Thanh Hóa đề xuất làm đường BOT hơn 3.000 tỉ, thu phí tại trạm ở Hoằng Hóa khoảng 23 năm

Tỉnh Thanh Hóa đề xuất làm đường BOT hơn 3.000 tỉ đồng, vị trí thu phí dự kiến ở huyện Hoằng Hóa với thời gian thu khoảng 23 năm.
Thanh Hóa đề xuất làm đường BOT hơn 3.000 tỉ, thu phí tại trạm ở Hoằng Hóa khoảng 23 năm  - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

BOT đường ven biển hơn 3.000 tỉ

Theo thông tin húng tôi nhận được, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Thanh Hóa về ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với đề xuất xây dựng đường bộ ven biển đoạn qua Thanh Hóa theo hình thức BOT.

Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã có đề nghị về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Son - Hoằng Hóa, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, Phó Thủ tướng có ý kiến giao Bộ KH&ĐT đề xuất cơ quan thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo đúng qui định của Luật Đầu tư công, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia, Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với phần vốn ngân sách trung ương như đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Được biết, đối với tuyến đường bộ ven biển qua Thanh Hóa, các đoạn chưa có quyết định chủ trương đầu tư có tổng chiều dài 51km, bao gồm: Đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa (Km0+00 - Km26+080); chiều dài khoảng 26,08 km.

Đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn (Km26+080 - Km36+580); chiều dài khoảng 10,5 km; Đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (Km53+580 - Km68+240, nối với dự án đường đô thị động lực Tĩnh Gia); chiều dài khoảng 14,5 km.

Tháng 8/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản về việc đầu tư đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn dài 10,5Km và Quảng Xương - Tĩnh Gia dài 14,5Km theo hình thức BOT.

Các đoạn tuyến này có quy mô phần đường đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng tối thiểu 2 làn xe. Tốc độ thiết kế 80km/h.

Diện tích sử dụng đất khoảng 45ha và dự kiến tổng mức đầu tư dự án: 3.077 tỉ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 2.154 tỉ đồng (70% tổng vốn đầu tư); Vốn nhà đầu tư huy động 923 tỉ đồng (30% tổng vốn đầu tư); phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu là 20% phần vốn huy động.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, kế hoạch sử dụng vốn là ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phòng mặt bằng toàn tuyến.

Tỉnh này cũng đưa ra phương án thanh toán hoàn vốn cho nhà đầu tư bằng hình thức thu phí. Vị trí trạm thu dự kiến tại đầu cầu qua sông Mã thuộc địa phận xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa với thời gian khoảng 23 năm.

Thanh Hóa đề xuất làm đường BOT hơn 3.000 tỉ, thu phí tại trạm ở Hoằng Hóa khoảng 23 năm  - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Không làm BOT trên đường ven biển hiện hữu

UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết việc đầu tư xây dựng tuyến đường sẽ phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng.

"Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh và khu vực, tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu kinh tế giữa vùng ven biển Thanh Hoá từ huyện Nga Sơn đến khu kinh tế Nghi Sơn và các vùng miền khác", UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Theo tỉnh Thanh Hóa, dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, phải huyển đổi mục đích sử dụng đất; tuy nhiên dự án tác động đến môi trường không lớn và chủ yếu trong giai đoạn thi công xây dựng.

Được biết, tuyến đường bộ ven biển bắt đầu từ Quảng Ninh tới Kiên Giang, đi qua địa phận 28 tỉnh (miền Bắc là 5 tỉnh, miền Trung là 14 tỉnh và khu vực phía Nam là 9 tỉnh) với tổng chiều dài khoảng 3.041km.

Vùng ven biển miền Bắc (từ Quảng Ninh tới Ninh Bình), Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa tới Quảng Trị), miền Trung (từ Thừa Thiên Huế tới Bình Định) quy mô đường cấp III.

Vùng Nam Trung Bộ (từ Phú Yên tới Bình Thuận), Đông Nam Bộ (từ Vũng tàu tới TP Hồ Chí Minh), vùng Tây Nam Bộ (từ Tiền Giang tới Kiên Giang) quy mô đường cấp IV.

Về tuyến đường bộ này, Bộ trưởng GTVT yêu cầu việc đầu tư xây dựng theo hình thức BOT chỉ áp dụng ở đoạn tuyến mới hoàn toàn, không làm BOT trên đường hiện hữu.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.