toàn bộ khu trọ ba phòng của gia đình bà. Khi nghe tiếng ầm ầm của nước chảy, gia đình bà kịp chạy ra ngoài, thoát chết trong gang tấc.
Toàn bộ tài sản, nhà cửa, xe máy, các vật dụng bị cuốn nhanh theo dòng nước lũ, nằm dưới bùn đá... Vợ chồng anh Mùa A Tông (tổ 8, phường Mù Cang Chải) cho biết: Chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ kinh hoàng đến vậy. Toàn bộ nhà cửa và tài sản của gia đình đã bị cuốn trôi, hiện phải đi ở nhờ nhà người thân. Thị trấn Mù Cang Chải là nơi lũ ống, lũ quét tàn phá mạnh nhất khiến hàng chục nhà dân bị lũ xóa sổ hoàn toàn, nhiều tảng đá theo dòng nước lũ ập xuống xóa sạch dấu vết nhiều căn nhà.
Một đoạn đường ở Sơn La bị lũ xóa dấu vết. Ảnh: H.LIÊN |
Một phụ nữ trào nước mắt khi mất người thân trong lũ ở Yên Bái. Ảnh: CTV |
Trao đổi qua điện thoại, Chủ tịch tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết lãnh đạo tỉnh tiếp tục có mặt tại các điểm sạt lở, lũ quét để chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ. Cũng theo ông Duy, trong số các nạn nhân mất tích, đã có một người trở về.
Cụ thể, trong đợt mưa lũ Yên Bái có 22 người chết, mất tích, bị thương. Ở thị trấn Mù Cang Chải có gia đình cả ba mẹ con chết, mất tích. Xã Kim Nọi có hai cháu bé trong cùng một gia đình bị mất tích...
Theo ông Duy, những khu vực bị thiệt hại nặng lâu nay không hề bị lũ quét. “Khả năng mưa lâu ngày, sườn núi ngấm nước, sạt lở trên nền địa hình độ dốc lớn, lũ quét qua rất nhanh” - ông nói.
Tỉnh đang huy động nhiều lực lượng, máy móc tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân.
Tại Sơn La, chiều 4-8, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch tỉnh, cho biết: Mưa lũ tại Mường La đã làm 16 người chết và mất tích, bốn người bị thương, gần 260 ngôi nhà bị cuốn trôi, hư hỏng.
Địa phương đã huy động hơn 2.500 người cùng máy móc, thiết bị của các lực lượng quân sự, công an tích cực tìm kiếm cứu nạn. “Tỉnh đang tập trung lực lượng tìm kiếm bảy người còn mất tích dọc suối Nậm Păm và trên sông Đà. Đồng thời bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và các hộ phải di dời khẩn cấp” - ông nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường có mặt tại địa phương chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ. Ông yêu cầu địa phương kiên quyết di dời dân ở những điểm nguy hiểm, chăm lo đời sống người dân…
Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ quét Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1131/CĐ-TTg về tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Theo công điện, sau khi kiểm tra, thị sát, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ khó khăn đối với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị nạn… Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh Yên Bái, Sơn La tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm những người còn mất tích. Các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói. Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ… Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 2 và các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, nhất là tại các tỉnh Yên Bái và Sơn La. Các bộ, ngành liên quan trong phạm vi của mình đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ Yên Bái, Sơn La khắc phục hậu quả theo quy định… Lũ ở Yên Bái do phá rừng Lũ khủng khiếp cuốn trôi tất cả những gì trên đường lũ đi qua, nó đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp về người, tài sản… chưa từng thấy trong lịch sử của Yên Bái. Ngoài những nguyên nhân về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, còn do tác động của con người gây ra, trong đó có tình trạng phá rừng gây nên. Trước đây, lũ ống cũng từng xảy ra ở Văn Yên, Văn Chấn khiến nhiều người chết nhưng chưa bao giờ nỗi đau lại nhiều đến thế, mặc dù lũ ống, lũ quét thường lặp đi lặp lại khoảng 3-4 năm một lần. Ông TRẦN THẾ HÙNG, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái |
Còn 11 người dân Mù Cang Chải mất tích sau lũ ống Mưa lớn, địa bàn trải rộng trong bán kính 40 km, lại ngập ngụa bùn đất khiến việc tìm kiếm nạn nhân lũ ống gặp ... |
Thời sự 17:33 | 30/05/2019
Thời sự 00:06 | 27/04/2019
Thời sự 19:26 | 23/04/2019
Thời sự 18:22 | 23/04/2019
Thời sự 08:08 | 20/04/2019
Pháp luật 12:23 | 09/04/2019
Giáo dục 15:19 | 02/04/2019
Thời sự 04:07 | 18/02/2019