Giới tính của thời trang đang dần bị xóa nhòa |
Cứ nhìn quần áo biểu diễn của các ngôi sao showbiz Việt là thấy rõ. Và không hẳn chỉ là đầu tóc quần áo, trong vô số những sinh hoạt đời thường cũng nhan nhản những biểu hiện lập lòe. Ở đời thường người ta dễ dàng gặp cái cảnh đông đảo quý ông hoành tráng dịu dàng đi đái ngồi. Những quý ông đó luôn dùng nước hoa “for men”, dầu gội đầu “cái gì-men” và cực kỳ thích nốc các loại uống có men. Thế nhưng khi tỏ tình họ hay bẽn lẽn liếm môi và khi đi dạo họ hay ngúng nguẩy lúc lắc cặp mông. Và để tăng tốc độ thu hẹp dòng chảy, ở bờ bên kia các quý bà quý cô cũng có những thao tác tương xứng. Chỉ cần bước chân ra phố là dễ dàng gặp nhiều thiếu nữ đi giầy “khủng bố”, đầu rắn rỏi cắt “cua”. Điều này không hiểu nên mừng hay lo.
Không phải ngẫu nhiên mà khoảng mươi năm gần đây, thuật ngữ “unisex” bỗng thành phổ quát, đặc biệt nó đóng dấu ấn rất đậm trong vô số phong cách thời trang. Ngay tại Hà Nội, những cửa hàng kinh doanh theo kiểu “phi xếch” này mọc lên như nấm. Nam thanh nữ tú nẩy sinh khoái cảm mặc lẫn quần nhau, xỏ chung áo nhau, cắt tóc hệt nhau.
Thật ra, hồi xa xưa trong một số hội hè lễ tục của người Việt cũng thường có những nghệ nhân hoặc là trai ăn mặc giả gái hoặc là gái ăn mặc giả trai. Đáng kể nhất là ở lễ hội Đồng Nhân, một lễ hội rất lớn ở Thủ đô, hàng năm mở ra để kỷ niệm nhị vị nữ vương kiệt hiệt Hai Bà Trưng từ ngày mồng 3 đến ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch.
“Đi đầu đám rước là những nghệ sĩ con trai mặc áo the quần trắng khăn lượt thắt lưng xanh buộc múi ở sườn, đeo ngang bụng một cái trống cơm, sau lưng họ có cắm chéo lên vai 2 hoặc 4 lá cờ đuôi nheo nhỏ. Dáng điệu họ thật là ẻo lả mềm mại, vừa đi uốn éo vừa dùng bàn tay vỗ vào mặt trống giữ nhịp cho đoàn múa” (Văn hoá lễ tục - NXB Văn hóa thông tin). Những nghệ nhân này được gọi bằng chữ rất hay, “đĩ đánh bồng”. Có lẽ nó mộc mạc xuất xứ từ cách gọi nôm na của người nông dân Bắc bộ, kiểu như “thằng cu cái hĩm”.
Tất nhiên, ở đời sống thực, “unisex” được nhiều nhà xã hội học giải thích bằng nhiều cách. Phải chăng đây là tất yếu của việc toàn cầu hóa đang làm thế giới dần dần trở nên phẳng. Ở tương lai của cái thế giới đã phẳng này, mọi người đều dèn dẹt nhang nhác y sì như nhau. Ông giống như thằng, thằng giống như quý bà, quý bà giống như quý ngài và quý ngài giống như “đĩ đánh bồng”.
Đại loại đây là một xã hội ổn định mượt mà tròn trịa nhẵn nhụi cả trên lẫn dưới có khuynh hướng siêu hình phi giới tính. Từ điển Tiếng Việt giải thích “Giới tính là đặc điểm của cơ thể và tâm lý làm cho hai phái nam và nữ hoặc giống đực và giống cái có chỗ khác biệt nhau”. Lý luận của Kinh Dịch còn cho rằng, giới tính là thành tựu độc đáo của sự rạn vỡ xuất nguyên từ Thái Cực để thành Lưỡng Nghi rồi thăng hoa theo hai hướng Âm Dương.
"Sông chỉ một bờ" |
Nhờ sự phân chia vĩ đại của trời cao đất dày, con người ta đã đàng hoàng minh bạch phân ra làm hai loại. Có loại phồng chỗ này mà ngắn chỗ kia. Có loại tròn chỗ đó mà lại dài chỗ ấy. Hỡi ôi, đến cái thời hợm hĩnh của internet, mọi sự bỗng loay hoay tụt khác.
Dòng đời đã hết lở hết bồi, nhàn nhạt trơ ra đơn điệu thành một thứ dòng sông một bờ. Quân tử và tiểu nhân thanh thản ung dung mặc chung nhau đồng phục. Liệu đây có phải là bước tiến của văn minh đô thị, cho dù nhiều nhà thiết kế thời trang không rõ giới tính ở phố đã hớn hở bảo vậy.
Kiệt tác tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” có kể, sau nhiều lần đánh nhau với quân Thục toàn thua, đại nguyên soái của nước Ngụy là Tư Mã Ý đành giở trò “anh hùng núp”, nhất quyết cố thủ không chịu giao chiến. Thừa tướng nước Thục là Khổng Minh quyết định sỉ nhục bằng cách, sai sứ giả đến tặng cho Tư Mã Ý một bộ khăn yếm đàn bà.
Ở cái hồi xa xưa trong trắng, đàn ông còn là đàn ông ấy, thì đó là một thao tác làm nhục kinh hoàng. Tư Mã Ý tức nghẹn suýt hộc máu nhưng vì sợ chết nuốt hận vẫn cầm. Chính vì “lì” như thế, về sau ông ta thống nhất thiên hạ lập ra nhà Tấn (266-420).
Tư Mã Ý hay thật, nếu ông ta còn sống đến ngày nay, chí ít cũng trở thành đại tổng giám đốc các hãng thời trang chuyên may đồ dùng chung cho nam nữ.