“Làm sai để cứu lấy ngân hàng...”
Phiên tòa sáng 23/1 được mở đầu bằng bài bào chữa của luật sư Giang Hồng Thanh (luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai). Trình bày tại tòa, luật sư Giang cho rằng, bị cáo Phan Thanh Mai chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của Phạm Công Danh. Và cũng không được hưởng lợi.
Bị cáo Phan Thành Mai tại tòa. Ảnh: Ngọc Hoa |
Bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai, luật sư Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng cho rằng, tại phiên tòa bị cáo Mai đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Mai cũng đã hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi nên đề nghị HĐXX xem xét nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến phạm tội của bị cáo. Ngoài ra, đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Mai.
Tham gia quyền tự bào chữa tại tòa, bị cáo Phan Thành Mai cho rằng, bị cáo luôn có trách nhiệm với ngân hàng xây dựng, mong HĐXX xem xét thu hồi thiệt hại để khắc phục hậu quả để ngân hàng xây dựng có cơ hội mới phát triển. Về số liệu tài chính tại VNCB, bị cáo Mai mong HĐXX xem xét lại vì có nhiều điểm không hợp lý.
Bên cạnh đó, bị cáo Mai mong HĐXX xem xét tình tiết và hoàn cảnh của bị cáo.và cho các thành viên của các công ty khác, của các ngân hàng khác để được hưởng mức án nhẹ hơn.
Cũng tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo là thuộc cấp của Phạm Công Danh đồng loạt trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thân nhân tốt, hoàn cảnh gia đình khó khăn, là người làm công ăn lương,...và đưa ra một số quan điểm liên quan đến vụ án.
Luật sư Phan Đức Linh tham gia bào chữa cho bị cáo Mai Hữu Khương trình bày các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Khương. Luật sư Linh cũng có nguyện vọng xem xét đúng vai trò của thân chủ mình trong việc lấy tiền VNCB, cầm cố cho các khoản vay, giải ngân các khoản vay đều được các lãnh đạo ngân hàng thống nhất trước.
Về số tiền gửi bảo lãnh cho các khoản vay và hạch toán các khoản tiền gửi tại ngân hàng: bị cáo Khương không biết đến việc lấy tiền thế chấp, không biết tiền vay được điều chuyển thế nào. Bị cáo Khương chỉ có vai trò phụ thuộc, không xuyên suốt quá trình di chuyển của dòng tiền.
Trình bày trước tòa, bị cáo Khương nói về hoàn cảnh và nguyên nhân dẫn đến sai phạm. Theo Khương, khi ông Danh tiếp nhận ngân hàng Đại Tín thì đã phải lo chi trả nợ và các khoản chăm sóc khách hàng. Đồng thời, với yêu cầu của NHNN phải tăng vốn điều lệ từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng, ông Danh đã phải chịu rất nhiều áp lực.
“Trước giờ bị cáo làm ngân hàng chưa có một ngân hàng nào mà tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ, đó là một áp lực nên phải làm sai để cứu ngân hàng”, Khương giải trình.
Bị cáo Khương. Ảnh: Ngọc Hoa |
Luật sư bào chữa cho Phan Minh Tùng cho rằng, tại sao vụ án lại chia làm 2 giai đoạn khi cùng 1 hành vi, nên đề nghị HĐXX bóc tách thiệt hại bị cáo Tùng gây ra. Đồng thời, luật sư mong HĐXX xem xét thu hẹp lại đối với hành vi của bị cáo Tùng.
Luật sư bào chữa cho Nguyễn Quốc Viễn trình bày, theo cáo trạng tại trang 93, VKS cáo buộc bị cáo Viễn tham gia họp bàn, thống nhất làm hồ sơ vay vốn của các công ty tại các ngân hàng. Theo luật sư, cáo buộc này không hề có căn cứ. Luật sư cho biết, bị cáo Viễn mong muốn cho ngân hàng sớm tăng vốn điều lệ, vượt quá khó khăn, không có gì tư lợi. Mong HĐXX xem xét với vai trò này của bị cáo và thu hồi tiền tại 2 ngân hàng BIDV, Sacombank để bù đắp thiệt hại.
Theo luật sư bào chữa cho Hoàng Đình Quyết, vai trò của bị cáo Quyết trong các hành vi sai phạm thuộc phạm vi vụ án là rất mờ nhạt. Bị cáo Quyết chủ yếu làm theo chỉ đạo, chủ trương của cấp trên đã phê duyệt và không được hưởng lợi gì từ hành vi. Luật sư mong HĐXX đánh giá toàn diện, xem xét tuyên bị cáo Quyết mức án khoan hồng.
