Từ khủng hoảng Huawei, nhìn lại ZTE đã từng bị Mỹ cấm vận, Google quay lưng khiến công ty ngấp nghé bờ vực phá sản

“Tương lai run rẩy” là tiêu đề bài báo trên tờ New York Times khi nói về ZTE, công ty công nghệ Trung Quốc đang đứng trên bờ vực phá sản khi bị chính phủ Hoa Kì điền vào danh sách đen.

ZTE: Từ ông lớn công nghệ đến kẻ thất bại không gượng dậy nổi

Từ khủng hoảng Huawei, nhìn lại ZTE đã từng bị Mỹ cấm vận, Google quay lưng khiến công ty ngấp nghé bờ vực phá sản - Ảnh 1.

ZTE: Từ ông lớn công nghệ đến kẻ thất bại không gượng dậy nổi. (Ảnh: The New York Times).

Trong năm ngoái, một lệnh cấm tương tự Huawei của chính phủ Hoa Kì đã gần như giết chết ZTE, một công ty công nghệ lớn đến từ Trung Quốc. Mặc dù đến nay ZTE đã được Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm, nhưng với những tác động tiêu cực trước đó đã gây ra những hậu quả nặng nề cho công ty này, khiến nó lao đao ngấp nghé bờ vực phá sản.

ZTE Corporation được thành lập vào năm 1985, là một tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông đa quốc gia của Trung Quốc có trụ sở ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc.

ZTE hoạt động trong ba lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm: mạng truyền dẫn, thiết bị đầu cuối và viễn thông. Trước khi chịu sự cấm vận của Mỹ, ZTE là một trong 5 nhà sản xuất điện thoại lớn nhất tại Trung Quốc và đứng trong tốp 10 toàn cầu.

Năm 2009, công ty trở thành các nhà cung cấp lớn thứ ba trên thế giới về thiết bị viễn thông GSM, và khoảng 20% các thiết bị GSM được bán trên khắp thế giới vào năm đó mang thương hiệu ZTE.

ZTE đã nộp 48.000 bằng sáng chế trên toàn cầu, và với hơn 13.000 bằng sáng chế được cấp. Trong hai năm liên tiếp 2011-2012, ZTE là công ty được cấp nhiều bằng sáng chế nhất toàn cầu, và cũng là công ty đầu tiên của Trung Quốc thực hiện được điều này.

Cũng tương tự Huawei, phần lớn khách hàng và doanh thu của ZTE đều đến từ bên ngoài Trung Quốc. Các hãng viễn thông lớn của châu Âu như Vodafone của Anh, Telus của Canada, Telstra của Úc, cũng như France Telecom đều đã mua thiết bị của ZTE.

Tại Mỹ, ZTE USA, công ty con của ZTE cũng sản xuất điện thoại di động và các thiết bị băng thông rộng cho nhiều hãng không dây bao gồm AT&T, Boost Mobile, Cricket Wireless, MetroPCS, Sprint, T-Mobile, TracFone, Verizon, và Virgin Mobile.

Tuy nhiên, lệnh cấm của Mỹ vào 4/2018 dường như đã chặn mọi con đường sống của ZTE, đưa hãng này vào cửa tử, đứng trên bờ vực phá sản.

Theo đó, sự việc bắt đầu từ Tháng 3/2017, Washington đã phạt ZTE số tiền 1,19 tỉ đôla, đồng thời ra lệnh kiểm toán ngay lập tức khi nhận thấy những hành động đáng ngờ của tập đoàn này với các công ty Iran.

Tháng 4/2018, chính quyền của Tổng thống Donal Trump đã đưa ZTE vào danh sách đen, cấm kinh doanh hợp tác với các công ty Mỹ. Lệnh trừng phạt của Nhà Trắng đưa ra sau khi phát hiện ZTE có các giao dịch thương mại với Triều Tiên và Iran vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.

Với lệnh cấm này, ZTE sẽ không được mua linh kiện, phần mềm của bất kì công ty Mỹ nào trong vòng 7 năm. Điều này khiến hoạt động của ZTE, công ty với gần 80.000 công nhân trên khắp thế giới, gần như đóng băng trong nhiều tháng do thiếu các linh kiện và phần mềm quan trọng được nhập khẩu từ Mỹ để hoàn thành sản phẩm của mình.

Hậu quả là, theo ước tính, ZTE đã bị bốc hơi ít nhất 20 tỉ nhân dân tệ, khoảng 3,1 tỉ đôla sau các lệnh trừng phạt. Cũng như tình cảnh Huawei hiện tại, mảng smartphone của ZTE đã phải dừng lại do không được phép sử dụng chip di động Qualcomm và hệ điều hành di động Google Android.

Google đã rút giấy sử dụng hệ điều hành Android Google, dẫn đến việc các smartphone của ZTE sản xuất ra sẽ không có các phần mềm quan trọng của Google, như Play Store hay Gmail.

Chính điều này đã khiến ZTE phải tuyên bố khai tử mảng smartphone của mình vì như đã nêu trên, phần lớn doanh số và khách hàng của ZTE nằm ngoài Trung Quốc, nơi các phần mềm ứng dụng Trung Quốc không thể thay thế được các dịch vụ của Google.

Tương lai mờ mịt

Từ khủng hoảng Huawei, nhìn lại ZTE đã từng bị Mỹ cấm vận, Google quay lưng khiến công ty ngấp nghé bờ vực phá sản - Ảnh 2.

Tương lai mờ mịt của ZTE. (Ảnh: The New York Times).

