Dự thảo chương trình tổng thể mới đang được hoàn thiện để xin ý kiến các chuyên gia giáo dục, ý kiến nhân dân, trình ra Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và tiếp tục hoàn thiện theo ý kiến hội đồng. Theo dự kiến, muộn nhất là tháng 3/2017 phải có chương trình tổng thể để biên soạn các chương trình môn học.
Không chờ đến lúc biên soạn xong chương trình mới thử nghiệm
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình, cho biết trên Thanh Niên: "Trước đây, chúng ta vẫn thường biên soạn xong chương trình mới viết sách giáo khoa thử nghiệm và dạy sách giáo khoa đó để thử nghiệm độ tin cậy của chương trình.
Sau vài năm dạy thử nghiệm mới tiếp tục hoàn thiện và phê duyệt chương trình. Theo cách làm mới, sẽ không chờ đến lúc biên soạn xong chương trình mới thử nghiệm mà tiến hành đánh giá tác động ngay khi đưa ra những nội dung giáo dục, phương pháp dạy học hay phương pháp đánh giá mới".
Theo cách làm mới, sẽ không chờ đến lúc biên soạn xong chương trình mới thử nghiệm. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Bên cạnh biện pháp dạy thực nghiệm, còn có thể áp dụng những biện pháp khác như khảo sát thực tế, điều tra dư luận, phỏng vấn sâu chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Kết quả đánh giá tác động của chương trình như tính khả thi, tác động đến học sinh, giáo viên, nhà trường, đến ngân sách và chi phí xã hội, đến sự phát triển kinh tế - xã hội... sẽ là căn cứ quan trọng để hoàn thiện và thẩm định chương trình. Ngoài những công việc nói trên, sau khi hoàn thành chương trình, ban soạn thảo còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa là biên soạn tài liệu hướng dẫn viết SGK và tài liệu tập huấn giáo viên.
Bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cốt lõi cho học sinh
Theo dự thảo mới của chương trình tổng thể, giáo dục phổ thông cần tập trung hình thành, phát triển ở học sinh 8 phẩm chất chính và 8 năng lực cốt lõi.
Những phẩm chất chính cần bồi dưỡng cho học sinh là: Nhân ái - Khoan dung, Chuyên cần - Tiết kiệm, Trách nhiệm - Kỷ luật, Trung thực - Dũng cảm. Tám năng lực cốt lõi là những năng lực mà bất kỳ người nào cũng cần có để sống và làm việc.
Trước hết là ba năng lực chung mà môn học và hoạt động giáo dục nào cũng cần và có thể hình thành, phát triển cho học sinh, gồm: năng lực tự chủ, năng lực hợp tác và năng lực sáng tạo.
Theo dự thảo mới của chương trình tổng thể, giáo dục phổ thông cần tập trung hình thành, phát triển ở học sinh 8 phẩm chất chính và 8 năng lực cốt lõi. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Năng lực tự chủ được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với bản thân. Năng lực hợp tác được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với người khác. Năng lực sáng tạo được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với công việc.
Nhóm thứ hai là những năng lực đặc thù do một hoặc một vài môn học kiến tạo thành, bao gồm: năng lực sử dụng ngôn ngữ (gắn với các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ), năng lực thẩm mỹ (gắn với các môn Nghệ thuật), năng lực tính toán (gắn với Toán và các môn khoa học tự nhiên), năng lực tin học và năng lực thể chất.