Chiều 3/6, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã có buổi làm việc với các sở, ngành, các địa phương và Ban Quản lý dự án Thăng Long để nghe báo cáo đánh giá nhu cầu và giải pháp khai thác vật liệu san lấp phục vụ thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99 km, đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, trong đó đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài 51,3 km. Dự án đã chính thức được khởi công xây dựng vào cuối tháng 9/2020.
Về nhu cầu sử dụng các loại vật liệu, báo Đồng Nai thông tin từ Ban Quản lý dự án Thăng Long trong buổi họp, đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự án cần khoảng 2,9 triệu m3 đất nguyên thổ; cát các loại cần khoảng 0,25 triệu m3; đá, cấp phối các loại cần khoảng 2,04 triệu m3.
Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, trên địa bàn tỉnh có tổng số 10 mỏ đất đắp (3 mỏ có phép, 7 mỏ chưa có phép) với trữ lượng khoảng 9 triệu m3; cát các loại có 3 mỏ có phép với trữ lượng 3,86 triệu m3; đá các loại có 6 mỏ (5 mỏ có phép) với trữ lượng hơn 40,6 triệu m3.
Theo chủ đầu tư, do phần lớn các mỏ đất đắp chưa được cấp phép nên nguồn đất đắp phục vụ dự án đang thiếu rất trầm trọng.
Thời gian qua, các nhà thầu cũng đã chủ động khảo sát, tìm kiếm nguồn đất đắp tại một số vị trí dọc tuyến, chủ yếu vận chuyển bằng đường nội bộ trong tuyến. nguồn đất đắp này cơ bản thuộc quyền sử dụng của các hộ dân.
Vì vậy, đại diện chủ đầu tư dự án kiến nghị Sở TN-MT, UBND tỉnh hướng dẫn các nhà thầu thực hiện các thủ tục cấp phép đối với các mỏ đất theo hướng rút ngắn thời gian để đáp ứng nhu cầu dự án.
Tuy nhiên, theo Sở TN-MT, trong 7 mỏ chưa được cấp phép theo hồ sơ thiết kế hiện nay, mới chỉ có một đơn vị liên hệ với đơn vị để thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án trọng điểm quốc gia, do đó tỉnh cũng ưu tiên các giải pháp gỡ vướng đối nhu cầu vật liệu, nhất là nguồn đất đắp.
Tuy nhiên, do các nhà thầu không chủ động thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ đất nên Ban Quản lý dự án Thăng Long cần chỉ đạo các nhà thầu gấp rút thực hiện các thủ tục cấp phép để đảm bảo nguồn vật liệu của dự án. Để giải quyết nhu cầu trước mắt, tránh việc phải ngưng thi công do thiếu nguồn đất đắp, Đồng Nai sẽ giải quyết cho chủ đầu tư một số vị trí khai thác đất theo mục đích cải tạo đất nông nghiệp.
Trước đó, hồi đầu tháng 5, trong báo cáo gửi Bộ GTVT mới đây, Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, theo tính toán dự án này cần khoảng 5,4 triệu m3 vật liệu đất đắp nền đường.
Về tiến độ triển khai toàn dự án, trên toàn tuyến dài gần 100 km đang triển khai 62 mũi thi công. Tính chung từ đầu năm đến nay, dự án đã giải ngân hơn 1.256 tỷ đồng.
Về giải phóng mặt bằng, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã giải phóng mặt bằng được 98,1/99 km, đạt 99,1%. Theo đó, tỉnh Bình Thuận bàn giao toàn bộ 47,67 km, đạt 100%; tỉnh Đồng Nai bàn giao được 50,43/51,33 km, đạt 98,2%.
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, hiện còn gần 1 km mặt bằng ở tỉnh Đồng Nai chưa được giải phóng mặt bằng nằm rải rác ở gói thầu XL03 và gói thầu XL04 theo cam kết của chính quyền địa phương sẽ được bàn giao trong thời gian sớm nhất để tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công.