Tôi luôn sợ mất việc vì dồn nửa lương cho con học trường quốc tế

Chị Trâm  làm việc mỗi ngày 12 tiếng, nhưng lúc nào cũng sợ nếu mất việc thì không biết lấy đâu ra tiền đóng học cho con.

Dưới đây là chia sẻ của chị Bảo Trâm, 37 tuổi, hiện sống tại TP HCM:

Khi con trai vào lớp 1 cách đây 5 năm, tôi quyết định cho con học trường quốc tế vì muốn sau này con dễ xin học bổng để du học. Trước đây, tôi và chồng đều học thạc sĩ ở nước ngoài, nhờ học bổng. Tôi hiểu, nếu sau này con tôi không xin được học bổng toàn phần, vợ chồng tôi sẽ phải hỗ trợ tài chính tương đối nhiều thì con mới có thể ra nước ngoài học được.

Chồng tôi khuyên có thể cho con học trường công trong nước, nếu thấy chi phí trường quốc tế đắt quá. Anh cũng dẫn chứng một số bạn học trường công vẫn giỏi giang nhưng tôi muốn con làm quen với bạn bè ở các châu lục từ sớm, để sau này khỏi bỡ ngỡ, nên vẫn quyết tâm cho con theo học một trường thuộc hệ thống giáo dục của Singapore mở tại Việt Nam. Tại ngôi trường này, học sinh Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 10%.

Chồng tôi làm trong một cơ quan nghiên cứu, lương chưa đến mức đóng thuế thu nhập. Thỉnh thoảng, anh có các dự án thì sẽ được hưởng mức thù lao khá tốt, nhưng không thường xuyên và ổn định. Kinh tế gia đình chủ yếu do tôi gánh vác. Tôi làm cho một tổ chức phi chính phủ, mức lương khoảng 2.000 đôla/tháng.

Chúng tôi kết hôn khi còn ở nước ngoài. Về nước, cả hai chờ công việc ổn định, tài chính tạm ổn mới sinh con. Chúng tôi mua được nhà ở TP HCM từ năm 2007, lúc đó, giá nhà đất ở thành phố này tương đối rẻ. Ngôi nhà 3 tầng, diện tích đất gần 100m2, hẻm xe hơi ra vào được tại Gò Vấp khi đó chỉ 1,2 tỷ. Để mua được nhà, chúng tôi cũng phải vay mượn người thân một chút. Sau khi mua xong nhà thì tôi sinh con.

Tuổi mẫu giáo, con tôi chỉ học trường tư gần nhà vì bố mẹ nhiều hôm về đón hơi muộn. Tôi cho con học thêm tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ. Nuôi một mình cậu nhóc, tiền học không quá tốn kém, tất cả chỉ khoảng 3-4 triệu/tháng, cuộc sống của chúng tôi khá dễ thở. Tôi có ít tiền dư thỉnh thoảng cũng đầu tư lướt sóng này nọ, vợ chồng tích góp mua được một miếng đất ở quận 2.

Khi con vào lớp một, năm 2013, vì muốn cho con theo học trường quốc tế ở quận 7 nên chúng tôi đã bán nhà tại Gò Vấp để mua một căn hộ chung cư tại đây. Nhà bán được 4 tỷ, mua chung cư mất 4,5 tỷ nên chúng tôi cũng hơi khó khăn về tài chính nhưng tôi vẫn quyết định đầu tư cho con học. Tôi xin chuyển chỗ làm, sang một công ty đa quốc gia, hưởng lương sau thuế khoảng 60 triệu/tháng.

Trước đây công việc của tôi khá thú vị, hoạt động cộng đồng nhiều, thời gian tương đối linh hoạt. Công việc mới mang lại mức lương tốt hơn nhưng đòi hỏi tôi phải làm việc cật lực hơn. Thường thì 5h chiều có thể tan sở. Tuy nhiên do khối lượng công việc rất nhiều nên tất cả mọi người trong phòng tôi đều thường 7h tối mới về. Ở công ty giải quyết việc không đủ, sáng tôi thường phải dậy từ 4h30, check mail trước, đọc sẵn những bản hợp đồng với đối tác nước ngoài. Lúc nào tôi cũng căng mình ra làm việc, chỉ sợ mất việc thì không biết lấy tiền đâu đóng học cho con, khi mỗi tháng chi phí cho bé đã vào khoảng 30 triệu. Đáng nói nhất là cứ sau một năm học, trường lại tăng học phí lên khoảng 5-10%.

