Tổng công ty HUD tính rút vốn khỏi chủ đầu tư 'hụt' của khu biệt thự hơn 37 ha tại Phú Quốc

Tổng công ty HUD vừa thông báo bán đầu giá công khai phần vốn tại CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Phú Quốc. Doanh nghiệp này từng được chấp thuận làm chủ đầu tư khu biệt thự hơn 37 ha tại Phú Quốc, trước khi dự án bị huỷ bỏ vì vướng quy hoạch.

HUD bán đấu giá vốn góp tại một công ty BĐS ở Phú Quốc

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) vừa có thông báo bán đấu giá phần vốn góp của doanh nghiệp tại CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Phú Quốc - chủ đầu tư "hụt" một dự án nghỉ dưỡng hơn 37 ha tại Phú Quốc.

Cụ thể, doanh nghiệp này từng được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư Khu biệt thự nghỉ dưỡng tại khu phố 5, thị trấn Dương Đông với diện tích khoảng 37,6 ha vào năm 2009. Tuy nhiên dự án sau đó đã bị huỷ bỏ chủ trương đầu tư vào năm 2015 vì vướng quy hoạch trong phân khu đô thị Dương Đông.

Hạ tầng Phú Quốc được thành lập vào tháng 10/2008, có trụ sở tại số 143 Nguyễn Trung Trực, Thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo nội dung đăng ký thay đổi doanh nghiệp ngày 30/9/2019, vốn điều lệ của Hạ tầng Phú Quốc là 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thông tin công bố, vốn điều lệ thực góp của Hạ tầng Phú Quốc là hơn 21 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của HUD là 2,8 tỷ đồng, tương ứng 280.000 cổ phần (13,31% vốn điều lệ). Số cổ phần này sẽ được đấu giá với mức khởi điểm 14.400 đồng/cp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều được phép tham gia.

Từ ngày 5/1 đến 20/1, các nhà đầu tư sẽ đăng ký tham gia, đặt cọc và nhận phiếu tham dự. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 24/1 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Trước đó, vào ngày 21/12/2021, Bộ Xây dựng đã chấp thuận chủ trương cho phép HUD thực hiện thoái vốn tại Hạ tầng Phú Quốc. Trên thực tế, việc thoái vốn tại Hạ tầng Phú Quốc đã được HUD lên kế hoạch từ năm 2013, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 tuy nhiên chưa thành công.

HUD thoái vốn khỏi chủ cũ của khu biệt thự gần 37 ha ở Phú Quốc - Ảnh 1.

Một góc thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. (Ảnh: Zingnews).

Kế hoạch đầu tư khu biệt thự hơn 37 ha đổ bể vì vướng quy hoạch, pháp lý

Trở lại với Hạ tầng Phú Quốc, doanh nghiệp này chuyện hoạt động trong lĩnh vực tư vấn lập dự án đầu tư, quy hoạch, thiết kế công trình; Thi công san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình nhà ở dân dụng, công nghiệp, giao thông. 

Theo tìm hiểu của người viết, Tổng Giám đốc của Hạ tầng Phú Quốc hiện nay là ông Nguyễn Từ Thiện, người đồng thời là chủ sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đảo Xanh (vốn điều lệ 5 tỷ đồng, trụ sở tại Phú Quốc).

Tính đến ngày 30/6/2021, Hạ tầng Phú Quốc có 5 cổ đông góp vốn, bao gồm công ty mẹ CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (56,08%); Công ty TNHH Vietnam Quarius Technologies Institutes (13,31%); CTCP Dịch vụ Du lịch Thương mại Đại Cát Hoàng Long (13,31%); HUD (13,31%) và Công ty TNHH Kiến trúc A.T.A (3,99%).

Theo báo cáo tài chính bán niên 2021, Hạ tầng Phú Quốc hiện không sở hữu, quản lý tài sản là bất động sản. 

