Người dân TP HCM lâu nay đã không còn xa lạ gì với các quán cơm giá rẻ, đặc biệt là những bữa ăn 2.000 đồng. Nhắc đến những quán cơm đặc biệt này, không thể không nhắc đến chuỗi quán ăn Nụ Cười "trứ danh" mà điển hình là Nụ cười 7.
Quán cơm Xã hội Nụ Cười 7 tọa lạc tại số 264 Vĩnh Viễn, quận 10, TP HCM. Quán được thành lập vào tháng 11/2015 và điều hành bởi Ban Liên lạc Thầy Cô và Cựu học sinh trường Pétrus Ký (nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong TP HCM).
Nụ Cười 7 mở cửa vào lúc 11h trưa mỗi thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần. (Ảnh: Hữu Thắng)
Hơn 4 năm hoạt động, Nụ Cười 7 đã trở thành điểm đến quen thuộc của rất nhiều người lao động thu nhập thấp và các bạn học sinh - sinh viên tại TP HCM.
Ban đầu, nguồn kinh phí của quán là do Quỹ Từ thiện Bông Sen hỗ trợ. Sau khi đi vào hoạt động, quán được nhiều Mạnh Thường Quân biết đến và giúp đỡ.
Khách đến quán chủ yếu là người lao động thu nhập thấp. (Ảnh: Hữu Thắng)
Quán cơm Xã hội Nụ Cười 7 hoạt động vào lúc 11h đến khoảng 13h, thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần. Mỗi buổi hoạt động, quán phục vụ khoảng 600 phần cơm. Trung bình, mỗi phần có giá khoảng 20.000 đồng, tuy nhiên, những thực khách đến đây chỉ cần trả 2.000 đồng/phần.
Lí giải cho mức giá rẻ bất ngờ đó, chú Phan Hồng Hải (Chủ nhiệm Quán cơm Xã hội Nụ Cười 7) cho biết:
"Chúng tôi hoạt động trên tinh thần hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp để họ có được phần ăn ngon, giá rẻ. Việc thu 2.000 đồng mỗi phần giúp người ăn tại quán không bị mặc cảm rằng họ đến xin cơm hay được bố thí, ngược lại, họ vẫn phải bỏ ra số tiền kiếm được từ sức lao động của mình để mua lại phần cơm".
Từ 10h30, các tình nguyện viên là những bạn học sinh, sinh viên đã bắt đầu xếp hàng ngoài cửa để đón khách và hỗ trợ khách lấy cơm.
Tại gian bếp của quán, khoảng 10 "nhân viên" trụ cột đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị thức ăn. Đa số họ là những cựu học sinh của trường Pétrus Ký đã về hưu. Không khí chuẩn bị tại quán luôn rất khẩn trương và sôi nổi.
Rất nhiều bạn học sinh tranh thủ thời gian nghỉ trưa của mình để hỗ trợ quán. (Ảnh: Hữu Thắng)
Đúng 11h, quán bắt đầu hoạt động. Khách đến ăn trả tiền tại quầy và nhận thẻ để lấy thức ăn hoặc có thể mua hộp mang về.
Chú Lâm Trung Thành (quận Bình Thạnh, TP HCM) - một trong những thành viên gắn bó lâu nhất với quán đang phát thẻ lấy cơm cho khách. (Ảnh: Hữu Thắng)
Cứ có khách đi vào, cô Nguyễn Thị Út (quận 8, TP HCM) lại ân cần hỏi han và lấy cơm phục vụ.
Mỗi phần ăn đều có đầy đủ cơm, thịt, rau, canh và trái cây tráng miệng. Thức ăn tại quán được chế biến cẩn thận, đảm bảo vệ sinh tuyệt đối cho người dùng.
Đặc biệt, thực đơn sẽ được thay đổi theo ngày, quán thường phục vụ các món quen thuộc như: chả trứng, thịt hấp, gà kho sả ớt, mực xào...
Đặc biệt, nếu ăn chưa no, khách tại quán có thể xin thêm thức ăn mà không tốn thêm phí.
Một suất cơm 2.000 đồng có đầy đủ, thịt, rau, canh và trái cây tráng miệng.
Ngoài các món cơm, quán còn thường xuyên phục vụ thêm phở, bò kho, hủ tiếu... (Ảnh: Quỹ Từ thiện Bông Sen)
Chú Hoàng Quang (quận Bình Chánh, TP HCM) là khách hàng quen thuộc của quán cơm từ những ngày mới thành lập đến nay. Nói về quán ăn, chú Quang cho biết: "Tôi đi nhặt ve chai kiếm sống. Mỗi ngày thu nhập không có bao nhiêu. Thay vì đi ăn ở ngoài phải tốn đến 20.000 – 30.000 đồng, tôi đến đây dùng bữa chỉ với 2.000 đồng một phần mà đồ ăn vẫn rất ngon và đầy đủ".
"Nhân viên" bếp luôn là những người có mặt từ rất sớm để chuẩn bị. (Ảnh: Hữu Thắng)
Khách đến quán ngày một đông hơn, tuy bận rộn nhưng không khí tại quán vẫn rất vui vẻ. Từ những thành viên chủ chốt trong quán cho đến các bạn tình nguyện viên, ai cũng đều xông xáo và hết mình phục vụ khách.
Khách đến quán đều được phục vụ tận tình. (Ảnh: Hữu Thắng)
Cô Phạm Thùy Liên (quận 4, TP HCM) cho biết: "Tôi thường đến đây ăn. Nói chung đồ ăn ngon, sạch sẽ, nấu ăn như trong gia đình chứ không phải bán. Các anh chị trong quán cũng rất nhiệt tình và vui vẻ".
Ngoài việc cung cấp những bữa ăn ngon, giá rẻ và hợp vệ sinh để giúp đỡ mọi người, hoạt động của Quán cơm Xã hội Nụ Cười 7 còn mang nhiều ý nghĩa lớn về tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.
Không chỉ riêng Nụ Cười 7, các "quán cơm 2.000 đồng" ngày nay hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều và dần trở thành một "đặc sản", một biểu tượng mới về tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau mà người Sài Gòn dành cho nhau.