Tỉ phú giàu nhất New York mua sự im lặng của cựu nhân viên thế nào?

Mỗi năm, công ty của Mike Bloomberg trả tiền cho hàng trăm cựu nhân viên để họ không bêu xấu, gây bất lợi đến danh tiếng công ty.

Theo New York Times, mỗi năm, hàng trăm nhân viên rời khỏi Bloomberg LP - đế chế truyền thông của tỷ phú giàu nhất New York Michael Bloomberg - có một trong hai lựa chọn: hoặc là trắng tay rời khỏi công ty, hai là nhận một khoản tiền hào phóng và đồng ý không bao giờ nói xấu công ty.

Nhiều người đã chọn nhận tiền.

Kết quả là một số nhân viên tại công ty của tỉ phú Michael Bloomberg không bao giờ được tiết lộ những hành vi sai trái hay bắt nạt - nơi phụ nữ thường đối mặt với sự phân biệt đối xử, theo các cuộc phỏng vấn với một số nhân viên cũ của Bloomberg LP.

Thỏa thuận im lặng

Bloomberg không phải nơi duy nhất xảy ra tình trạng này. Tại các tập đoàn Mỹ, để nhận được các khoản thanh toán thôi việc, nhân viên xin nghỉ việc hoặc bị sa thải thường phải kí vào các thỏa thuận yêu cầu giữ im lặng (NDA).

Những thỏa thuận như vậy thường được dùng cho một loạt lí do, bao gồm bảo vệ tài sản trí tuệ, ngăn chặn nhân viên phỉ báng công ty và giúp doanh nghiệp dễ dàng giải quyết các khiếu nại về quấy rối hoặc phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, không giống như những công ty khác ở Mỹ, nhà sáng lập - chủ sở hữu của Bloomberg, hiện tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 có thỏa thuận riêng mua sự im lặng này. Vì vậy, những thỏa thuận không tiết lộ (NDA) của công ty Bloomberg - từ một thông lệ kinh doanh - giờ trở thành lỗ hổng chính trị trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Tỉ phú giàu nhất New York mua sự im lặng của cựu nhân viên thế nào? - Ảnh 1.

Tỉ phú Bloomberg quyết tâm hạ gục ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. (Ảnh: Getty Images).

Các đối thủ đảng Dân chủ cáo buộc tỉ phú Bloomberg dùng khối tài sản trị giá hàng tỉ USD để bịt miệng các nạn nhân bị lạm dụng và phân biệt đối xử.

Đáp lại những lời chỉ trích, ông Bloomberg tuyên bố chừng nào ông còn điều hành, công ty sẽ tạm ngừng sử dụng NDA đối với các nhân viên bị lăng mạ hoặc quấy rối tình dục.

“Tôi nhận thấy rằng các NDA, nhất là trong bối cảnh quấy rối hoặc tấn công tình dục, thúc đẩy văn hóa im lặng ở nơi làm việc và khiến phụ nữ cảm thấy không an toàn”, tỉ phú 78 tuổi tuyên bố.

Tuy nhiên, những thay đổi đó chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ đối với NDA ở Bloomberg. Hầu hết nhân viên kí tên không chịu hành vi ngược đãi nào cụ thể, các hợp đồng được thiết lập chủ yếu nhằm ngăn chặn nhân viên cũ nói xấu chủ cũ.

Không bêu xấu

“Bắt nạt và phân biệt đối xử là không thể dung thứ”, Natalie Harland, phát ngôn viên của Bloomberg, tuyên bố. Cô khẳng định công ty luôn đứng đầu trong các cuộc khảo sát về mức độ hài lòng của nhân viên.

“Ông Mike đã tạo ra một môi trường làm việc, nơi phụ nữ có thể làm việc và thành công. Công ty có mức lương cạnh tranh, nhiều lợi ích và cơ hội thăng tiến”, cô nói thêm.

Công ty của tỉ phú Bloomberg kiếm tiền từ việc bán hệ thống dữ liệu tài chính độc quyền cho các công ty Phố Wall và nhiều công ty lớn khác.

Mỗi người mua sẽ phải kí một thỏa thuận bảo mật, yêu cầu không chia sẻ các bí mật thương mại và không thuê lại nhân viên của Bloomberg sau khi họ rời đi, thường là trong vòng 3 năm.

Các nhân viên bị sa thải hoặc từ chức thường bị buộc kí hợp đồng không nói xấu công ty. Những thỏa thuận này thậm chí còn cấm nhân viên thừa nhận sự tồn tại của thỏa thuận, theo Times.

Tỉ phú giàu nhất New York mua sự im lặng của cựu nhân viên thế nào? - Ảnh 2.

Các NDA giờ chống lại nhà sáng lập Bloomberg trên đường đua chính trị. (Ảnh: New York Times).

Một số người quản lí tại Bloomberg cho rằng nghỉ ốm hay nghỉ thai sản là hành động “ăn cắp” của công ty, theo lời các nhân viên cũ nói với Times.

Andreea Orent, một nhân viên cũ của Bloomberg, cho biết cô từng bị phạt do đi làm muộn vài phút. Cô này cũng đang kiện công ty vì phân biệt đối xử.