Dù rất muốn sinh thêm con nhưng mãi đến khi cậu cả vào lớp 3, tôi mới cố gắng thu xếp được công việc để sinh bé thứ hai. Do công việc vất vả, tôi bị sảy một lần, đến khi anh trai vào lớp 4 thì em út mới chào đời. Tôi chỉ dám nghỉ việc 4 tháng, còn 2 tháng thai sản tự nguyện đi làm luôn để được hưởng mức lương 150% .

toi luon so mat viec vi don nua luong cho con hoc truong quoc te

Nhiều bố mẹ mệt mỏi vì phải lo kiếm tiền cho con học trường quốc tế - Ảnh minh họa: Monthly Gift

Hiện tại, nhiều lúc tôi thấy cuộc sống của mình tẻ nhạt quá, chỉ có công việc và công việc. Về nhà tôi chỉ ăn và ngủ, cũng chẳng có nhiều thời gian chơi với con. Cậu cả giao cho chồng chăm sóc. Cô út giao cho bà ngoại. Mỗi ngày tôi chỉ kịp hôn con trước lúc chúng đi ngủ, một tuần dành được ngày chủ nhật cho con, còn gần như con không có trong thời khóa biểu của tôi.

Tôi cũng không giữ được sở thích nào của thời trẻ: không xem phim, không xem World Cup dù trước rất thích bóng đá, không nghe hòa nhạc, thậm chí cũng không muốn đi du lịch. Thỉnh thoảng bạn bè cũ gặp nhau, tôi chỉ sắp xếp được chút lịch buổi trưa, trong khi các bạn còn ngồi chém gió hay ôn lại kỉ niệm cũ thì tôi đã tất tả ra về để kịp giờ làm. Nghỉ lễ tết trong năm, tôi chỉ ở nhà ngủ vùi để lấy sức khỏe. May mắn, chồng tôi có thể sắp xếp được thời gian để về đón con, chơi với con hay nấu cơm cho cả nhà. Khi nào chồng tôi bận quá thì chúng tôi phải thuê người giúp việc theo giờ.

Ngồi làm nhiều, tôi bị đau lưng và cổ. Tôi đã đăng ký đi tập yoga nhưng nhiều hôm làm quá giờ, lại bỏ học, sức khỏe không cải thiện. Ở tuổi gần 40, nhiều lúc tôi thấy mệt mỏi với công việc, nhưng không dám xin chuyển nơi làm khác vì sợ nếu lương giảm thì không biết lấy ra tiền đâu mà lo cho cuộc sống.

Hiện tại ngoài căn hộ tạm gọi là cao cấp, vợ chồng tôi vẫn đi xe máy mua từ ngày đầu mới về nước. Gia đình cũng không mua sắm nhiều. Tài khoản tiết kiệm chỉ bằng tiền đóng học vài năm của con trai.

Cuộc sống của chúng tôi không quá khó khăn, không phải thắt lưng buộc bụng nhưng lúc nào tôi cũng căng như dây đàn, lúc nào cũng có cảm giác thiếu tiền, lúc nào cũng nghĩ phải quyết tâm làm việc để giữ được vị trí và mức lương của mình.

Sau 2 năm trông con cho tôi, mẹ tôi đã về quê để chăm bố. Tôi đã gửi con út vào trường mầm non. Bé học trong trường công, gần nhà chỉ mất hơn 1 triệu đồng/tháng, khiến tôi cảm thấy thật nhẹ nhàng. Nhưng anh trai đã học trường quốc tế từ bậc tiểu học, chắc chắn sau này tôi cũng không thể cho em út học một trường công với một lớp học 40-50 học sinh, với những bữa trưa thiếu chất. Tôi không thể để hai con mình so bì với nhau. Cứ nghĩ đến khoản tiền học sắp tới cho hai đứa con mà nhiều lúc tôi ăn không ngon, ngủ không yên.

