Tết Thanh Minh ở 3 miền: nơi thụ lộc bên phần mộ, nơi tất bật trang trí 'ngôi nhà' tổ tiên

Vào ngày Tết Thanh Minh, người Tày, Nùng ở Lạng Sơn thường quây quần và thụ lộc ngay bên phần mộ, trong khi đó người dân Sóc Trăng thì tất bật trang trí cho "ngôi nhà" của tổ tiên.

Tết Thanh minh là nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam. Đây là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, nhắc nhở chúng ta dù có đi đâu về đâu cũng không quên nhớ về quê hương cội nguồn.

Năm nay, tiết Thanh Minh sẽ rơi vào ngày 5/4 (tức 20/2 âm lịch) và kéo dài đến ngày 20/4 khi tiết Cốc vũ bắt đầu.

Vào ngày Tết Thanh Minh, sẽ có các hoạt động như làm cỏ các phần mộ (lễ tảo mộ), sửa sang, thắp hương, đặt hoa quả thành kính tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Tuy nhiên ở mỗi vùng lại có những phong tục độc đáo, mang bản sắc riêng của vùng đó.

tet thanh minh o 3 mien noi thu loc ben phan mo noi tat bat trang tri ngoi nha to tien
Người dân ở Lạng Sơn thường quây quần và thụ lộc ngay bên phần mộ của tổ tiên vào ngày Tết Thanh Minh. (Ảnh: VNE)

Gia đình quây quần, thụ lộc ngay bên phần mộ

Ngày 3/3 âm lịch hàng năm, người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, Cao Bằng rộn ràng đón Tết Thanh Minh. Các gia đình sắm sửa làm cỗ xôi, thịt gà, mua bánh trái đi tảo mộ. Con cháu các dòng họ quây quần tụ tập về một gia đình rồi cùng nhau mang cuốc, xẻng, dao, cỗ… lên khu mộ.

Người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, Cao Bằng quan niệm Tết Thanh Minh là dịp những người đã khuất như tổ tiên, ông bà, cha mẹ và họ hàng thân thuộc được về gặp mặt con cháu.

Theo VnExpress, mâm cỗ cúng tổ tiên của người dân nơi đây không có bánh trôi, bánh chay mà thay vào đó là các loại đặc sản địa phương như thịt gà, thịt lợn quay, hoa quả, bánh kẹo, giấy tiền, rượu và một món không thể thiếu là “khâu nủa đăm đeng” (xôi nếp đỏ, đen). Đây là món xôi nhiều màu sắc làm bằng các loại lá cây.

Sau khi thắp hương, bày cỗ, người dân rót rượu khấn mời vong linh người đã khuất về ăn cỗ cùng con cháu và phù hộ cho con cháu sức khỏe, đầm ấm, hạnh phúc, tài lộc.

tet thanh minh o 3 mien noi thu loc ben phan mo noi tat bat trang tri ngoi nha to tien
Mỗi ngôi mộ đều được cắm cây nêu nhiều màu sắc. (Ảnh: VNE)

Trong khi đó, mỗi ngôi mộ đều được cắm một cành nêu cắt bằng giấy bản nhiều màu sắc. báo hiệu đã được dọn dẹp, làm lễ tảo mộ.

Các gia đình quây quần bên phần mộ tổ tiên và thụ lộc. Mọi người tụ họp nghe người lớn tuổi trong họ kể về người đã khuất, nhắc nhở nhau hướng về nguồn cội, đoàn kết, gắn bó giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công việc, học tập để làm rạng danh tổ tiên.

Trẻ em cũng tất bật trang trí cho “ngôi nhà” của tổ tiên

Trong khi đó, với người dân Sóc Trăng, Bạc Liêu, hoạt động không thể thiếu trong Tết Thanh Minh là dán giấy trang trí phần mộ tổ tiên. Đặc biệt, trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.

tet thanh minh o 3 mien noi thu loc ben phan mo noi tat bat trang tri ngoi nha to tien
Một gia đình ở Bạc Liêu đang cúng thanh minh. (Ảnh: Dân trí)

Theo Dân trí, trước ngày cúng, mọi người trong gia đình nhổ cỏ, đắp thêm đất hay quét vôi các ngôi mộ cho sạch, đẹp và mới hơn. Đến ngày cúng, mọi thành viên trong gia đình chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như: nhang, đèn, giấy tiền vàng bạc, giấy dán mã đủ màu sắc, heo quay, gà vịt quay, bánh xôi vị, bánh bò, trái cây, rượu, trà,...rồi cùng ra nghĩa địa cúng.

