Sotheby’s trước giờ lên sàn: 3 tranh Việt đều bị nghi giả

Chiều 30/9, nhà Sotheby’s Hong Kong sẽ chính thức mở phiên đấu giá Nghệ thuật hiên đại và đương đại, trong đó có 3 tác phẩm tranh của danh họa Việt Nam.
sothebys truoc gio len san 3 tranh viet deu bi nghi gia

So sánh tương quan chi tiết cây cối và khoảng cách giữa các nhánh cây của hai bức Phong cảnh chùa Thầy - Ảnh Nguyễn Đức Tiến

Kể từ khi một số bức tranh Việt bán được mức giá triệu đô thì tranh giả ngày càng xuất hiện nhiều. Thêm vào đó, qua cách trả lời của nhà Sotheby’s dành cho ông Nguyễn Đức Tiến, chúng ta có thể thấy những nhà đấu giá danh tiếng đôi khi cũng rất vô trách nhiệm khi không làm rõ nguồn gốc và các chi tiết bất thường khi được yêu cầu. Điều này không chỉ gây rủi oc ho người mua mà còn nguy hại đến uy tín của mỹ thuật Việt Nam.

Ông Phạm Long chia sẻ

Ba bức tranh gồm: bức La Famille của Lê Phổ, bức A Family of Deer in a Forest của Phạm Hậu và Paysage của họa sĩ Nguyễn Gia Trí và đều có mức giá trên dưới một triệu đô-la Hong Kong.

Thế nhưng, đáng chú ý, những tác phẩm này đều lần lượt bị cộng đồng họa sĩ Việt Nam phát hiện ra điểm "bất thường".

sothebys truoc gio len san 3 tranh viet deu bi nghi gia

Người phụ nữ có... hai bàn tay trái trong tranh Lê Phổ - Ảnh Sotheby's

Người phụ nữ trong La Famillee có hai... bàn tay trái

Cách đây vài ngày, trên Facebook cá nhân, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long đã đưa ra nghi vấn đối với bức La Famille của danh họa Lê Phổ.

Các chuyên gia nhà Sotheby’s nhận định bức tranh này được Lê Phổ vẽ trong giai đoạn 1938-1940 và đã thể hiện kỹ thuật vẽ tranh lụa bậc thầy của ông.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Phạm Long đã phát hiện ra người phụ nữ trong bức tranh có đến… hai bàn tay trái.

Nhiều họa sĩ khác cũng xác nhận chi tiết trên và cho rằng đây là một lỗi hình họa rất lớn, một họa sĩ tên tuổi như Lê Phổ khó có thể mắc phải.

Bên cạnh đó, họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh cũng nhận định: "Ánh mắt của các nhân vật trong tranh không thật, nếu so sánh với các bức tranh khác của Lê Phổ thì kỹ thuật vẽ bức La Famille rất kém và thô ráp".

Để tìm hiểu nguồn gốc bức La Famille, nhà sưu tập và đầu tư nghệ thuật Nguyễn Đức Tiến đã lần lượt gửi 3 bức thư cho Sotheby’s Hong Kong để cảnh báo về những chi tiết trên.

Sau 8 ngày kể từ lúc gửi bức thư đầu tiên, ông Mok Kim Chuan, Giám đốc mảng nghệ thuật đương đại và hiện đại Đông Nam Á của Sotheby’s đã hồi âm ông Nguyễn Đức Tiến.

Trong thư, ông Mok khẳng định nguồn gốc của bức tranh như họ đã công bố trên catalogue nhưng lại lờ đi chi tiết "hai bàn tay trái" và cũng không nói gì đến việc sẽ xác minh lại bức La Famille.

Vụ việc trên đã khiến nhiều họa sĩ bức xúc và cho rằng nhà Sotheby’s thiếu trách nhiệm với phiên đấu giá của mình.

sothebys truoc gio len san 3 tranh viet deu bi nghi gia

Bức Phong cảnh chùa Thầy của Nguyễn Gia Trí được Sotheby's rao bán với mức giá lên đến 900.000 đô la Hong Kong - Ảnh Sotheby's

Tranh Nguyễn Gia Trí 'nhái' Hoàng Tích Chù?

Khi chuyện người phụ nữ trong bức La Famille có hai bàn tay trái còn chưa hạ nhiệt thì mới đây, nhà nghiên cứu Phạm Long cùng các họa sĩ khác lại phát hiện thêm điểm đáng ngờ trong hai bức tranh còn lại của Nguyễn Gia Trí và Phạm Hậu sẽ được mở bán trong phiên cùng ngày.