Ở chiều ngược lại, cô Harland, phát ngôn viên của Bloomberg, khẳng định công ty không sa thải Orent dù cô này thường xuyên đến muộn và bỏ lỡ những cuộc họp quan trọng.

Xúc phạm phụ nữ

Theo một cuộc phỏng vấn với một cựu nhân viên và các vụ kiện chống lại Bloomberg vào năm 2016 và 2018, nhân viên nam tại đây thường bàn tán về sự nóng bỏng của đồng nghiệp nữ.

Nhân viên nữ cũng được khuyến khích mặc váy ngắn và mang giày cao gót.

Tuy nhiên, bà Harland khẳng định công ty không tìm thấy bằng chứng về việc nhân viên nam đánh giá phụ nữ dựa trên sức hấp dẫn, cũng không có quy định về trang phục tồn tại ở Bloomberg.

Theo bà, khi công ty phát hiện ra một trường hợp nhân viên nam có những bình luận không phù hợp về phụ nữ, Bloomberg đã sa thải các nhân viên có liên quan.

Nhưng trên thực tế, chính tỉ phú Bloomberg đã từng đưa ra những bình luận xúc phạm phụ nữ, thậm chí ngay chính tại công ty ông.

Trong một cuộc họp kinh doanh năm 1999, ông nói rằng nếu để phụ nữ có con được sắp xếp thời gian linh hoạt, ông sẽ phải cho đàn ông nghỉ làm để chơi golf, theo một nhân viên.

“Nếu phụ nữ muốn được đánh giá cao về bộ não của họ, hãy đến thư viện thay vì đến Bloomingdale’s (một chuỗi cửa hàng bách hóa ở Mỹ)”, một cuốn sách của cựu giám đốc tiếp thị tại công ty dẫn lời tỉ phú Bloomberg.

Theo bà Harland, ông Bloomberg “công khai thừa nhận rằng không phải lúc nào lời nói của ông cũng phù hợp với giá trị của ông và cách ông dẫn dắt cuộc đời mình, một số điều ông nói là thiếu tôn trọng và sai trái”.

Sự im lặng trị giá 70.000 USD

Theo một số nhân viên, luật sư và các đồng nghiệp khuyên rằng họ nên chấp nhận khoản tiền thay vì chiến đấu lâu dài với một công ty có nguồn lực tài chính gần như vô hạn.

Theo một nữ nhân viên, cô đã kí vào NDA sau khi cáo buộc Bloomberg sa thải mình vì phàn nàn rằng cô không được thăng chức sau kì nghỉ thai sản.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Bloomberg cho biết nữ nhân viên trên bị mất việc do tái cấu trúc.

Ở một trường hợp khác, một quản lí bán hàng da đen phàn nàn vì được trả ít hơn các đồng nghiệp da trắng, sau đó bị sa thải do phàn nàn về bộ phận nhân sự.

Laurie Hays, cựu biên tập viên hàng đầu của Bloomberg News, đã bị ông Bloomberg sa thải vào 5 năm trước, trong một căn phòng có tường bằng kính. Nhiều nhân viên coi đó là hành động cố ý làm nhục. Cô này cũng đã kí vào NDA.

Giờ, cô Hays cho biết cô yêu thích từng phút được làm việc tại Bloomberg và khẳng định ông chủ cũ không có ý định làm nhục mình.

Tỉ phú giàu nhất New York mua sự im lặng của cựu nhân viên thế nào? - Ảnh 3.

Trụ sở chính của Bloomberg LP. (Ảnh: New York Times).

Một nhân viên tiếp thị khác tiết lộ nếu không kí vào NDA, cô sẽ phải trả Bloomberg hàng nghìn USD mà họ đã bỏ ra để tài trợ thẻ xanh.

Trong một trường hợp khác, Bloomberg yêu cầu Leta Hong Fincher - vợ của một cựu phóng viên Bloomberg - kí vào NDA.

Công ty đe dọa sẽ kiện và buộc cô phải trả hàng chục nghìn USD mà họ đã bỏ ra để đưa cặp vợ chồng từ Bắc Kinh đến Hong Kong.

Bà Fincher không kí vào hợp đồng, Bloomberg cũng không kiện họ.

Laurie Evans làm nhân viên bán hàng tại tạp chí Businessweek của Bloomberg. Năm 2016, cô phải nhập viện sau khi trải qua cơn khủng hoảng ở nơi làm việc. Một nhân viên nhân sự đã gọi điện để sa thải cô ngay trong thời gian Evans nằm viện. Họ yêu cầu cô kí vào NDA.

Evans kí vào NDA, đổi lại, cô nhận được một phần tiền lương cùng với 70.000 USD tiền mặt. Theo thỏa thuận, cô không bao giờ được chê bai hay nói bất cứ điều gì gây bất lợi cho danh tiếng của Bloomberg.

Sau đó, Evans đã đệ đơn kiện vì bị ép kí thỏa thuận vào thời điểm gặp vấn đề về tâm lí. Vụ kiện đang chờ xử lí.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.