Ước mơ dang dở của điện ảnh Việt Nam

Ước mơ về nền điện ảnh Việt Nam được những nghệ sĩ gạo cội thả trôi theo dòng sông Hồng.

“Độc giả bình luận các anh chỉ là những kẻ tiêu tiền nhà nước làm phim nhưng không bán được vé, giải tán là đáng. Anh trả lời sao?”.

Chúng tôi hỏi đạo diễn Quốc Tuấn. Đó là những ngày anh đang là trung tâm của truyền thông, với câu chuyện đầy xúc động về hành trình cùng con trai. Nhưng buổi sáng ấy, trong quán cà phê trên phố cũ Hà Nội, câu chuyện là về điện ảnh.

“Bạn nói với công chúng giúp tôi: Lỗi không phải của nghệ sĩ” - anh trả lời.

"Các kịch bản do Hãng phim truyện sản xuất, được phê duyệt bởi Cục điện ảnh", đạo diễn Tuấn nói. Trong suốt 30 năm sau Đổi Mới, hãng phim này vẫn tồn tại theo đúng cách nó được tạo ra. Một cơ quan tuyên truyền.

Có nhiều kịch bản được gửi lên. Có những kịch bản tôi nghĩ là sẽ có công chúng. Nhưng Cục chỉ duyệt các kịch bản như các bạn đã thấy”.

Quốc Tuấn kể có những kịch bản Cục duyệt, mà ngay cả trong lúc cơ cực nhất, cần tiền nhất, cho dù cuộc sống của hai bố con chưa bao giờ dễ dàng, anh cũng không thể nhận làm đạo diễn.

“Có người nói bên lề với tôi, rằng những kịch bản phim thị trường, không phải phim cách mạng, phim lịch sử, phim lãnh tụ các anh đừng đưa lên mất công” – đạo diễn chua chát.

Ở thời đại trước, Hãng phim truyện Việt Nam tung hoành với sứ mệnh rạch ròi. Đó là những ngày của Nổi gió (1966), của Em bé Hà Nội (1974) hay Bao giờ cho đến tháng Mười (1984). Đó là những ngày mà trên những thước phim đen trắng, con người dốc lòng xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nền kinh tế thị trường ập đến, nhiệm vụ "tuyên truyền" của điện ảnh không còn nhiều đất diễn. Số phim được giao ít dần. Cơ chế quyết định vẫn từ trên xuống. Hãng phim trước cổ phần hóa vẫn là một cơ quan của Bộ.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

Những nghệ sĩ vẫn sống. Họ bơi ra thị trường, làm phim tư nhân, quay quảng cáo, lăn lộn được bằng nghề. Thậm chí như Quốc Tuấn, còn đi qua được một hành trình gian nan cùng Bôm, đứa con đau yếu. Tiếng đàn của Bôm văng vẳng trên sóng truyền hình, trên mặt báo, như bằng chứng cho khả năng xoay sở của một người cha - hay là một nghệ sĩ trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhưng cơ quan của họ, những dãy nhà ở địa chỉ số 4 Thụy Khuê, vẫn buộc phải tồn tại như một mảnh vỡ của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung.

Đạo diễn Quốc Tuấn từ chối cho người viết chụp lại một kịch bản tiêu biểu được đưa xuống hãng. Anh nói nó quá đáng sợ để công chúng nhìn thấy.

“Bọn tôi làm gì có quyền. Bọn tôi chỉ đưa kịch bản lên thôi. Trong số đấy Cục và Bộ chọn những kịch bản này. Lỗi của ai?”

Rất khó phân định lỗi của ai, khi việc nhà nước chỉ cấp ngân sách chủ yếu cho các phim “cách mạng và lịch sử”, là một điều đã được luật hóa.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

“Điện ảnh của chúng ta đã đánh mất đi một cái gì đó rất quan trọng”. Karen Shakhnazarov – Tổng giám đốc MOSFILM

“Chúng ta, từ sau thời hậu Xô Viết đã sợ hãi một cách vô lối từ ‘hệ tư tưởng’.”– Shakhnazarov Tổng giám đốc MOSFILM nói.