Ông Phạm Long cho biết: "Sau khi tôi lên tiếng về bức tranh La Famille, một số nhà sưu tập trong nước cũng nhờ tôi xem bức Paysage (Phong cảnh chùa Thầy) được nhà Sotheby’s ghi là của Nguyễn Gia Trí vẽ năm 1940.

Tôi tình cờ phát hiện nhiều chi tiết của bức này giống hệt bức Phong cảnh chùa Thầy của Hoàng Tích Chù (vẽ năm 1944).

Qua quan sát, từ các thân cây đại, cây chuối cho đến bố cục của hai bức này đều giống nhau. Đặc biệt, chúng giống khớp nhau cả vết rách trên tầu lá chuối như được chép từ một phác thảo hay từ một tấm giấy can".

Nhận định của nhà nghiên cứu Phạm Long đã nhận được nhiều sự đồng tình.

Họa sĩ Tô Chiêm phân tích: "Kỹ thuật của người làm bức Phong cảnh chùa Thầy (1940, được ghi là của Nguyễn Gia Trí) rất kém.

Những mảng nền son bị mài thủng lung tung, tạo ra những miếng đen có hình dạng tròn giống nhau.

Thực ra miếng bạc phủ cánh gián đó họ định mô tả con sông nhưng làm thành miếng cho dễ xử lý. Còn ở bức của cụ Hoàng Tích Chù, người xem có thể nhìn thấy cả con song men theo chân núi."

Trong khi đó, nhà sưu tập Nguyễn Đức Tiến cho rằng hai cây đại ở hai bức tranh y hệt nhau ở nhánh, cành và khoảng trống giữa các cành cây cũng trùng nhau.

Hiện bức tranh trên được nhà Sotheby’s rao bán với mức giá ước tính 700.000 - 900.000 đô la Hong Kong.

sothebys truoc gio len san 3 tranh viet deu bi nghi gia

Bức tranh Gia đình nai trong rừng được Sotheby's ghi là của họa sĩ Phạm Hậu - Ảnh Sotheby's

Tranh Phạm Hậu chép - giả Phạm Hậu?

Bên cạnh đó, bức tranh sơn mài A Family of Deer in a Forest (Gia đình nai trong rừng) của họa sĩ Phạm Hậu cũng bị nghi là tranh chép, tranh giả.

Bức tranh này có mức giá 900.000 - 1.500.000 đô-la Hong Kong. Đây cũng là bức tranh có giá cao nhất của Phạm Hậu nếu được bán ra.

Thế nhưng, theo nhận định của nhà nghiên cứu Phạm Long thì bức Gia đình nai trong rừng là sản phẩm được chắp vá từ hai bức khác cũng của Phạm Hậu.

Bức đầu tiên là Dawn in the forest of the moyenne Region ( có chi tiết và bố cục cây cối giống như bức Gia đình nai trong rừng), bức thứ hai là Paysage (Landscape) (có chi tiết bầy nai giống bức Gia đình nai trong rừng).

sothebys truoc gio len san 3 tranh viet deu bi nghi gia

So sánh các chi tiết cây cối và bầy nai trong ba bức tranh của Phạm Hậu - Ảnh do nhà nghiên cứu Phạm Long cung cấp.

Cả hai bức trên đều đã được nhà Sotheby’s Hong Kong đưa ra bán đấu giá trong các phiên trước đây.

Như vậy, cả 3 bức tranh của các danh họa Việt Nam được đưa ra bán trong phiên đấu giá Nghệ thuật hiện đại và đương đại trong chiều nay (30-9) đều vướng phải nghi án tranh giả, tranh chép. Điều này càng được dư luận quan tâm hơn khi tranh Việt chỉ là một thị trường mới nổi trên thế giới.

Cũng theo nhà nghiên cứu Phạm Long, tình trạng tranh giả ghi tên các danh họa Việt Nam tại những nhà đấu giá danh tiếng đã diễn ra từ lâu nhưng gần đây tình hình càng trở nên phức tạp.

Cả nhà nghiên cứu Phạm Long và họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh đều cho rằng những nhà đấu giá như Sotheby’s đều có cơ chế phức tạp, muốn bảo vệ cho nền mỹ thuật Việt Nam là một việc rất khó khăn, không thể chỉ dựa vào tiếng nói của cá nhân mà cần phải có sự lên tiếng của một số tổ chức, hội đoàn.

Dù họ không can thiệp được vào chuyện kinh doanh của Sotheby’s nhưng ít nhất có thể làm nhà đấu giá này cẩn trọng hơn đối với các tác phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam.

"Bên cạnh đó, các nhà sưu tập phải có nền tảng kiến thức và có cái nhìn trực giác đối với một tác phẩm. Họ cũng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi quyết định đầu tư vào một bức tranh có nguồn gốc chưa rõ ràng." họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh khuyến cáo.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.