Tiết lộ chuyện đặc biệt từ bác sĩ trên 'chuyến bay Vũ Hán'

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó khoa cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới lần đầu tiên tiết lộ những câu chuyện đặc biệt xung quanh chuyến bay sang Vũ Hán đón người Việt Nam trở về do dịch Covid-19.
Tiết lộ chuyện đặc biệt từ bác sĩ trên 'chuyến bay Vũ Hán' - Ảnh 1.

Tiết lộ chuyện đặc biệt từ bác sĩ trên 'chuyến bay Vũ Hán' - Ảnh 2.

Clip toàn bộ cuộc trò chuyện của bác sĩ Trần Văn Bắc:

tiết lộ chuyện đặc biệt từ bác sĩ trên -chuyến bay vũ hán-

Nhà báo Hà Sơn: Khi được cử sang ổ dịch Corona ở Vũ Hán để đón đoàn Việt Nam về nước, tâm trạng của anh như thế nào?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Nhiều năm nay tôi làm ở khoa cấp cứu nằm trong đội xung kích của bệnh viện nên kể cả Tết hay ngày nghỉ cũng luôn sẵn sàng mọi công việc được giao. Năm nay tôi cũng làm đội trưởng của đội cấp cứu ngoại viện, đặc biệt khi có dịch Corona phải nhắc nhở anh em trong đội sẵn sàng tinh thần khi cần lên đường tương trợ. Chúng tôi có 3 đội cấp cứu ngoại viện có tình huống khẩn cấp lên đường là triệu tập trong vòng 30 phút đủ đội hình để sẵn sàng lên đường.

Tôi là đội trưởng luôn chuẩn bị sẵn các tình huống, các kịch bản, thâm chí tập huấn cho anh em những nguyên tắc xử lý, sẵn sàng vào việc cấp cứu ngoại viện. Đợt đi Vũ Hán vừa qua với tư cách là đội trưởng tôi nhận nhiệm vụ không cần biết khó khăn hay nguy hiểm như thế nào? Tôi có sự chuẩn bị về chuyên môn, tinh thần và các điều kiện cho anh em đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Nhà báo Hà Sơn: Anh làm nghề có việc là lên đường nhưng để vào nơi tâm dịch nếu người nhà biết sẽ lo lắng. Anh đã làm công việc tâm lý cho họ như thế nào?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Vợ là người đồng hành cùng tôi nhiều năm rồi nên cũng hiểu. Khi nhận được lệnh thời gian không có nhiều, cuộc điện thoại của tôi với vợ chỉ ngắn gọn thôi. Vợ có kể với tôi trước đó mọi người cùng cơ quan trêu: "Có thể chồng chị/em sẽ phải đi Vũ Hán đấy" nhưng khi tôi gọi điện báo sẽ đi thật vợ cũng giật mình. Tôi và vợ không có nhiều thời gian trao đổi vì tôi phải tập trung cho việc chuẩn bị vì cần chi tiết, đảm bảo các yếu tố về chuyên môn, về cơ sở vật chất thuốc men và các kịch bản có thể xảy ra tránh được những tình huống xấu xảy ra.

Tiết lộ chuyện đặc biệt từ bác sĩ trên 'chuyến bay Vũ Hán' - Ảnh 4.

Nhà báo Hà Sơn: Chuyến bay sang Vũ Hán dịch Corona lần này có gì đặc biệt thưa anh?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Tôi cùng các cộng sự được phân công bay sang Vũ Hán đón đoàn 30 người về Việt Nam. Công tác chuẩn bị chi tiết và đầy đủ nhưng từ lúc chuẩn bị đến khi lên máy bay cảm xúc rất dồn nén. Thời gian chuẩn bị khoảng 3 ngày lúc ấy tôi vẫn phải làm công tác chuyên môn thậm chí lịch trực và vẫn chuẩn bị các vật tư thuốc men, họp hành, nói chung thời gian để chia sẻ nói chuyện với ai đó ngoài chuyến đi này là không có. Tôi luôn suy nghĩ làm sao phải hoàn thành nhiệm vụ mà đảm bảo an toàn cho mình, cho đồng đội, đảm bảo yếu tố chuyên môn cho các công dân.

Nhà báo Hà Sơn: Chuyến bay đó có một phụ nữ mang thai ở những tuần cuối cùng và các phương án đã được vạch ra như thế nào nếu bà mẹ ấy chuyển dạ?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Bộ Y tế có sự chuẩn bị cho trường người phụ nữ có thể sinh khi đang bay nên trong đoàn một bác sĩ phụ sản được cử đi theo. Quan trọng nhất là chuyên môn về sản khoa, nguy cơ chuyển dạ có thể xảy ra, thuận lợi có nhưng tai biến xảy ra sẽ ứng phó thế nào... Tôi với tư cách đội trưởng y tế chuyến bay đã tính toán phân công các việc cho từng người.

Ví dụ ai đỡ đẻ, nhỡ mất máu, suy hô hấp hay những vấn đề khác giả định xảy ra phải sẵn sàng với việc ứng phó. Ngay cả việc sẽ để bệnh nhân đẻ ở đâu, tiến hành như thế nào, làm sao giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Tôi luôn xác định có thể trường hợp tất cả các công dân ấy đều có nguy cơ bị nhiễm Corona. Sự chuẩn bị các tình huống là không thừa và cần thiết với đội ngũ bác sĩ của chúng tôi. Nhưng may mắn là cô gái mang bầu đó vẫn bình thường, an toàn cùng mọi người trong suốt chuyến bay.

Nhà báo Hà Sơn: Anh và tổ bác sĩ sau chuyến bay đó được cách li ở Bệnh viện Nhiệt đới hai tuần. Không được làm việc, không được về nhà mặc dù nhàn đấy nhưng một chút lo lắng về tinh thần liệu có xuất hiện trong anh?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Khi chuẩn bị đi chúng tôi cũng xác định trở về sẽ phải cách li mặc dù về chuyên môn đã chuẩn bị rất kỹ càng, trang bị bảo hộ đầy đủ thậm chí quá trình thực hành các tình huống giả định cũng đã triển khai. Rõ ràng có sự chuẩn bị trước nhưng vẫn quen tác phong hàng ngày nhiều công việc nên bỗng dưng không phải làm gì cũng là thử thách xem bản thân thích nghi thế nào trong hai tuần như thế.

Tiết lộ chuyện đặc biệt từ bác sĩ trên 'chuyến bay Vũ Hán' - Ảnh 5.

Nhà báo Hà Sơn: Tôi tò mò muốn biết hai tuần cách li anh đã làm những gì?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Dự định trước của tôi là sẽ đọc báo, đọc sách - những quyển sách thích đọc mà chưa hoàn thành hoặc cao hơn nữa là nghiên cứu một cái gì đó vì nghiên cứu khoa học có nhiều kiểu lắm, có thể viết lách gì đấy cho mình. Nhưng thực tế thời gian ở trong đấy cũng rất dài, điều kiện cách li không thể tiếp xúc với mọi người nên tôi đọc các tài liệu khoa học đặc biệt về dịch Corona cùng nhiều tin tức mới.

Ban đầu tôi nghĩ sẽ đọc được rất nhiều sách nhưng cũng chỉ được một phần. Điều quan trọng tôi thấy được thời gian đó cũng có giá trị để nghỉ ngơi sau một giai đoạn căng thẳng. Bên cạnh đó có thời gian chia sẻ với những người thân, anh em, bạn bè, những người mà trước đấy có thể bận rộn không có thời gian liên lạc. Có những cuộc điện thoại khá dài hay có lúc tôi cũng xem phim.

Nhà báo Hà Sơn: Trong hai tuần đó anh phải xét nghiệm bao lần?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho cả đoàn công dân trên chuyến bay từ Vũ Hán về nước, bệnh viện xét nghiệm 2 lần. Bạn tưởng tượng mình mới đi về không thể nào bị bệnh ngay được, nó phải có khoảng thời gian để kiểm tra xem có vấn đề gì không nhưng sau 2 tuần mọi người đều không có triệu chứng gì. Việc kiểm tra hoàn toàn đảm bảo an toàn cho nhân viên, lúc đấy tôi quan niệm mình như bệnh nhân thôi, đồng nghiệp bảo sao làm như thế. Thực lòng tôi rất cảm ơn sự chăm sóc của đồng nghiệp trong thời gian ở cách li.

Nhà báo Hà Sơn: Anh Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới khi trò chuyện với tôi có bày tỏ rằng khi cử anh và một y tá nữa bay sang Vũ Hán đón người Việt Nam về bản thân anh ấy nghĩ chỉ muốn rơi nước mắt vì không biết nhân viên sang đó hoàn thành công việc thế nào, liệu rủi ro có đến hay không. Tôi hiểu không chỉ anh mà người thân, thậm chí là sếp cũng có nhiều nỗi lo cho chuyến bay đặc biệt này. Trở về dù được bằng khen của ban lãnh đạo Giám đốc bệnh viện, bằng khen của Bộ Y tế nhưng giây phút này khi trò chuyện với tôi, nghĩ lại về chuyến đi vừa qua trong anh có cảm xúc gì?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Ban giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới coi đây là một nhiệm vụ quan trọng nên về chuyên môn tất cả những gì tôi đề xuất, yêu cầu trong thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất đều được hỗ trợ rất tích cực. Các đồng nghiệp cũng tư vấn hỗ trợ về các kịch bản, thuốc men. Còn về phía tình cảm tôi cũng ghi nhận như chị nói từ anh giám đốc đến phó giám đốc đều có những lời động viên, lo lắng và thể hiện rất rõ khi bọn tôi chuẩn bị lên đường và điều đó cũng tiếp thêm sức mạnh cho anh em để mà yên tâm hơn.

Nhà báo Hà Sơn: Anh với tư cách một bác sĩ phòng cấp cứu chắc hẳn sẽ bận rộn và nhiều ca bệnh nguy hiểm và khẩn cấp. Nhìn lại chặng đường làm nghề có ca nào khiến anh "cân não'' hay đáng nhớ?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Mọi người có thể hiểu khi đã vào cấp cứu là khẩn cấp, sự sống và cái chết rất mong manh. Bác sĩ cấp cứu có một đặc thù là tính khẩn trương đòi hỏi những kỹ năng chuyên biệt còn trong ngành y chuyên môn không khác biệt nhau giữa các chuyên ngành từ nội khoa cho đến ngoại khoa. Nhưng tụm chung lại người bác sĩ đều đòi hỏi yếu tố khoa học, nhân văn cao nhất, phải tuân thủ những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Tiết lộ chuyện đặc biệt từ bác sĩ trên 'chuyến bay Vũ Hán' - Ảnh 6.

Cấp cứu đặc thù người ngoài nhìn rõ hơn tính cấp thiết ví dụ người nhà mà vào viện luôn nghĩ rất nguy hiểm, còn với chúng tôi phản ứng được tôi luyện trong quá trình thực hành nghề nghiệp và khi có trường hợp phản xạ của người bác sĩ cũng phải tôi luyện để nó hình thành sẵn sàng đáp ứng với bệnh nhân ngay vì tình huống gay go luôn diễn ra. Từ ngày sinh viên tôi tham gia cấp cứu thậm chí chứng kiến những ca tử vong nên luyện lên ý chí bản lĩnh.

Bệnh nhân đã vào cấp cứu tinh thần bác sĩ luôn là cao nhất, sự căng thẳng đôi khi tột độ nhưng nó không phải để làm cho mình chùn bước hay sợ sệt mà tập trung cao nhất để đưa ra một quyết định trong thời gian ngắn nhất cứu giúp người bệnh. Bởi vào ca trực chúng tôi có khi hết cấp cứu ca này lại nảy sinh vấn đề cấp cứu khác.

Nói về kỷ niệm thực tế tôi đã gặp quá nhiều các bệnh nhân nặng, có những bệnh nhân chúng tôi cấp cứu thành công, đấy là niềm vui. Nhưng cũng có những bệnh nhân đổ nhiều rất nhiều công sức ra, tiền của, nước mắt của gia đình nhưng kết quả không như ý muốn hoặc có thể họ ra viện để lại di chứng, hậu quả của bệnh nặng nề, những "vết sẹo" ấy đôi khi ám ảnh tôi.

