Tiến sĩ luật: 'Sờ mông, ôm hôn là dâm ô'

Bất kỳ người nào hiểu tiếng Việt cũng gọi đó là hành vi dâm ô thì không lý gì nhà làm luật lại đưa ra một khái niệm hoàn toàn xa lạ và khác biệt so với nhận thức của dân chúng.

'Chậm xử lý vụ dâm ô bé gái trong thang máy càng làm dư luận bức xúc' Ông Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ lên tiếng mạnh mẽ, thậm chí ở diễn đàn Quốc hội, về sự việc bé gái bị ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô.

Để hiểu hơn về tội danh dâm ô trẻ em cũng như quy định của pháp luật hiện nay có đủ để buộc tội ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 (quận 4, TP.HCM) hay không, Zing.vn đăng tải bài viết thể hiện quan điểm của Tiến sĩ Vũ Thị Thúy - giảng viên khoa Luật Hình sự, trường Đại học Luật TP.HCM.

Tội "dâm ô đối với trẻ em" trong luật trước đây ra sao?

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985 chưa quy định tội Dâm ô trẻ em. Đến ngày 10/5/1997, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 1985, tập trung sửa đổi, bổ sung ba nhóm tội, trong đó bổ sung Điều 202b (tội Dâm ô đối với trẻ em).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất BLHS năm 1985, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 01/01/1998, trong đó giải thích: "Hành vi dâm ô đối với trẻ em quy định tại Điều 202b là hành vi của người phạm tội, như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em".

 Những bộ phận kích thích tình dục của con người nói chung và trẻ em nói riêng bao gồm: môi, vùng ngực, vùng mông và vùng giữa hai đùi…

BLHS năm 1999 sau đó về cơ bản vẫn giữ nguyên quy định của tội Dâm ô đối với trẻ em (Điều 116) so với BLHS năm 1985.

Thực tiễn áp dụng BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1997) và BLHS năm 1999 cho thấy phần lớn các vụ án xử về tội Dâm ô trẻ em thuộc trường hợp người phạm tội có “hành vi quan hệ tình dục khác” như quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn với trẻ em trai hoặc gái; dùng ngón tay xâm nhập vào cơ quan sinh dục của bé gái.

Thậm chí có trường hợp, do không có đủ chứng cứ để xử lý về tội Hiếp dâm hoặc Cưỡng dâm trẻ em (như không tìm thấy tế bào nam trong cơ quan sinh dục bé gái, nạn nhân bị tổn thương cơ quan sinh dục, người phạm tội khai dùng tay xâm nhập vào âm đạo bé gái…) nên xử lý về tội Dâm ô trẻ em.

Tội "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" trong luật hiện hành

Để khắc phục tình trạng bất hợp lý trên, BLHS năm 2015 quy định tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146). Hành vi dâm ô đối với "trẻ em" hay "người dưới 16 tuổi" trong các bộ luật này không khác nhau về đối tượng áp dụng (bản chất nạn nhân vẫn là người chưa đủ 16 tuổi), nhưng nội hàm của hành vi dâm ô đối với trẻ em trong BLHS năm 2015 hẹp hơn so với BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1997) và BLHS năm 1999.

Bởi vì, BLHS năm 2015 đã mở rộng hành vi khách quan của các tội Hiếp dâm, Cưỡng dâm (các điều 141-144) bằng cách quy định ngoài hành vi "giao cấu" còn có thêm "hành vi quan hệ tình dục khác" với nạn nhân và bổ sung thêm tội Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145).

Như vậy, trong số các hành vi khách quan của tội Dâm ô đối với trẻ em theo quy định của BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã chuyển nhóm “hành vi quan hệ tình dục khác” với trẻ em về các tội phạm tương ứng như: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Cưỡng dâm người đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145).

Do đó, hành vi khách quan của tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi trong BLHS năm 2015 không bao gồm “hành vi quan hệ tình dục khác”.

Tiến sĩ luật: Sờ mông, ôm hôn là dâm ô - Ảnh 2.

Bức ảnh thuộc một chiến dịch của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) với thông điệp: "Nếu bạn không chống lại nạn xâm hại trẻ em thì ai sẽ làm? Xin hãy góp sức!". Ảnh: UNICEF.

Hành vi dâm ô đối với dưới 16 tuổi trong BLHS hiện nay chỉ bao gồm các hành vi tác động lên những bộ phận, cơ quan nhạy cảm về tình dục trên cơ thể của người dưới 16 tuổi; hoặc buộc người dưới 16 tuổi tác động lên những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” với người dưới 16 tuổi.

