Theo thống kê của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), quý I/2023 nguồn cung bất động sản nhà ở đạt khoảng hơn 25.000 sản phẩm. Trong đó tại Hà Nội có 6 dự án, tại TP HCM có 5 dự án được các Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Nguồn cung sơ cấp hầu như chỉ tập trung vào giai đoạn kế tiếp của một vài dự án có quy mô lớn. Trong đó, cơ cấu nguồn cung phần lớn vẫn là các sản phẩm thấp tầng, đất nền - chiếm 50% tổng lượng cung.
Nguồn cung tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ, chiếm gần 40% tổng nguồn cung nhà ở cả nước. Trong khi đó, thiếu nguồn cung mới từ các dự án phát triển tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
Về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường nhà ở quý I chỉ đạt tỷ lệ khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
VARS nhận định lượng giao dịch thấp do nguồn cung trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm đầu tư và cao cấp, không phù hợp với nhu cầu thực sự và khả năng chi trả của người dân.
Đáng chú ý, hơn 72% lượng giao dịch nhà ở quý I là căn hộ chung cư. Căn hộ chung cư để ở, có quy mô, tiện ích và chất lượng tốt ở Hà Nội, TP HCM và các tỉnh vẫn thu hút sự quan tâm của người dân có nhu cầu ở thực, trong đó có cả nhu cầu sản phẩm cao cấp.
Lượng tìm kiếm và mua bán căn hộ chung cư tăng mạnh kể từ đầu tháng ba ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Một số dự án chung cư được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, vị trí thuận tiện và chất lượng bàn giao đảm bảo, có tỷ lệ hấp thụ lên đến hơn 80%.
Giá căn hộ chung cư ở các thành phố lớn cũng tiếp tục ghi nhận ở ngưỡng cao do các dự án mới mở bán chủ yếu là dự án cao cấp, trung bình 51 triệu đồng/m2 tại Hà Nội và 74 triệu đồng/m2 tại TP HCM.
Chủ đầu tư vẫn áp dụng các chính sách ưu đãi nhằm kích cầu và thu hút dòng tiền. Các dự án phù hợp với nhu cầu ở thực, đầy đủ pháp lý, thanh khoản tốt có dấu hiệu tăng giá.
Trong khi đó các sản phẩm biệt thự, shophouse, nhà phố, đất nền dự án ven đô ở nhiều địa phương gần như không có giao dịch.
“Bởi giá cao, niềm tin của khách hàng vẫn còn thấp, cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc mua đi bán lại bất động sản để ăn chênh lệch hay cho thuê trở nên rủi ro hơn”, VARS nhận định.