Tình hình nguồn vốn cho dự án Long Tân của DIC Group trước thềm ĐHĐCĐ bất thường lần 2

Tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 (tổ chức ngày 12/10), DIC Group sẽ trình phương án điều chỉnh lần 2 đối với việc đầu tư dự án Long Tân (Đồng Nai, 332 ha) và chào bán cổ phiếu để rót vốn cho dự án.

Liên tục điều chỉnh mức đầu tư dự án Long Tân do biến động thị trường

Ngày 12/10, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group, mã chứng khoán: DIG) sẽ tổ chức kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 2 (với điều kiện tổ chức là có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020). 

Tại kỳ họp này, công ty dự kiến trình kế hoạch điều chỉnh dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị du lịch Long Tân (332 ha, Đồng Nai) với lý do nhiều biến động về thị trường cũng như định hướng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

 Phối cảnh dự án Long Tân (hay DIC Wisteria City Đồng Nai) tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai của DIC Group. (Nguồn: DIC Group).

Theo đó, công ty dự kiến tăng tổng mức đầu tư sau thuế của dự án này từ 12.628 tỷ đồng lên 15.712 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động (vay ngân hàng, phát hành trái phiếu) là 5.478 tỷ đồng, vốn tự có của doanh nghiệp và huy động hợp pháp khác là 9.541 tỷ đồng. 

Song, các giá trị này đã thu hẹp lại so với phương án điều chỉnh lần 1 (dự kiến trình tại ĐHĐCĐ bất thường lần 1) là tổng vốn đầu tư sau thuế 15.971 tỷ đồng, trong đó, 5.801 tỷ đồng từ vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và 10.169 tỷ đồng từ vốn tự có, huy động khác.

Mặc dù giảm tổng vốn đầu tư, DIC Group cho rằng tổng doanh thu và thu nhập sau thuế từ dự án này sẽ tăng lần lượt 4% và 9% so với phương án điều chỉnh lần 1, đạt 35.723 tỷ đồng và 14.566 tỷ đồng. 

Hiện, dự án Long Tân đã cơ bản thực hiện xong các pháp lý chuẩn bị đầu tư, dự kiến đầu năm 2023 sẽ được giao đất đợt 1 (khoảng 82,11 ha), đủ điều kiện khởi công đầu tư xây dựng. 

Lãnh đạo từng khẳng định có sẵn nguồn thu 10.000 tỷ đồng

Nói thêm về bài toán nguồn vốn cho dự án Long Tân, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi tháng 4 đầu năm nay, công ty cho biết kế hoạch đầu tư các dự án năm nay (bao gồm dự án Long Tân) là hơn 10.465 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn cũng khẳng định công ty đã có sẵn nguồn thu khoảng 10.000 tỷ đồng và không cần đi vay, không quan tâm đến việc siết cho vay bất động sản. 

Tại báo cáo tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển dự án, DIC Group cho biết vốn đầu tư dự kiến trong năm nay đối với dự án Long Tân là 2.025 tỷ đồng. Trong đó, nửa đầu năm nay, công ty đã dùng hơn 590 tỷ đồng (tương đương 29% kế hoạch) để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng, tư vấn, chi phí khác và còn gần 1.435 tỷ đồng phải thực hiện trong nửa cuối năm. 

Bên cạnh đó, theo tờ trình báo cáo tình hình sử dụng vốn dự kiến trình tại Đại hội tới, tính tới thời điểm báo cáo, công ty còn hơn 1.818 tỷ đồng từ hai lô trái phiếu phát hành năm 2021 chậm giải ngân cho dự án này. 

Liên tục điều chỉnh kế hoạch huy động sau khi Him Lam thoái vốn và nhận quyết định cưỡng chế thuế

Ngoài nguồn vốn sẵn có nói trên, DIC Group cũng lên phương án chào bán cổ phiếu để rót thêm vốn cho dự án Long Tân. 

Theo phương án mới (dự kiến trình tại Đại hội ngày 12/10), khối lượng chào bán tối đa 100 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp, thay vì kế hoạch ban đầu là 100 triệu cổ phiếu giá 30.000 đồng/cp và kế hoạch điều chỉnh lần 1 là 150 triệu cổ phiếu giá 20.000 đồng/cp (công bố vào cuối tháng 8 và dự kiến trình tại ĐHĐCĐ bất thường lần 1).