Tham gia quyền bào chữa trước tòa, các bị cáo Viễn, Quyết, Tùng đều mong HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt và đề nghị HĐXX thu hồi các dòng tiền được xem là bằng chứng vụ án tiền để bù đắp thiệt hại.
Nhóm “giám đốc giấy” đồng loạt xin giảm nhẹ hình phạt
Trong phiên tòa ngày 23/1, các luật sư bào chữa cho nhóm các nhóm “giám đốc giấy” mà Phạm Công Danh đã mượn pháp nhân làm hồ sơ vay vốn cho rằng, các bị cáo này cũng chỉ là nhân viên làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của cấp trên. Ngoài ra, trong vụ án, các bị cáo cũng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không hưởng lợi cá nhân, là những người từng có nhiều thành tích tốt trong xã hội, lao động chính của gia đình,.. nên mong HĐXX xem xét, giảm án thấp nhất có thể.
Thực hiện quyền bào chữa cho bị cáo Phạm Việt thép, luật sư Phạm Công Hùng trình bày, về hành vi của bị cáo Thép đã được kết luận là tuân theo chỉ đạo của cấp trên, vì miếng cơm manh áo nên đã thực hiện sai phạm. Bị cáo phải cân nhắc giữa công ăn việc làm với chỉ đạo của cấp trên. Vì vậy, mong HĐXX xem xét lại hoàn cảnh của bị cáo để tuyên đúng mức độ của bị cáo Thép.
Luật sư Nguyễn Đức Anh (bào chữa cho các bị cáo Lê Đài, Nguyễn Ngọc Thái, Lê Duy Lương, Nguyễn An Vinh) cho biết, các bị cáo là nhân viên Thiên Thanh, là bảo vệ, lái xe, làm theo yêu cầu của lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh để đứng tên công ty do Danh thành lập. Các bị cáo này không phải là người tham gia thành lập công ty, mà chỉ là người đưa chứng minh nhân dân, hộ khẩu cho lãnh đạo của Tập đoàn Thiên Thanh thành lập công ty.
Ngoài ra, các thủ tục khác, ký các hợp đồng vay vốn tại các ngân hàng các bị cáo không biết, không biết vay bao nhiêu, làm gì với khoản tiền vay được các bị cáo cũng không biết. Kể từ khi đứng tên công ty cho đến 5 tháng sau, các bị cáo vẫn không được hưởng lợi, chỉ được hưởng lương đúng vai trò là bảo vệ, giữ xe.
Đến khi Thiên Thanh làm các hồ sơ vay tiền, các bị cáo mới được hưởng thêm lương từ 5 – 6 triệu đồng nhưng không có hợp đồng giấy tờ, hồ sơ nào thể hiện việc trả lương này. Các bị cáo cũng không sử dụng con dấu, giấy tờ nào của công ty, mong xem xét đúng vai trò của các bị cáo.
Trình bày tại tòa, bị cáo Lê Đài cho biết, bị cáo bị đề nghị từ 3-4 năm tù, bị cáo rất đau lòng. Trong vụ án, bị cáo chỉ là người làm công ăn lương và nghe theo chỉ đạo của cấp trên Vì hiểu biết ít về pháp luật nên bị cáo đã ký tên vào việc vay tiền tại Sacombank, bị cáo không hề biết mục đích nội dung của việc ký tên này.
“Bị cáo mong HĐXX xem xét, bị cáo mới vi phạm lần đầu, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng,... xin HĐXX xem xét hành vi của bị cáo và nhân thân của bị cáo để tuyên mức án nhẹ nhất để bị cáo có cơ hội trở về chăm sóc mẹ già, chăm sóc gia đình và con nhỏ”, bị cáo Đài trình bày.
Ngoài ra, các bị cáo khác trong nhóm “giám đốc giấy” đều mong HĐXX xem xét lại hoàn cảnh, bối cảnh và nguyên nhân dẫn đến sai phạm của các bị cáo. Bên cạnh đó, các bị cáo cũng trình bày thêm về hoàn cảnh gia đình, thân nhân,... để HĐXX xem xét, cho các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Phiên tòa xử Phạm Công Danh, Trầm Bê chiều 23/1: HĐXX nhắc nhở các luật sư không làm xấu tình trạng tội danh của bị cáo khác
Chiều 23/1, luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 tiếp tục phần tranh luận, trình ... |