Khi nói về tương lai của ông lớn công nghệ Trung Quốc một thời, tờ New York Times đưa ra bài báo với nhan đề "ZTE, Trung Quốc: Quá khứ hào quang và tương lai run rẩy".

Trong một nỗ lực nhằm cứu vớt ZTE của chính quyền Bắc Kinh, Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ một phần cấm vận với hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ 2 của Trung Quốc với điều kiện hãng này phải nộp phạt 1 tỉ đôla, đồng thời phải chuyển 400 triệu đôla vào một tài khoản bảo chứng.

Số tiền này sẽ được đóng băng và chỉ chuyển tới cho Bộ Tài chính Mỹ nếu ZTE còn tái phạm các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên và Iran. Ngoài ra, Mỹ cũng yêu cầu ZTE phải sa thải một số lãnh đạo trong ban giám đốc.

Tuy đã thoát khỏi cửa tử nhưng ZTE giờ đây đang phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn, từ việc kết nối lại các khách hàng đến gây dựng lòng tin khi ZTE đã bị cáo buộc lừa đảo và gian lận tại Mỹ.

Theo ông Bengt Nordstrom, giám đốc điều hành của công ty tư vấn viễn thông Northstream, "mặc dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ nhưng tập đoàn Trung Quốc này sẽ phải đối mặt với một quá khứ kinh doanh không minh bạch, lừa đảo và hối lộ". Theo ông, đó là một dấu vết khiến ZTE mất thiện cảm trong mắt các công ty Mỹ.

Tuy cổ phiếu của ZTE được niêm yết công khai nhưng cổ đông lớn nhất của nó lại là Chính phủ Trung Quốc. ZTE không phải là tập đoàn duy nhất được nhà nước Trung Quốc chống lưng theo kiểu "doanh nghiệp nhà nước, tư nhân điều hành", đó còn là Huawei, công ty công nghệ tương tự ZTE.

Năm 2012, khi ZTE kinh doanh thua lỗ, Ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã hậu thuẫn 1 khoản tài chính trị giá 20 tỉ đôla cho tập đoàn này. Không những bị cáo buộc do làm ăn với Triều Tiên và Iran, năm 2017 ZTE còn bị Mỹ liệt vào danh sách các công ty gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc.

Do đó, để trưởng thành hơn, theo tờ New York Times, đã đến lúc những công ty như ZTE thoát khỏi cái bóng "những đứa trẻ khổng lồ" chỉ dựa vào Bắc Kinh để thoát ra khỏi những tình cảnh khó khăn, mà phải bằng chính sức mạnh nội tại để vươn lên.

Ngày càng nhiều các tập đoàn lớn của Trung Quốc tiến ra thế giới, họ phải tự mình hiểu và tuân thủ luật pháp quốc tế, và cần biết cách xử lí các vấn đề riêng của mình, cây viết Raymond Zhong của tờ New York Times nói.

Chuyện gì đang xảy ra với Huawei?

Từ khủng hoảng Huawei, nhìn lại ZTE đã từng bị Mỹ cấm vận, Google quay lưng khiến công ty ngấp nghé bờ vực phá sản - Ảnh 3.

Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen. (Ảnh: BBC).

Ngày 16/5, Tổng thống Hoa Kì Donal Trump đã kí một sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị điện tử đến từ các hãng không đáng tin cậy, mặc dù không chỉ đích xác là Huawei nhưng sắc lệnh khiến nhiều người nghĩ tới hãng công nghệ này.

Cũng theo sắc lệnh này, chính quyền Nhà Trắng đã liệt Huawei vào danh sách đen, các công ty, doanh nghiệp gián điệp, gây hại cho nước Mỹ. Mỹ tuyên bố, Huawei là một trong những công ty quan trọng nhất của Trung Quốc, có nguy cơ gián điệp đối với cơ sở hạ tầng công nghệ phương Tây.

Đây được xem là động thái chống lại Huawei trong bối cảnh cuộc chiến thương mại diễn biến ngày một tồi tệ giữa Washington và Bắc Kinh, sau khi các cuộc đàm phán giữa hai nước bị đổ vỡ vào hồi đầu tuần. Sau quyết định trên của Tổng thống Mỹ, lần lượt các nước như Australia, New Zealand và một số các quốc gia châu Âu đã cấm các sản phẩm, thiết bị mạng của Huawei.

Chỉ sau 4 ngày Huawei bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, Google, hãng phần mềm lớn nhất nước Mỹ đã quyết định dừng hợp tác, thu hồi giấy phép sử dụng Android Google trên các sản phẩm Huawei. 

Ngay sau đó, một loạt các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Qualcomm, Intel, Broadcomm và Infineon Technologies cũng đồng loạt tuyên bố chấm dứt việc mua bán linh kiện, chip, bán dẫn  với Huawei, đưa tập đoàn này vào thế khó khi bị bao vây cấm vận tứ phía.

Ngày 20/5, Bộ Thương mại Mỹ đã kí giấy phép tạm thời cho phép Huawei tiếp tục sử dụng phần mềm, thiết bị của Mỹ cho đến ngày 19/8. Giấy phép này sẽ cho phép Huawei cập nhật phần mềm và các bản vá cho những thiết bị đã được bán ra trong hoặc trước ngày 16/5.

Mặc dù vậy, công ty Trung Quốc vẫn bị cấm mua các bộ phận, linh kiện từ các công ty Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới. Giấy phép tạm thời này có hiệu lực trong vòng 90 ngày, và sẽ chấm dứt vào ngày 19/8. Bộ Thương mại Hoa Kì cũng cho biết đang xem xét có gia hạn tiếp sau 90 ngày hay không.

Tag:
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.