Tổng giao dịch bất động sản từ đầu năm chưa bằng 1/10 thời điểm trước Covid-19

Theo số liệu của VARS, từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận khoảng 10.000 giao dịch, so với cùng kỳ những năm 2018 - 2019 thì chưa bằng 1/10. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng đà phục hồi của thị trường đang dần được cải thiện.

Ảnh minh hoạ: Hải Quân.

Trong vòng một thập kỷ qua, thị trường bất động sản đã có sự tăng trưởng rất nóng kể từ sau giai đoạn khủng hoảng trước đó (những năm 2011 - 2013).‏

‏"Tuy nhiên hiện tại, thị trường đã dần bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết. Mặc dù chưa tới mức khủng hoảng như giai đoạn 10 năm trước, song những nút thắt từ pháp lý tới dòng vốn đang khiến thị trường bị tắc nghẽn”, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS)‏ chia sẻ tại buổi làm việc mới đây với Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).

‏Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng giao dịch trong 3 quý chỉ đạt khoảng 10.000 sản phẩm từ các dự án ở thị trường sơ cấp, chưa được 10% so với cùng thời điểm các năm 2018, 2019 hay giai đoạn trước đại dịch Covid-19. ‏

‏Cũng theo ông Đính, sức khỏe các doanh nghiệp địa ốc đang suy yếu về cả quy mô, nhân sự lẫn tiềm lực tài chính.‏ Theo khảo sát của VARS, có khoảng 23% doanh nghiệp chỉ có thể “cầm cự” được hết năm nay, nếu như không có các chính sách điều hành vĩ mô đem lại tác động mạnh mẽ.‏

Mặc dù vậy, Chủ tịch VARS cũng cho rằng sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ đã giúp thị trường có những chuyển biến tốt hơn. ‏

‏Minh chứng là ở quý I, nguồn cung trên thị trường sụt giảm nghiêm trọng khiến lượng giao dịch chỉ đạt hơn 1.000 sản phẩm. Sang quý II, hoạt động mua bán đã dần trở lại với thị trường, lượng giao dịch tăng lên khoảng 3.700 sản phẩm. Hai tháng đầu của quý III, có khoảng 200 - 300 dự án ra hàng, ghi nhận hơn 5.000 giao dịch thành công. ‏

‏Nhìn chung, mặc dù tổng lượng giao dịch trong 9 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp so với giai đoạn trước dịch Covid-19 nhưng xét theo từng quý trong năm 2023, có thể thấy đà phục hồi của thị trường đã dần được cải thiện. ‏

 ‏Lượng giao dịch BĐS từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn số liệu: VARS; Ảnh: Di Anh). ‏ 

"Rõ ràng thị trường bất động sản hiện đang có dấu hiệu tốt lên. Các chủ đầu tư sẵn sàng chia sẻ và hy sinh cho thị trường, cho khách hàng thông qua nhiều chính sách kích cầu.

Ở phía khách hàng, nếu không tận dụng thời cơ sẽ khó có cơ hội được quay lại thời điểm có những điều kiện tốt như lúc này. Bởi, một khi thị trường phục hồi và ổn định thì những chính sách hỗ trợ sâu sẽ rất khó để xuất hiện trở lại.‏

‏Mặt khác, các doanh nghiệp muốn bán được hàng trong thời buổi hiện nay thì chất lượng, pháp lý, tiến độ dự án luôn phải được đặt lên hàng đầu. Thay vì bỏ nhiều tiền vào marketing, PR dự án thì phải chú trọng vào chất lượng dự án, đầu tư thực chất và hướng đến lợi ích người mua”, ông Đính nhìn nhận. ‏

‏Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định trong báo cáo do VIRES công bố rằng, từ cuối quý II/2023 đến nay, mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn nhưng mức độ khó khăn có dấu hiệu giảm bớt và dần phục hồi. ‏

‏Chuyên gia này đã nêu lên 3 kịch bản mà thị trường bất động sản trong nước có thể sẽ vận hành ở những tháng cuối năm 2023 và sang năm 2024. Trong đó, kịch bản được đánh giá dễ xảy ra nhất là thị trường sẽ tiếp tục đi ngang đến khi hệ thống luật mới được thông qua và có hiệu lực (khoảng tháng 5 - 6/2024); sau đó, sẽ điều chỉnh đi lên nhưng không mạnh.‏

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.