Xuân Lan: 'Truyền hình thực tế, phải ở ác mới sống được lâu' | |
Truyền hình thực tế Việt thời bão hòa: 'Hết nạc vạc đến xương' |
'Chợ' cũng là thực tế
Trong những ngày vừa qua, câu chuyện về những cuộc cãi vã, tranh luận trong ngôi nhà chung của chương trình Vietnam's Next Top Model (VNTM) đã khiến cho công chúng bàn tán xôn xao.
Người đồng ý sẽ tin tưởng đó là thực tế mà chương trình đã mang vào ngôi nhà chung. Kẻ không ưa thì cho rằng hành động ấy đã làm xấu hình ảnh của giới người mẫu. Vậy, quan điểm nào đúng? Chắc chắn là sẽ chẳng có quan điểm nào là tuyệt đối đúng và chẳng có khái niệm nào là sai.
Hai chữ "thực tế" trong truyền hình hiện nay.
Rõ ràng, ai cũng mong muốn xem một chương trình truyền hình thực tế không khiến họ phải ngáp ngắn ngáp dài. Sự thú vị đến từ nhiều yếu tố bao gồm cả chuyên môn lẫn đời sống riêng tư được mô tả sinh động.
Và chỉ khi đặt những thí sinh trong tình huống cụ thể, những áp lực lớn thì họ mới bộc lộ hết cá tính của mình, vượt qua ngưỡng bản thân để đạt đến những tầm cao mới cả về chuyên môn cũng như nhìn nhận lại chính mình.
Những mâu thuẫn của các người mẫu khi sống chung một nhà trong Vietnam's Next Top Model 2017. |
Câu chuyện về nhà chung của VNTM cũng vậy. Chẳng phải ngẫu nhiên mà 13 cô gái được đưa đến một địa điểm biệt lập để chung sống với nhau. Về cơ bản, họ là những người xa lạ, những cá thể độc lập với tính cách riêng biệt mang màu sắc cá nhân riêng.
Việc ở chung với nhau là một thách thức lớn khi họ phải tự tìm cách để thích nghi với môi trường sống cũng như thoả hiệp được với người bạn đồng hành để có một không khí chung dễ thở, nếu họ là những tính cách dễ thích nghi.
Còn không, đó sẽ là những tháng ngày tranh cãi kịch liệt. Nói như cựu người mẫu Trang Trần thì "đi ra đi vào nhìn nhau đã khó chịu chứ đừng nói là ở chung suốt 24/24 như vậy!". Đó thực sự là một thử thách lớn cho các cô gái trẻ để tự điều chỉnh hành vi, thói quen cá nhân cho phù hợp với môi trường xung quanh.
Ai cũng hiểu rằng, chỉ có những tranh cãi mới làm những người trong cuộc ngồi lại nhìn nhận sự việc và từ đó đưa ra những phương án giải quyết. Cái quan trọng là sự nhìn nhận của người trong cuộc để từ đó thấy được cái đúng – sai, cái đẹp – xấu trong từng hành động để điều chỉnh thói quen, tính cách.
Truyền hình thực tế không phải là một cuộc thi Hoa hậu để trong đó các thí sinh phải đi làm nghĩa vụ từ thiện, phải cố gắng diễn sự "diễn sâu" hòng ghi điểm với các ban giám khảo.
Truyền hình thực tế không phải là một cuộc thi Hoa hậu yêu cầu thí sinh phải tỏ ra thân thiện. |
Truyền hình thực tế là một chương trình mà ở đó, yếu tố thực tế được đẩy cao để mong mang đến cho khán giả những hình ảnh sát với đời thường nhất, những cung bậc cảm xúc chính xác nhất trong khả năng cho phép của đơn vị kiểm duyệt nhằm phản ảnh một giới/ ngành/ nghề nào đó.