Nhà báo Hà Sơn: Nghề y cứu chữa bệnh cho nhiều người nhưng áp lực và nguy hiểm là điều hiện hữu. Các bệnh nhân thường rất biết ơn bác sĩ đã chữa bệnh cho họ nhưng đâu đó vẫn có những sự việc bác sĩ bị người nhà đánh, xúc phạm. Trong mắt anh, nghề y như thế nào?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Vâng nguy hiểm rõ ràng chúng ta có thể thấy. Nhưng thực ra nghề nào cũng nguy hiểm. Chúng ta biết đợt này bên Trung Quốc cụ thể ở Vũ Hán có đến hàng nghìn bác sĩ, thậm chí nhiều người đã tử vong vì chính căn bệnh Corona. Như vậy nghề y luôn phải nêu tinh thần cao nhất. Bác sĩ cũng có vợ con, có gia đình, đương nhiên, nguy hiểm người ta có thể hiểu được. 

Nhưng tôn chỉ nghề nghiệp, y đức nghề nghiệp và người lãnh đạo làm gương cho nhân viên, các bác sĩ làm gương cho tất cả điều dưỡng, y tá, những người chăm sóc, thậm chí những người làm công tác vệ sinh. Nếu như bác sĩ không xông pha vào nơi nguy hiểm nhất liệu người dọn dẹp vệ sinh, người bảo vệ có hoàn thành công việc của mình không bởi họ cũng là người dân, đâu có làm ngành y cũng lo sợ chứ...

Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, sự nguy hiểm, khó khăn đối với nghề nghiệp nào cũng có. Tùy nghề nghiệp họ nhận thức về điều đó rõ nhất. Chúng ta ai cũng cố gắng làm tốt nhất công việc của mình. Ví dụ vị giám đốc hay bác sĩ bên Vũ Hán có thể trực tiếp ở nơi đầu sóng ngọn gió kéo cả một con tàu đi và hậu quả không may mắn có thể xảy ra cũng là một điều đáng tiếc nhưng lựa chọn của họ có lẽ vẫn luôn là như thế, không thay đổi.

Tiết lộ chuyện đặc biệt từ bác sĩ trên 'chuyến bay Vũ Hán' - Ảnh 7.

Nhà báo Hà Sơn: Anh có quãng thời gian sang Pháp tu nghiệp, khi tiếp xúc với những chuyên gia nước ngoài họ đánh giá, nhìn nhận các bác sĩ ở Việt Nam như thế nào? Từ phía anh học gì từ họ về chuyên môn, về cách ứng xử với bệnh nhân cũng như cách thích ứng với công việc nhiều áp lực như nghề y?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Nước ngoài thực hành công việc khác với mình, điều kiện đương nhiên khác rồi. Bên đấy hệ thống y tế được tổ chức rất tốt, từ dự phòng cho đến hệ thống điều trị. Bệnh viện của họ luôn có thể đảm bảo yêu cầu về mặt chăm sóc y tế đúng theo tiêu chuẩn. Còn nếu như mang tiêu chuẩn đó áp dụng với Việt Nam mình không thể đủ nguồn lực chưa kể có khả năng chi trả hay không? Đấy cũng là vấn đề. Chúng ta cần học họ tính chuyên nghiệp và khoa học hơn nữa trong công việc từ họ. Kể cả sự hợp tác của các chuyên ngành ở trong bệnh viện giữa các đồng nghiệp với nhau cũng là điều chúng ta có thể học hỏi được.

Nhà báo Hà Sơn: Với nghề y anh có khát khao chinh phục nào?

Bác sĩ Trần Văn Bắc: Tôi nghĩ bất cứ bác sĩ nào đó cũng mơ ước một ngày nào đó ngành y của chúng ta có thể theo kịp những nên y tế tiên tiến trên thế giới. Sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực của mỗi cá nhân chúng ta khắc phục để có thể ứng dụng. Thực tế có nhiều con người trong ngành y đã tham gia đóng góp ở các bệnh viện nước ngoài hay là Việt Nam cũng có những đóng góp cho nền y học thế giới nhưng tôi muốn nói đến một nền y tế đồng đều, từ điều trị cho đến đào tạo con người, đào tạo nhân lực cũng rất quan trọng.

Sơn Hà - Huy Phúc - Đức Yên - Xuân Quý

Ảnh: Lê Anh Dũng

Thiết Kế: Tú Uyên