Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang thông báo có nhu cầu cho thuê các dòng máy bay thân hẹp A321 hoặc tàu bay thân rộng A350-900 hoặc B787-9/10.
Hãng bay cho biết thời gian thuê là 6 tháng, hoặc theo nhu cầu của đối tác cần thuê. Dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 4 tới.
Về hình thức, các tàu bay trên được Vietnam Airlines cho thuê theo nhu cầu, gồm thuê khô (tức chỉ thuê máy bay), thuê ẩm (gồm thuê máy bay, bảo hiểm, kĩ thuật mặt đất, dịch vụ bảo dưỡng) và thuê ướt (tức gồm đầy đủ dịch vụ của thuê ẩm, có thêm tổ bay).
Thông báo cho thuê máy bay của Vietnam Airlines diễn ra trong lúc ngành hàng không đang gặp khó, vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19).
Ngày 23/1, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định huỷ toàn bộ phép bay khai thác từ Việt Nam đi và đến Vũ Hán, tâm dịch Covid-19.
Đến ngày 1/2/2020, toàn bộ phép bay đã cấp cũng bị hủy, đồng thời không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không 2 nước khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Vietnam Airlines là 1 trong 3 hãng bay nội địa, cùng với Vietjet Air và Jetstar Pacific, khai thác các đường bay đến 48 điểm tại Trung Quốc. Tổng tần suất của các hãng đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ, và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ.
Reuters cho biết Vietnam Airlines đang thiệt hại 250 tỉ đồng mỗi tuần, tức mỗi ngày mất hơn 35 tỉ đồng, vì dừng các đường bay đến Trung Quốc.
Theo Reuters, hãng hàng không quốc gia đã thông báo về kế hoạch phải thu hẹp hoạt động và cắt giảm chi phí, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Trả lời báo chí, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành, cho biết thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng số khai thác của hãng. Việc đóng các đường bay đến Trung Quốc làm giảm khoảng 70.000 khách di chuyển mỗi tháng giữa 2 quốc gia, chưa kể khách nối chuyến qua Trung Quốc.
Trả lời Tuổi Trẻ, một chuyên gia khai thác bay cho biết việc dừng khai thác các đường bay tới Trung Quốc, khiến các hãng hàng không Việt Nam thừa khoảng 50 máy bay. Trong khi đó, hãng vẫn phải trả tiền thuê, 1 máy bay Airbus A321 mới thuê khoảng 400.000 USD/tháng, Boeing 787 mới khoảng 1 triệu USD/tháng.
Theo báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 của Cục Hàng không vừa ban hành, việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam đến Trung Quốc ước tính thiệt hại sơ bộ lên tới hơn 10.000 tỉ đồng.
Số liệu sơ bộ được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra cho thấy, ngay giữa cao điểm Tết Nguyên đán, thị trường đã sụt giảm. Chỉ riêng tuần đầu tiên sau khi dừng khai thác Trung Quốc (từ ngày 1/2 đến ngày 7/2/2020), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kì 2019, trong đó riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%.
Theo Cục Hàng không, việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc khiến các hãng hàng không Việt Nam đối mặt với việc mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng, chưa tính đến một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa.
Thêm vào đó, các hãng hàng không Việt Nam còn mất thêm nhiều chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí liên quan đến công tác vệ sinh phòng dịch.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không duy trì hoạt động khai thác, vượt qua khó khăn trong "tâm bão" dịch, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng, cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do nhà nước quản lí (giá dịch vụ điều hành bay đi/đến, hạ cất cánh).
Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có biện pháp giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định cho các hãng hàng không Việt Nam.
Các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ hàng không (ACV, VATM...) cũng được Cục Hàng không khuyến khích chủ động thảo luận, hiệp thương, để điều chỉnh các mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020