Số tiền huy động dự kiến cũng thay đổi, từ 3.000 tỷ đồng như hai kế hoạch cũ thành 1.500 tỷ đồng như kế hoạch hiện tại. 

Theo DIC Group, hai lần điều chỉnh này đều căn cứ trên tình hình biến động giá thị trường của cổ phiếu trong thời điểm hiện tại, để đảm bảo mục tiêu phát hành cổ phiếu được thành công.

 Biến động giá cổ phiếu DIG của DIC Group trong vòng một năm trở lại đây. (Nguồn: Tradingview). 

Trong bối cảnh giá cổ phiếu DIG liên tục đổ đèo, hai người con của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn, cũng là hai Phó Chủ tịch HĐQT DIC Group, ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đã đăng ký mua lần lượt 10 triệu cổ phiếu và 20 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu. 

Giao dịch của ông Cường dự kiến thực hiện trong giai đoạn 30/6 - 29/7, song đã hủy kế hoạch do không thu xếp kịp tài chính. Thời điểm ông Cường đăng ký giao dịch nói trên (ngày 22/6), thị giá DIG bất ngờ bật tăng trần sau khi “bốc hơi” gần 50% trong giai đoạn từ ngày 30/5 - 21/6. 

Còn giao dịch của bà Huyền dự kiến diễn ra từ ngày 7/10 - 4/11. Thời điểm đăng ký giao dịch của bà là sáng ngày 4/10, ngay sau khi cổ phiếu DIG nằm sàn tại thời điểm kết phiên ngày 3/10. 

Một tháng gần đây, cổ phiếu DIG của DIC Group liên tục chìm trong sắc đỏ, có lúc giảm sàn (ngày 3/10). Kết phiên ngày 10/10, mã DIG đang ở mức 26.500 đồng/cp, giảm 30% so với mức giá kết phiên ngày 31/8. 

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu DIG đã chứng kiến nhiều đợt giá lao dốc, tính đến ngày 7/10 đã giảm hơn 72% so với mức giá kết phiên ngày 31/12/2021 và giảm gần 78% so với thời điểm giá lập đỉnh lịch sử ngày 11/1/2022 (119.800 đồng/cp). 

Trong bối cảnh biến động giá cổ phiếu này, CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam, một đối tác của DIC Group tại các dự án Long Tân, Bắc Vũng Tàu và từng là cổ đông lớn trong giai đoạn tháng 12/2020 - 4/2022, dần thoái vốn và không còn là cổ đông lớn từ cuối tháng 4/2022.  

Trước đó, từ giữa tháng 8/2021, Him Lam đã bắt đầu bán cổ phiếu DIG với tổng cộng 13 đợt. Tạm tính theo mức giá kết phiên tại ngày cuối cùng thực hiện giao dịch của từng đợt, Him Lam đã thu về tổng cộng khoảng 4.144 tỷ đồng và lãi tối thiểu gần 2.700 tỷ đồng từ thương vụ đầu tư tài chính vào DIC Group. 

Tới đây, Him Lam thể hiện vai trò nhà đầu tư tài chính hơn là cùng DIC Group phát triển các dự án Long Tân, Bắc Vũng Tàu như lãnh đạo DIC Group từng chia sẻ khi nói về việc trở thành cổ đông lớn của Him Lam. 

Bên cạnh việc giá cổ phiếu DIG lao dốc, cuối tháng 6, Chi cục thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo cũng có quyết định cưỡng chế nộp thuế hơn 30,6 tỷ đồng đối với DIC Group thông qua trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản của công ty tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng. 

Theo DIC Group, lùm xùm thuế này diễn ra tại khu đất 26.345,6 m2 bãi tắm Thùy Vân trước đây do CTCP Du lịch và Thương mại DIC (DIC T&T) quản lý sử dụng. Công ty cũng cho biết đã đề nghị cơ quan này thu hồi/hủy bỏ quyết định cưỡng chế thuế và cam kết sau khi xác định lại tiền thuê đất, đối chiếu tiền thuê đất còn phải nộp, tiền phạt chậm nộp sẽ nộp tiền vào ngân sách Nhà nước theo quy định. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.