Chuyên gia tài chính, thạc sĩ Lê Thị Kim Oanh, cho rằng để con học trường quốc tế không phải là vấn đề đúng hay sai mà là có hợp lý hay không. Tiền học cho con là một khoản trong mục chi tiêu cố định hàng tháng của gia đình. Để có tài chính ổn định và cuộc sống ý nghĩa, một người nên cân đối thu nhập cho nhiều quỹ khác nhau: đầu tư, tiết kiệm, hưởng thụ. Các chi tiêu cố định, bao gồm tiền học của con, các hóa đơn điện nước, lương thực thực phẩm... chỉ nên chiếm 1/2 tổng thu nhập. Như vậy, nếu để tiền học của con chiếm đến một nửa thu nhập của cha mẹ thì đó là bài toán không hợp lý.

Theo chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương, mục tiêu của giáo dục gồm 3 thứ rất rõ ràng: kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Khi cha mẹ chọn trường cho con, thứ con học được nhiều nhất là kiến thức. Riêng kĩ năng và đạo đức, việc rèn luyện mất nhiều công sức và thời gian hơn, chỉ một sơ sẩy của cha mẹ, con cũng có thể có vấn đề. Cha mẹ dồn sức cho con học quốc tế, đồng nghĩa với việc cha mẹ phải dồn thời gian cho việc kiếm tiền. Điều đó làm giảm thời gian dạy con kĩ năng và đạo đức. Như vậy, việc giáo dục con sẽ không hoàn thành trọn vẹn.

Hoàng Anh (ghi)
* Tên nhân vật đã thay đổi

XEM THÊM

toi luon so mat viec vi don nua luong cho con hoc truong quoc te Học phí lớp 1 ở nhiều trường quốc tế hơn 150 triệu đồng/năm

Nhiều trường quốc tế tại TP HCM công bố mức học phí năm học 2018-2019, trong đó có những trường mức học phí lớp 1 ...

toi luon so mat viec vi don nua luong cho con hoc truong quoc te Học phí vào lớp 1 các trường quốc tế ở Sài Gòn

Nhiều trường quốc tế ở TP HCM có học phí lớp 1 năm học 2018-2019 hơn 400 triệu đồng.

toi luon so mat viec vi don nua luong cho con hoc truong quoc te Trường ngoài công lập nào thu học phí cao nhất?

Các trường ngoài công lập tự xác định học phí. Khoản thu này thường lên đến hàng trăm triệu đối với những trường quốc tế.

toi luon so mat viec vi don nua luong cho con hoc truong quoc te Cho trẻ học tiếng Anh sớm: Lợi bất cập hại?

"Thật buồn là có nhiều trẻ người Việt, bố mẹ cũng Việt, sống trên đất Việt mà nói tiếng Việt như người nước ngoài", là ...

toi luon so mat viec vi don nua luong cho con hoc truong quoc te Vợ chồng Hồng Đăng cho 2 con gái học 'trường làng'

'Tôi xin cho Nhím học một trường bình dân tại Tây Hồ. Còn Kẹo vẫn đang học lớp mầm với gần 40 cháu một lớp', ...

toi luon so mat viec vi don nua luong cho con hoc truong quoc te Nên đi du học hay học trường quốc tế ?

Sau khi có kết quả thi THPT, nhiều phụ huynh băn khoăn, nên cho con học trường quốc tế hay đến hẳn một đất nước ...

toi luon so mat viec vi don nua luong cho con hoc truong quoc te Lương 25 triệu vẫn chật vật với học phí của con

Học phí dao động từ 100 – 200 triệu đồng/ năm, chưa kể các phụ phí phát sinh như ăn uống, đi lại, nội trú ...

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.