"Sờ mông", "ôm hôn" có phải là dâm ô?

Sau hàng loạt các vụ việc như thầy giáo sờ mông nữ sinh, ông Nguyễn Hữu Linh ôm hôn bé gái trong thang máy…, cơ quan tiến hành tố tụng tỏ ra bối rối trong xử lý, có nhiều quan điểm khác nhau về mặt khoa học, dư luận bức xúc. Một lần nữa, nội hàm của hành vi khách quan của tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được đưa ra bàn luận sôi nổi.

Một số người viện dẫn TTLT số 01/1998, một số sách bình luận khoa học BLHS các năm 1985, năm 1999 và thực tiễn các vụ án bị xử lý về tội Dâm ô đối với trẻ em trước đây để kết luận hành vi "sờ mông" hoặc "hôn trẻ em" trái phép không phạm tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Do đó chỉ  có thể bị xử lý hành chính. Từ đây, có ý kiến cho rằng cần sửa đổi BLHS để có thể xử lý đối với hành vi này.

Tuy nhiên, nhiều người có quan điểm cho rằng bản chất của hành vi sờ mông trẻ em hoặc hôn trẻ em trái phép như những vụ việc vừa qua là hành vi dâm ô đối với trẻ em. Hành vi này thể hiện người phạm tội suy đồi nghiêm trọng về đạo đức, ảnh hưởng nặng nề đối với tâm sinh lý trẻ em, BLHS đã quy định là phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) nên người phạm tội phải bị xử lý hình sự.

Tôi cho rằng TTLT số 01/1998 hướng dẫn áp dụng Điều 202b (tội Dâm ô đối với trẻ em) trong BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1997). BLHS năm 1999 không sửa đổi dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm này so với BLHS năm 1985 nên có thể vận dụng hướng dẫn trên trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Tuy nhiên, như đã phân tích, nội hàm của hành vi dâm ô đối với trẻ em trong BLHS năm 2015 đã có sự thay đổi đáng kể so với hai BLHS trước đây nên không thể vận dụng hướng dẫn trong TTLT số 01/1998 để xử lý đối với hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi hiện nay.

Đồng thời, chúng ta cũng không thể tham khảo thực tiễn áp dụng tội Dâm ô đối với trẻ em theo BLHS năm 1985 và năm 1999 (chủ yếu xử lý người “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” về tội Dâm ô đối với trẻ em) để áp dụng cho tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi trong BLHS năm 2015. Bởi lẽ phần lớn các hành vi này hiện nay đã bị xử lý về các tội phạm tương ứng theo quy định tại Điều 142, Điều 144 hoặc Điều 145 BLHS.

Điều 2 BLHS quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Điều 146 BLHS quy định về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm.

Về kỹ thuật lập pháp, đây là tội phạm được nhà làm luật quy định dưới dạng “quy định giản đơn” (là loại quy định chỉ nêu tên hành vi phạm tội mà không mô tả, không định nghĩa về hành vi phạm tội đó). Loại quy định này thường được sử dụng cho những tội phạm mà khi nhắc đến hành vi phạm tội mọi người đều có thể xác định được cách thức thực hiện hành vi phạm tội đó (như tội giết người, trộm cắp tài sản…).

Tiến sĩ luật: Sờ mông, ôm hôn là dâm ô - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Khắc Thủy lĩnh án 2 năm tù về hành vi Dâm ô trẻ em các bé gái. Ảnh: N.A.

Đối với các hành vi như thầy giáo sờ mông nữ sinh, một người đàn ông lạ ôm hôn bé gái trong thang máy để thỏa mãn dục vọng đê hèn của con người, bất kỳ người nào hiểu tiếng Việt cũng gọi đó là hành vi dâm ô thì không lý gì nhà làm luật lại đưa ra một khái niệm hoàn toàn xa lạ và khác biệt so với nhận thức của dân chúng về “dâm ô”.


Như vậy, với quy định tại Điều 146, chúng ta đã có đủ căn cứ pháp lý để xử lý hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không cần sửa đổi BLHS năm 2015.

Tuy nhiên, để áp dụng pháp luật một cách thống nhất, tránh tranh luận không cần thiết, cơ quan tiến hành tố tụng nên ban hành một văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong đó định nghĩa rõ ràng và cụ thể về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 của BLHS năm 2015.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.