Thông tin từ HUD, vào 4/9/2009, UBND tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận chủ trương cho Hạ tầng Phú Quốc đầu tư Khu biệt thự nghỉ dưỡng tại khu phố 5, thị trấn Dương Đông với diện tích khoảng 37,6 ha. 

Đến 24/9/2009, Hạ tầng Phú Quốc và công ty Xây dựng Kiên Giang đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với phương thức góp vốn và tỷ lệ phân chia lợi nhuận là 50% mỗi bên.

Cùng với đó, Hạ tầng Phú Quốc đã ủy quyền cho các cá nhân mua 8 thửa đất (diện tích 9,3 ha) của các hộ gia đình có đất nông nghiệp nằm trong phạm vi dự án. Phần diện tích đất này theo kế hoạch sẽ được Hạ tầng Phú Quốc mua lại từ các cá nhân được ủy quyền để thực hiện dự án biệt thự. 

Đến tháng 10/2015, phía địa phương đã ra thông báo hủy bỏ chủ trương đầu tư dự án. Tháng 11/2015, Hạ tầng Phú Quốc đã có văn bản xin tiếp tục triển khai thực hiện dự án. 

Tháng 12/2015, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc đã phản hồi rằng toàn bộ dự án nằm trong quy hoạch phân khu đô thị Dương Đông, có chức năng là hồ nước, do đó phải hủy bỏ chủ trương đầu tư.

Như vậy trong tổng diện tích đất mà Hạ tầng Phú Quốc đã mua theo hợp đồng chuyển nhượng là gần 9,3 ha thì chỉ có hơn 3,6 ha là đất trồng cây lâu năm, cây công nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phần diện tích 5,7 ha còn lại chưa có giấy tờ, xác nhận của cơ quan thẩm quyền.

Đơn vị thẩm định giá cảnh báo rủi ro của doanh nghiệp 

Do dự án bị hủy chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà các cá nhân được công ty ủy quyền mua trước đây chưa thể chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp theo kế hoạch.

Cũng bởi lý do này, Hạ tầng Phú Quốc đối mặt rủi ro không được hưởng đầy đủ chế độ bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đối với các thửa đất nói trên. Trong khi đó, doanh nghiệp đã chi hơn 30 tỷ đồng vào các chi phí mua đất và chi phí liên quan dự án.

Theo đánh giá của CTCP Định giá CPA, việc quyết toán thuế của Hạ tầng Phú Quốc mới quyết toán đến hết năm 2015. Do đó giai đoạn 2016 có thể phát sinh những chênh lệch liên quan. 

Cùng với đó, các khoản công nợ phải thu, phải trả tính đến 30/6/2021 chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ. Từ khi thành lập, tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, các khoản nợ khả năng thu hồi thấp.

Với những yếu tố đó, CPA lưu ý nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về thông tin của 8 thửa đất còn vướng pháp lý của Hạ tầng Phú Quốc trước khi tham gia đấu giá.

Về tình hình kinh doanh, trong năm 2019 và 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần lần lượt 1,9 tỷ đồng và 2,2 tỷ đồng; lỗ sau thuế 693 triệu đồng và 509 triệu đồng; hệ số nợ/tổng tài sản là 72,9% và 67,7%; hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 269,5% và 209,77%. Tổng tài sản tính đến 30/6/2021 là 40,5 tỷ đồng.

chọn
ĐHĐCĐ Khang Điền: Tự tin về khả năng trả nợ trái phiếu, dự án hợp tác với Keppel Land có thể kinh doanh từ cuối năm
Lãnh đạo Khang Điền cho biết tự tin về khả năng trả nợ 1.100 tỷ đồng trái phiếu nhờ quỹ tiền mặt dồi dào, nguồn thu từ dự án The Priva và KCN Lê Minh Xuân mở rộng triển khai trong thời gian tới. Năm nay, lợi nhuận chủ yếu của doanh nghiệp sẽ đến từ dự án The Privia.