Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 mới công bố, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của CTCP Thaiholdings (mã chứng khoán: THD) lần lượt giảm 69% và 74% so với quý IV/2021, đạt 688 tỷ đồng và 36 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính đạt hơn 227 tỷ đồng, tăng 35%, chủ yếu do lãi bán các khoản đầu tư, đồng thời có khoản lãi trong công ty liên doanh liên kết gần 23 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ 3 tỷ đồng), nhờ đó thoát lỗ quý IV khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đạt 129 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong quý IV/2021 lỗ khác gần 220 tỷ đồng so với lỗ 1,05 tỷ đồng của quý IV/2022 (nguyên nhân chính từ việc giảm thu nhập từ chuyển nhượng quyền khai thác quặng Apatit). Kết quả, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 81 tỷ đồng, tăng so với giá trị 20 tỷ đồng cùng kỳ.
Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần công ty đạt hơn 4.112 tỷ đồng, giảm 50%. Lãi gộp giảm 39%, đạt 300 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng cao, tổng các chi phí giảm so với cùng kỳ, đồng thời, Thaiholdings ghi nhận lãi 48 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết (cùng kỹ lỗ 12 tỷ đồng). Do đó, lợi nhuận thuần năm 2022 tăng so với cùng kỳ lên mức 450 tỷ đồng.
Song, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 452 tỷ đồng và 337 tỷ đồng, giảm 26% và 32% vì năm 2021, công ty có gần 571 tỷ đồng lãi khác, trong khi giá trị này tại năm 2022 là 2,4 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu 8.880 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.503 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện 46% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối năm 2022, Thaiholdings ghi nhận thêm khoản đầu tư vốn góp 1.022 tỷ đồng vào CTCP Tôn Đản Hà Nội (tỷ lệ lợi ích 44,23%, tỷ lệ biểu quyết 49,81%).
Theo Thaiholdings, nguyên nhân là CTCP Tập đoàn Thaigroup (công ty con của Thaiholdings) đã tiến hành chuyển chuyển nhượng cổ phần của đơn vị này cho hai cá nhân là ông Đinh Duy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Tân theo nghị quyết HĐQT hồi tháng 5/2020, qua đó chuyển Tôn Đản Hà Nội từ công ty con thành công ty liên kết.
Ngoài thoái vốn tại Tôn Đản Hà Nội, trong năm, Thaigroup cũng thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phần CTCP Thailand cho ông Nguyễn Văn Hà, qua đó, tại thời điểm cuối năm 2022, Thaiholdings không còn ghi nhận đơn vị này là công ty liên kết.
Thaiholdings cũng thoái sạch vốn tại ba doanh nghiệp là đơn vị nhận đầu tư góp vốn khác là Công ty TNHH Đầu tư Thủy điện Quảng Nam, CTCP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Tuấn Nguyễn (tên cũ là CTCP Đầu tư Thaihomes) và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bãi Thơm - Phú Quốc (tên cũ là CTCP Thaispace). Tại thời điểm đầu năm, giá gốc đầu tư vào ba đơn vị này là 266 tỷ đồng.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy, trong năm, Thaiholdings thu được 2.465 tỷ đồng từ thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Ngược lại, công ty cũng ghi nhận thêm khoản đầu tư vào CTCP Bình Minh Group (38,8 tỷ đồng) và CTCP Enclave Phú Quốc (241 tỷ đồng).
Qua đó, tổng giá trị đầu tư tài chính dài hạn của Thaiholdings tại cuối năm 2022 tăng 114%, gần 1.797 tỷ đồng.
Ở diễn biến khác, chi phí trả trước dài hạn giảm 54% so với đầu năm, đạt gần 1.526 tỷ đồng, chủ yếu không còn ghi nhận chi phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại CTCP Tôn Đản Hà Nội 1.960 tỷ đồng như đầu năm.
Tài sản cố định cũng giảm 97%, chủ yếu là khoản giảm 1.086 tỷ đồng do mất quyền kiểm soát các tài sản hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị.
Do đó, tổng tài sản tính đến thời điểm cuối quý IV/2022 của Thaiholdings giảm 21% so với đầu năm, đạt hơn 8.212 tỷ đồng.
Dư nợ tài chính tổng cộng 885 tỷ đồng, giảm 61% so với đầu kỳ. Trong năm, công ty chi gần 3.691 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, qua đó, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 1.411 tỷ đồng.
Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm 737 tỷ đồng, chủ yếu do công ty chi nhiều để cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Mặt khác, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 1.955 tỷ đồng do tăng các khoản phải trả. Kết quả, dòng tiền thuần trong kỳ âm 192 tỷ đồng, cùng kỳ dương 242 tỷ đồng.