Vì là "thực tế" nên không cần thiết phải tô hồng. Bởi đơn giản, thực tế là một bức tranh sống động mà những gam màu trong đó chính là sự thể hiện từng bộ mặt của xã hội. Hãy tưởng tượng, nếu thực tế toàn màu hồng thì rõ ràng đó không phải là màu của sự hạnh phúc, mà đó là biểu hiện của một sự tẻ nhạt khi thiếu vắng đi những va đập.
Drama đâu phải là tất cả
Trong bài trả lời phỏng vấn gần đây nhất, người mẫu Thanh Hằng – cựu host của VNTM – đã khẳng định rằng: "Tôi nghĩ chuyện gì cũng có nhiều góc độ khác nhau. Khi xem các chương trình đó, có người sẽ đề cao tính chuyên môn, muốn tìm hiểu, chứng kiến quá trình trở thành một người mẫu thực thụ.
Tôi tạm gọi đây là nhu cầu chính thống. Ngược lại, sẽ có người thích xem chuyện hậu trường của thí sinh: chung sống thế nào, mâu thuẫn ra sao và giải quyết bằng cách gì. Có những thí sinh cá tính, dữ dằn song cũng có những thí sinh hiền lành, an phận.
Theo tôi, mấu chốt của vấn đề chính là phải biết giữ bình tĩnh trước mọi thứ. Tôi hiểu cảm giác không kiềm chế được bản thân trong tình huống của các bạn. Nhưng có điều các bạn nên nhớ rằng mọi thứ chỉ là nhất thời. Còn khi đã xác định đi đường dài thì người đó cần biết cách kiểm soát mọi thứ".
Siêu mẫu Thanh Hằng - người từng làm host của Vietnam's Next Top Model cũng đã có những chia sẻ chân thành về những trải nghiệm cũng như quan điểm của mình. |
Rõ ràng, khi khán giả chọn xem một chương trình tức là họ có lí do để tiếp cận với sản phẩm đó. Có người xem vì thí sinh, có người xem vì giám khảo, có người lại xem vì những thử thách mang tính chuyên môn, nhưng cũng có những khán giả chỉ quan tâm đến những mâu thuẫn nhà chung. Nhu cầu của khán giả đa dạng và ai cũng chọn cho mình một điều gì đó để mua vui khi mở tivi, đó là điều không thể phủ nhận.
Về những drama tại nhà chung của VNTM, đó chỉ là 1/10 của tổng thời lượng phát sóng nhưng lại là những điều được quan tâm và tranh cãi sôi nổi nhất. 9/10 thời gian còn lại là những thử thách – chụp hình và nhận xét của ban giám khảo trước khi loại đi thí sinh nào.
Nếu so sánh thì có thể nói, thử thách – chụp hình như là nguyên liệu chính, drama là gia vị. Khi mà gia vị nêm nếm vừa đủ, có thể đó là món ngon nhưng nếu quá tay, nó sẽ mất mùi của thực phẩm.
VNTM có vẻ như đang quá tay trong việc sử dụng gia vị nhưng cũng đáng khen cho nhà sản xuất khi họ đã ngay lập tức biết cách ứng phó và sửa sai khi để cho các thí sinh ngồi lại, nhận lỗi và xin lỗi nhau.
Suy cho cùng, tất cả những "vở diễn" kịch tính trên truyền hình đó cũng là điều bình thường diễn ra trong cuộc sống, là điều mà Thanh Hằng đã nhấn mạnh rằng: "60 phút diễn ra trên sóng truyền hình chỉ là một phần nhỏ so với thực tế ngoài kia. Thời trang xét cho cùng vẫn là thế giới thu nhỏ, trong khi cuộc sống ngoài kia còn đáng sợ hơn nhiều.
Ở chương trình, bạn sẽ được hướng dẫn, rút kinh nghiệm và tạo cơ hội nhiều lần. Còn khi đã bước ra ngoài, bạn không chỉ tự đi một mình mà còn phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác".