Huế là thành phố rất riêng, là đô thị văn hóa, thành phố festival, thành phố di sản của thế giới, thành phố xanh.
Nơi đây từng là kinh đô của đất nước, với con người hiền hòa, di sản văn hóa đặc sắc, thiên nhiên thơ mộng... Huế phải vươn lên, giữ chân người trẻ, thu hút chất xám tụ về, kinh tế phát triển thật sự, vì thế cần có sự đột phá.
Mở rộng thế nào, nguồn lực từ đâu và diện mạo Huế sau khi mở rộng là điều phải tính hết trong đề án mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng. Nếu không, sẽ vô cùng tiếc nuối cho Huế khi cái mới chưa hình thành, còn cái cổ đã mất đi. Vậy đột phá ở Huế nên là gì?
Nha Trang khi tạo ra trục đường ven biển với Cam Ranh đã thu hút hàng trăm resort, khách sạn, kéo theo lượng du khách khổng lồ, nâng cao cuộc sống người dân.
Đà Nẵng bằng con đường vàng ven biển kết nối với Hội An đã đưa kinh tế hai thành phố này phát triển nhanh chóng, người dân trụ lại sinh sống, bảo tồn và phát triển bổ sung cho nhau.
Thực tế cho thấy phát triển thêm nhiều đô thị nhưng không có việc làm, đô thị chỉ để ở sớm muộn cũng lụi tàn và mất sức sống.
Do vậy, các đô thị vệ tinh cần xây dựng tiêu chí mục đích để tạo tiền đề thu hút các công ty không ô nhiễm, công ty sáng tạo, công ty công nghệ đến làm ăn, qua đó giữ chân người dân ở lại.
Nhìn ra thế giới, các đô thị mới mang lại hiệu quả như đô thị Tama Newtown của Tokyo (Nhật Bản), Plaza Vista của California (Mỹ).
Hay đô thị vệ tinh chuyên sản xuất đèn trang trí, đô thị ceramic chuyên sản xuất gạch ceramic, đô thị gỗ mĩ nghệ, đô thị sáng tạo tranh tượng của Quảng Châu (Trung Quốc).
Tokyo có những đô thị mang tiêu đề "phát triển thành phố thông qua sự hợp tác hòa hợp giữa xã hội và người dân", từ đó tạo ra các đô thị vệ tinh như Shibuya với "thành phố sang trọng truyền tải thông điệp cuộc sống" dành cho người lao động sáng tạo phần mềm; đô thị vệ tinh Ueno-Asakusa là thành phố du lịch và văn hóa, được xem là "thành phố giàu văn hóa, nuôi dưỡng nghệ thuật và truyền thống"...
Nhân cơ hội qui hoạch mở rộng lần này, Huế thật sự cần thay đổi cách làm, hãy là thành phố không khói xe đầu tiên trong cả nước.
Nhìn qua nước bạn, Kyoto (Nhật Bản) với thành phố đi bộ, xe đạp. Bakolod (Philippines) biến xe jeep thành xe buýt nhỏ mang tên Jeepney, vắng bóng xe cá nhân. Hay Amsterdam (Hà Lan), thủ đô xe đạp của châu Âu.
Reykjavik (Iceland) nói không với nhiên liệu hóa thạch. Hay lấy sông nước làm giao thông như thành phố Cape Coral (Florida, Mỹ) có 640km đường thủy, làng Giethroorn (Hà Lan) di chuyển bằng thuyền không tiếng ồn...
Vậy thì nói không với ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn cũng phải là đột phá trong bản đồ án qui hoạch mở rộng Huế lần này để hướng đến mạng giao thông thủy, bộ, trên không hài hòa, bến bãi.
Ưu tiên hàng đầu về một thành phố di sản bền vững, thành phố đi bộ 10 phút đến các phương tiện công cộng, thành phố cây xanh, thành phố không ô nhiễm và là thành phố sáng tạo đầu tiên của cả nước.
Thiếu đột phá, Huế dù có được mở rộng, có phát triển nhưng khó tạo ra cái mới để song hành với những gì đang có.