MOSFILM là cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh khối xã hội chủ nghĩa, và cũng như rất nhiều thiết chế khác trong buổi giao thời, trải qua khó khăn. Thời hậu Xô Viết, chính phủ Nga đã chi rất nhiều tiền để cứu biểu tượng này, biến nó trở lại thành một thế lực sản xuất phim thị trường và đạt doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm từ phim.

Karen Shakhnazarov bây giờ có thể tự hào rằng ông đang sản xuất các bộ phim hàng chục triệu USD. Những Hổ trắng và Anna Karenina của MOSFILM đang ăn khách và được ngợi khen trên báo chí thế giới. Nhưng đạo diễn vẫn tin rằng có điều gì đó đã mất đi.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

“Điện ảnh Xô Viết đã nổi bật bằng việc phân tích tâm lý, bằng sự chú ý đến con người bình dị, bằng chủ nghĩa hiện thực... Người nước ngoài đã nhớ điện ảnh Xô viết chính là như vậy. Điện ảnh Nga hiện nay, rất tiếc, đã đánh mất bản sắc dân tộc, mất hết vẻ đặc thù, độc đáo của nó. Nó rất hay được làm theo các khuôn mẫu của phim ảnh Hollywood”.

Các đạo diễn trẻ của Nga, theo Shakhnazarov, không thể hiểu rằng họ không tài nào làm được như người Mỹ. Nhưng trong mắt vị đạo diễn gạo cội này, một thế hệ các nhà điện ảnh Nga đang bị ngấm đòn của Hollywood, và sẽ "không khỏi bệnh".

NSND Thanh Vân đồng ý, khi ý kiến của Shakhnazarov được nêu ra, và đặt vào bối cảnh của Việt Nam hậu mở cửa.

Ông tin rằng không chỉ có điện ảnh, mà mọi lĩnh vực văn hóa, như văn học, đều đang trở nên lạc đường khi thiếu đi một hệ tư tưởng. Từng có thời, mục đích làm phim rất rõ ràng. Thanh Vân nhớ lại thời ông mới theo các chú làm phim, khi đôi lúc người dân chen chúc giẫm đạp trong sân hợp tác xã để được xem chiếu bóng. “Thời ấy, một bộ phim ra đời, người ta hỏi nhau rằng phim có hay không, quay có đẹp không, nội dung có ý nghĩa không. Một bộ phim nó có nhiều chức năng hơn là việc kiếm tiền”, ông nói.

Ông gọi đó là “âm hưởng của thời đại”. Việc làm phim, cũng như mọi hoạt động văn hóa khác, như là sáng tác văn học, hòa chung với âm hưởng của thời đại đó. Mọi người biết mình đang hướng tới điều gì.

"Bây giờ? Làm phim ra chỉ hỏi nhau có bán được vé không, thu được bao nhiêu tiền” – ông nói giọng bình lặng.

Ngồi bên cạnh Thanh Vân là vợ ông, NSND Nhuệ Giang. Người phụ nữ dáng người nhỏ bé, cả đời gắn bó với những bộ phim, từ người cha – NSND Phạm Văn Khoa – cho đến sự nghiệp riêng và cả những trăn trở của người chồng. Bà tin rằng, nếu như chỉ đuổi theo thị trường, người ta sẽ tự nhiên đuổi theo gái, theo sex, theo xã hội đen, và các chủ đề phù hợp với thị hiếu.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

“Ngày xưa cũng thuộc Bộ, cũng là cơ quan quản lý nhà nước quyết định việc làm phim, tại sao lại vẫn sinh ra được những thước phim hay?” – một câu hỏi khác dành cho Quốc Tuấn.

“Bạn cứ nghe các ca khúc ngày xưa, tại sao nó phơi phới thế. Người ta ra chiến trường, nhưng người ta phơi phới, bởi vì người ta có lòng tin. Họ có lòng tin, rằng chiến thắng để làm gì”.

Quốc Tuấn kể về những nhà biên kịch nổi tiếng, đã từng một thời lẫm liệt, bây giờ không thể viết nổi một dòng. “Người ta không còn niềm tin” – anh nhấn mạnh. Không có niềm tin vào thực tại, họ không viết được. Đưa tiền, họ cũng đành trả lại tiền. Những người viết, không còn sự hồn nhiên. “Không hồn nhiên thì viết sẽ giả dối”.

