Thanh Hóa mở rộng quy hoạch thị trấn Tân Phong, ưu tiên đầu tư các khu đô thị mới

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương khoảng 1.463 ha, dự báo quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 36.000 người.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đến năm 2035.

Theo đó, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương. Ranh giới phía bắc giáp TP Thanh Hóa; phía nam xã Quảng Ninh và Quảng Hợp; phía đông giáp xã Quảng Định và xã Quảng Đức; phía tây giáp xã Quảng Trạch và Quảng Hòa.

Thanh Hóa mở rộng quy hoạch thị trấn Tân Phong, ưu tiên đầu tư các khu đô thị mới - Ảnh 1.

Thị trấn Tân Phong. (Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Xương).

Đây là thị trấn huyện lỵ, trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của huyện Quảng Xương. Là đầu mối giao thương, dịch vụ thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có vai trò kết nối, hỗ trợ TP Thanh Hóa và vùng phụ cận.

Dân số hiện trạng năm 2020 khoảng 20.603 người, dự báo quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 36.000 người. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung thị trấn khoảng 1.463 ha, trong đó, đất xây dựng đô thị là 1.030,16 ha, còn lại là các loại đất khác.

Thị trấn Tân Phong phát triển trên cơ sở các trục không gian chủ đạo như quốc lộ 1, đường tránh phía đông, đường tránh phía tây quốc lộ 1, đường Thanh Niên và các tuyến đường Bắc Nam, Đông Tây qua đô thị.

Hướng phát triển của đô thị gồm phát triển về phía đông bắc và phía tây nam trên cơ sở quy hoạch mới tuyến giao thông và quỹ đất thuận lợi xây dựng. Tập trung phát triển các khu đô thị mới có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ thương mại hoàn chỉnh.

Một số hạng mục được ưu tiên đầu tư gồm dự án đầu tư cụm công nghiệp thị trấn Tân Phong quy mô khoảng 65 ha; đầu tư các khu đô thị mới trên địa bàn thị trấn; xây dựng mới đường Thanh Niên kéo dài đoạn qua thị trấn khoảng 2 km; mở rộng và kéo dài tuyến Bắc Nam 1, chiều dài khoảng 6 km; xây dựng mới tuyến Bắc Nam 2, chiều dài khoảng 4,5 km; mở rộng và kéo dài đường Tân Định chiều dài khoảng 2,7 km,...

Quyết định cũng nêu rõ việc phát triển kinh tế, xã hội, đô thị hóa phải đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp, kê hoạch bảo vệ môi trường.

Trong đó, phát triển đô thị phải gắn liền với xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho các khu dân cư, đô thị tránh phát sinh chất thải ra môi trường. Kiểm soát môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, các dự án khi triển khai phải đảm bảo đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định, tăng cường giám sát kiểm tra định kỳ.

Xây dựng chương trình quan trắc, bố trí các điểm quan trắc môi trường nước tại các vị trí nguồn tiếp nhận nước thải, vùng nước biển ven bờ, môi trường đất, không khí tại các khu vực trọng điểm.

Thanh Hóa giao UBND huyện Quảng Xương hoàn chỉnh hồ sơ được duyệt theo quy định, tổ chức bàn giao hồ sơ, tài liệu điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đến năm 2035 cho địa phương, làm cơ sở để quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

Thị trấn Tân Phong được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ 7,42 km2 diện tích tự nhiên, 7.290 người của xã Quảng Phong, toàn bộ 6,06 km2 diện tích tự nhiên, 9.979 người của xã Quảng Tân và 1,5 km2 diện tích tự nhiên, 3.334 người của thị trấn Quảng Xương; sau khi thành lập, thị trấn Tân Phong có 14,63 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 20.603 người.

Quảng Xương là đơn vị hành chính cấp huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Thanh Hóa; phía bắc giáp TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn, phía nam giáp thị xã Nghi Sơn, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Nông Cống và huyện Đông Sơn; có diện tích tự nhiên 17.422 ha, chiếm 1,56% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh.

Quảng Xương có mạng lưới giao thông thuận lợi, trên địa bàn huyện có các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 45, tỉnh lộ 504, tỉnh lộ 511 và tuyến đường bộ ven biển kết nối các khu kinh tế động lực của huyện với các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối giao thông chính của tỉnh như: TP Thanh Hoá, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn - Khu kinh tế Nghi Sơn, KCN Lam Sơn Sao Vàng, Cảng hàng không Thọ Xuân, Cảng biển nước sâu Nghi Sơn,…

Đặc biệt, tuyến đường ven biển đoạn qua huyện Quảng Xương đã và đang được đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực ven biển, bờ biển còn hoang sơ, có độ thoải với nhiều bãi tắm đẹp ở các xã Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Thái, Tiên Trang và mũi đất Quảng Nham, vùng triều Lạch Ghép tại xã Quảng Trung và Quảng Chính.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.