Các cơ quan tình báo Mỹ nhận định Triều Tiên vẫn đang tăng cường sản xuất nhiên liệu vũ khí hạt nhân ở nhiều cơ sở bí mật trong nhiều tháng qua.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đang cố che đậy các cơ sở này khi có các nhượng bộ khi đàm phán hạt nhân với chính phủ Trump.
Đây là thông tin hơn chục quan chức chính phủ Mỹ - đề nghị không nêu tên - biết về các đánh giá tình báo nói với NBC News.
Năm quan chức Mỹ dẫn đánh giá tình báo mới nhất cho biết những tháng gần đây, dù từng bước gắn kết ngoại giao với Mỹ nhưng Triều Tiên vẫn tiếp tục gia tăng sản xuất uranium làm giàu cho vũ khí hạt nhân.
Từ lâu Mỹ cũng đã biết Triều Tiên có ít nhất một cơ sở làm giàu nhiên liệu hạt nhân không công khai, bên cạnh Yongbyon - cơ sở hạt nhân chính của nước này.
Theo các nguồn tin quan chức Mỹ thì trong những năm gần đây, các cơ quan tình báo Mỹ đã tăng cường thu thập thông tin về Triều Tiên - mục tiêu do thám khó nhất thế giới và đã có cái nhìn rõ hơn về Triều Tiên.
“Có rất nhiều chuyện chúng tôi biết Triều Tiên đã cố che đậy chúng ta trong một thời gian dài” - một quan chức nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi dạo trong sân khách sạn Capella (Singapore) sau bữa trưa ngày gặp thượng đỉnh 12/6. Ảnh: REUTERS |
NBC News đồng ý giữ lại một số chi tiết của đánh giá tình báo mới nhất mà theo các quan chức Mỹ thì nếu công khai có thể khiến họ gặp rủi ro.
Chuyên gia hạt nhân Joel Wit (Mỹ), người tham gia thương lượng thỏa thuận hạt nhân năm 1994 với Triều Tiên, nói Mỹ luôn cho rằng Triều Tiên có tới hai cơ sở làm giàu nhiên liệu hạt nhân: Yongbyon và một cơ sở khác. Mỹ biết về cơ sở thứ hai này nhưng không công khai tên.
“Người ta có thể nghĩ tới khả năng còn có thêm các cơ sở khác nữa” - theo ông Wit, người sáng lập trang web 38 North chuyên quan sát và đưa tin về Triều Tiên, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách chống các đe dọa an ninh toàn cầu Stimson (Mỹ).
Đánh giá tình báo mới nhất cũng cho rằng Triều Tiên có nhiều hơn một cơ sở bí mật. Câu hỏi là liệu ông Kim có thừa nhận điều này.
“Đó là lý do tại sao mọi người muốn Triều Tiên công bố tất cả cơ sở của mình” - ông Wit nói.
Vài ngày trước, 38 North công bố một loạt hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục có nhiều hoạt động mở rộng tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Hình ảnh vệ tinh trên trang web 38 North về hoạt động ở nhà máy làm giàu uranium Yongbyon của Triều Tiên. Ảnh: 38 NORTH |
Theo ông Bruce Klingner, cựu phân tích CIA và là chuyên gia Triều Tiên tại Quỹ Di sản (Mỹ), chuyên nghiên cứu chính sách: "Các hoạt động quan sát được có vẻ mâu thuẫn với ý định từ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên”.
Theo ông, “không nhiều lý do để tiếp tục kế hoạch mở rộng nếu Triều Tiên có ý định xóa bỏ chúng theo yêu cầu của thỏa thuận giải trừ hạt nhân”.
Nhà Trắng chưa phản hồi yêu cầu bình luận của NBC News về đánh giá của tình báo Mỹ, vốn trái với lời của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim ngày 12/6 rằng “không còn đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”.
Theo các quan chức Mỹ, các nhà phân tích tại Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các cơ quan tình báo khác của Mỹ không đồng ý nhận định của ông Trump.
Theo họ, Triều Tiên một mặt cố khai thác các nhượng bộ từ chính phủ Trump, một mặt vẫn không từ bỏ vũ khí hạt nhân được xem là cốt tử cho sự sống còn của mình.
Tuyên bố chung thượng đỉnh Mỹ-Triều thống nhất hai bên sẽ cùng đàm phán tiến tới giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên nhưng không có thời gian hay phương án, cách thức cụ thể.
Theo lệnh ông Trump, quân đội Mỹ đã hủy nhiều cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, một bước nhượng bộ lớn với ông Kim.
Triều Tiên từ tháng 9/2017 đến nay đã ngưng thử hạt nhân và tên lửa, nhưng theo lời một quan chức Mỹ dẫn đánh giá tình báo thì “không có chứng cứ cho thấy họ giảm kho dự trữ hạt nhân hay ngừng sản xuất”, rằng “có chứng cứ rõ ràng họ đang cố lừa Mỹ”.
“Họ sẽ lừa chúng ta về số cơ sở hạt nhân, về số lượng vũ khí, về số lượng tên lửa. Chúng tôi sẽ quan sát chặt” - một quan chức tình báo cấp cao Mỹ nói.
Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận việc ông Kim có quyết định ngưng các vụ thử tên lửa-hạt nhân là bất ngờ, và thực tế hai bên đối thoại với nhau là một bước đi tích cực.
Triều Tiên nêu điều kiện để ngừng 'ngó lơ' Nhật Bản
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 27/6 tuyên bố quốc gia này sẽ tiếp tục “ngó lơ” Nhật Bản trừ khi Tokyo chấp nhận ... |
Thời sự 02:59 | 18/09/2018
Thời sự 23:15 | 17/09/2018
Thời sự 08:05 | 10/09/2018
Thời sự 01:30 | 10/09/2018
Thời sự 13:23 | 09/09/2018
Thời sự 07:31 | 09/09/2018
Thời sự 05:52 | 09/09/2018
Thời sự 00:45 | 09/09/2018