Tiền Giang đạt hơn 75% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Tỉnh Tiền Giang phấn đấu năm 2022 giải ngân 100% vốn đầu tư công, tạo đà hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Thi công cống Hai Tân (xã Tam Bình, Cai Lậy). (Ảnh: TTXVN).

Năm 2022, Tiền Giang huy động gần 3.941 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, bố trí cho 328 công trình cấp tỉnh quản lý gồm 255 công trình chuyển tiếp và 73 công trình khởi công mới trên các ngành, lĩnh vực chưa kể các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, trong 9 tháng qua, tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt 75,1% kế hoạch và tăng 29,5% so cùng kỳ năm trước, nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Đồng thời, lĩnh vực đầu tư phát triển tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả.

Thống kê cho thấy, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 3.351 tỷ đồng, đạt 86,5% kế hoạch, tăng 48,7% so cùng kỳ năm 2021.

Trong số đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 2.605 tỷ đồng, tăng 51,6% cùng kỳ, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 515 tỷ đồng, tăng 31% cùng kỳ. Riêng giá trị sản xuất ngành xây dựng thực hiện 8.093 tỷ đồng, tăng 9,72% cùng kỳ năm 2021.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông chia sẻ từ cuối năm 2021, địa phương giao ngay kế hoạch vốn năm 2022 cho các chủ đầu tư, ưu tiên các công trình chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022; các công trình trọng điểm có tính chất lan tỏa gắn với các khâu đột phá giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đầu tư có chất lượng, đảm bảo đúng trình tự, quy định pháp luật, có trọng tâm, không đầu tư dàn trải gắn với kiểm tra, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ kịp thời vướng mắc và giải ngân nhanh vốn đầu tư công.

Mặt khác, tỉnh chú trọng phân cấp, phân quyền cho các sở, ngành và địa phương trên lĩnh vực đầu tư công. Kinh nghiệm cho thấy, khi được phân cấp, phân quyền, các chủ đầu tư nâng cao vai trò, trách nhiệm; nâng cao trình độ đội ngũ tham mưu; tăng cường tập huấn, hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai hiệu quả.

Ngoài ra, Tiền Giang còn điều chuyển vốn hợp lý từ những công trình, dự án có khối lượng thấp sang các công trình, dự án có khối lượng cao, hoàn thành trong năm; tập trung giải phóng mặt bằng gắn với chuẩn bị đầu tư chu đáo, nhất là chuẩn bị đầu tư các công trình vốn ngân sách Trung ương khởi công mới.

Hơn nữa, địa phương yêu cầu các chủ đầu tư chọn đơn vị tư vấn có năng lực; quan tâm đấu thầu qua mạng; trong tổ chức thi công, các chủ đầu tư phải giám sát chặt chẽ, kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu.

Đặc biệt, các ngành và địa phương phân công lãnh đạo theo dõi tiến độ, lập kế hoạch giải ngân vừa kịp thời gỡ khó cho từng dự án. Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương chỉ đạo, điều hành, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án đơn vị mình; kịp thời rà soát và có giải pháp cụ thể khắc phục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước các cấp... đảm bảo nguồn vốn thanh toán cho các dự án; rút ngắn thời gian kiểm soát chi nhưng chặt chẽ, đúng quy định; phối hợp với chủ đầu tư xử lý ngay vướng mắc phát sinh; công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, kiểm tra gắn với chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí nguồn vốn.

Cống Rạch Gầm (xã Kim Sơn, Châu Thành) đã thi công đạt trên 40% khối lượng. (Ảnh: TTXVN).

Các tháng cuối năm 2022, tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án và giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ thi công; thủ tục thanh toán vốn đầu tư không được dồn vào cuối năm, phải khẩn trương hoàn tất hồ sơ các dự án đã hoàn thành, trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng thời gian nhằm giải ngân hết số vốn được duyệt.

Đặc biệt, phối hợp nhà đầu tư và các ban quản lý dự án trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn như dự án cầu Mỹ Thuận 2, Dự án mở rộng các cầu trên Quốc lộ 1, dự án cầu Rạch Miễu 2, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2).

UBND Tiền Giang cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn thực hiện các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn nhằm chủ động ứng phó hiệu quả, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân. Cùng đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, hướng dẫn địa phương quy trình, thủ tục đăng ký vốn ODA cho dự án cải thiện môi trường tại các đô thị trung tâm của ba vùng kinh tế - đô thị: TP Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy, đảm bảo vệ sinh môi trường, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân đô thị vừa phát triển bền vững.

Tiền Giang phấn đấu năm 2022 giải ngân 100% vốn đầu tư công nhằm sớm hoàn thành các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, tạo đà hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2023 sắp tới và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Hiện nay, nhiều công trình trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công trên các lĩnh vực hoàn thành đưa vào sử dụng tạo động lực phát huy các tiềm năng kinh tế - xã hội Tiền Giang, thúc đẩy liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười, liên kết vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy, Bệnh viện đa khoa 1.000 giường; các công trình hạ tầng giao thông-thủy lợi, giáo dục, các thiết chế văn hóa cho các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới hoàn thành trong thời gian qua góp phần thay đổi sâu sắc diện mạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn Tiền Giang.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn nhận xét, nhờ có vốn đầu tư công kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn theo chuẩn nông thôn mới, trong 9 tháng qua, Tiền Giang có thêm 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, ba xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Bình Phú (huyện Cai Lậy) được công nhận đạt tiêu chí thị trấn trung tâm huyện Cai Lậy.

Đáng lưu ý, việc ứng phó biến đổi, giảm nhẹ thiên tai cũng chủ động, hiệu quả. Năm 2022, tỉnh triển khai dự án đầu tư hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn I) có tổng vốn giao trên 148,3 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2022, ngành giải ngân đạt 96,78% vốn giao, chi trả đền bù cho 100% hộ dân bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng giữa năm 2023 tới.

UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá, trong 9 tháng năm 2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều phục hồi và tăng trưởng tốt. Nổi bật là thu hút thêm 13 dự án đẩu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.163,5 tỷ đồng, tăng 8 dự án và vốn đầu tư gấp 8,7 lần so với cùng kỳ năm 2021; thêm 695 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.078 tỷ đồng, vượt 3,7% chỉ tiêu cả năm về số doanh nghiệp và tăng 84% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu 2,95 tỷ USD, tăng 27,3% và tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dự kiến đạt 6,3% trở lên.

Kết quả trên phần lớn nhờ vốn đầu tư công giải ngân kịp thời, hiệu quả, cơ sở vật chất hạ tầng kiện toàn, lưu thông hàng hóa thuận lợi kết nối vùng tạo động lực phát triển.

Theo lãnh đạo tỉnh, từ lợi thế đắc địa về vị trí địa lý đồng thời với kinh nghiệm huy động các nguồn lực đầu tư, giải ngân nhanh, hiệu quả đồng vốn đầu tư công, địa phương đang kỳ vọng tạo cú hích đủ mạnh thúc đầy phát triển mạnh mẽ, vững chắc, mở ra tương lai phồn thịnh cho tỉnh hạ lưu sông Tiền năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.