tet thanh minh o 3 mien noi thu loc ben phan mo noi tat bat trang tri ngoi nha to tien
Các em nhỏ cũng tất bật trang trí cho "ngôi nhà" của tổ tiên. (Ảnh: Dân trí)

Đến mộ, lễ vật cúng được bày biện trước mộ, các thành viên trong gia đình thắp hương rồi dùng giấy vàng mã đủ màu sắc dán lên các ngôi mộ mà theo quan niệm của bà con là để lợp lại nhà cho các ngôi mộ được mới hơn với ý nghĩa tạ ơn tổ tiên hay cầu nguyện người đã khuất phù hộ cho gia đình được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt,.... khiến cho tất cả các ngôi mộ có thêm nhiều màu sắc. Không chỉ đốt hương cho mộ của người thân trong gia đình, bà con còn đốt hương cho những ngôi mộ vắng chủ và những ngôi mộ nằm xung quanh.

Tết Thanh Minh của người miền biển

Với người dân vùng biển ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), vào ngày Tết Thanh Minh, các gia đình ngư dân thường chuẩn bị các mâm cỗ xôi, thịt, hoa quả, bánh kẹo, cau trầu, rượu, nước, vàng mã để dâng lên mộ tổ tiên ông bà những người đã khuất.

Theo Báo Nghệ An, nét độc đáo trong ngày Tết Thanh Minh của người dân vùng biển bao giờ cũng có thêm 1 mâm lễ cúng sinh với cháo, muối, gạo, nước, bánh kẹo đủ màu sắc để cúng các vong linh cô hồn lạc lối cầu cho các vong linh được siêu sinh độ thế. Điểm khác biệt ở ngày tết thanh minh vùng biển, chủ yếu chỉ có người già và phụ nữ đi hành lễ vì vào những ngày này những người đàn ông trụ cột chính trong gia đình phải đi biển đánh bắt hải sản ngoài khơi.

Thời gian đi tảo mộ được mọi người chọn vào thời điểm sáng sớm, tranh thủ thời gian để dọn dẹp, phát quang cây cối, cỏ dại và đắp đất cho những ngôi mộ đã bị sói mòn, rồi sau đó mới dâng lễ vật chuẩn bị lên mộ cho tổ tiên ông bà. Sau khi hoàn thành lễ cúng cho phần mộ tổ tiên ông bà, mới tiến hành làm lễ cúng sinh.

tet thanh minh o 3 mien noi thu loc ben phan mo noi tat bat trang tri ngoi nha to tien
Đông đảo người dân đổ về các khu nghĩa địa cúng Tết Thanh minh. (Ảnh: Dân trí)

Ở Nam Bộ, Tết Thanh Minh là ngày “hội” ở nghĩa địa

Ở các tỉnh Nam Bộ, ngày tết chính của Tiết Thanh Minh đã trở thành một ngày hội ở các nghĩa địa.

Vào ngày này có thể thấy người ra vào nghĩa địa nườm nượp. Người thì cắt cỏ trên các lối đi, xung quanh các ngôi mộ; người thì nạo vét các cống rãnh trong và xung quanh nghĩa địa; người thì sơn phết lại những ngôi mộ đã xỉn màu do mưa nắng trong một năm qua. Có gia đình thì trồng lại cỏ, đắp thêm đất cho mộ phần… Nghĩa địa lúc này giống như một công trường xây dựng.

Đồ cúng tổ tiên thường gồm bộ tam sinh (3 con vật hoặc thịt của 3 con vật), nhà giàu thì ngũ sinh, giấy ngũ sắc, nhang đèn, giấy tiền vàng, các loại bánh trái… Bánh bao và bánh bò và heo sữa quay là thứ không thể thiếu.

Việc cúng lễ diễn ra từ 5 giờ sáng cho đến chiều tối. Cúng xong, con cháu bày la liệt đồ cúng lên trên và xung quanh ngôi mộ rồi cùng nhau vừa ăn uống cười nói vui vẻ, vừa nghe các vị cao niên kể về tiểu sử công đức của những người đã khuất.

Anh Đào (t/h)

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.