“Tuấn ơi, ở nước mày, tao ra đường là thấy những chất liệu tuyệt vời để viết. Tại sao chúng mày không viết?” – Quốc Tuấn nhớ lại câu hỏi của một người thày châu Âu thời anh còn học trong trường điện ảnh. “Tôi buồn lắm. Tôi trả lời, nếu bọn tao viết về những thứ đó, tao sẽ không bao giờ được làm”.

Danh sách những bộ phim Việt Nam ăn khách nhất hiện nay, bao gồm phần lớn những phim được đầu tư, biên kịch và sản xuất bởi các bậc thầy làm thị trường người Hàn Quốc. Một số khác, được tạo ra bởi các đạo diễn Việt kiều trưởng thành trong môi trường Hollywood. Những tác phẩm mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả và có tiền. Nhưng chức năng phản biện xã hội, phản ánh hiện thực và tâm trạng của người Việt Nam, thứ mà người ta từng thấy đầy ắp trong các thước phim đen trắng của thập kỷ 1980 trở về trước, trở nên vô cùng mờ nhạt.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho điện ảnh, vẫn tập trung vào “định hướng chủ đề tư tưởng gắn với các sự kiện lịch sử và bước phát triển lớn của dân tộc” – theo Nghị định 54/2010.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

“Gần như tất cả các quốc gia trên thế giới (trừ Mỹ) đều có một hình thức quỹ hỗ trợ từ chính phủ dành cho điện ảnh để chống đỡ sự lan tràn của Hollywood”.- Tạp chí Toronto Film Scene

Việt Nam nằm trong số quốc gia chưa rõ nhu cầu làm điều tương tự. Hầu hết nước quan tâm đến nền điện ảnh, đều có một nguồn tài chính từ chính phủ, và thường được phân bổ qua một cơ quan nghệ thuật độc lập, để phát triển điện ảnh. Họ xác định điện ảnh là một mặt trận lớn của văn hóa bản địa trong thời đại toàn cầu hóa.

“Nhưng ở Việt Nam, người ta chưa coi điện ảnh là bộ mặt quốc gia” – NSND Thanh Vân nói. Ngồi bên cạnh, vợ ông nhắc đến những Hàn Quốc, hay Iran, các nền điện ảnh đang gặt giải thưởng quốc tế như "thu lúa mùa". Hàng chục triệu đô mỗi năm được các chính phủ này đầu tư cho “bộ mặt quốc gia” của họ.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam
Nguồn tài trợ trực tiếp của một số chính phủ cho việc sản xuất phim có giá trị. Đơn vị: triệu USD.

Từ những nền kinh tế thị trường trứ danh châu Á, nơi nền điện ảnh là một cuộc rượt đuổi ngoạn mục của các kỷ lục phòng vé, như Hong Kong hay Hàn Quốc, cho đến các quốc gia phương Tây như Canada hay Đức, chính phủ đều nhìn nhận việc đầu tư ngân sách cho điện ảnh là một động thái bảo tồn và phát triển văn hóa.

Tại Việt Nam, từ năm 2016 tới nay Nhà nước không cấp ngân sách sản xuất thêm phim truyện nào. Chính sách phát triển điện ảnh bị đóng vào những cơ chế cấp phát khiến chính Cục Điện ảnh cũng phải lên tiếng phản đối. Những mô hình tân tiến để phát triển điện ảnh, như một quỹ hỗ trợ theo kiểu Hàn Quốc hay Đức, vẫn đang nằm trên giấy. Những bộ phim dùng ngân sách gần nhất, được đặt hàng về “lịch sử và chiến tranh”, trở thành những đứa con rơi. Những phát biểu quan trọng về điện ảnh, chỉ nói đến việc bán vé kiếm tiền. Cơ quan sản xuất phim uy tín nhất tại Việt Nam hiện nay, một cách không chính thức, là CJ Entertainment – một thể chế kinh tế Hàn Quốc – nơi xuất xưởng Cô gái đến từ hôm qua hay Em là bà nội của anh.

Và hãng phim truyện Việt Nam được bán cho một công ty vận tải thủy.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

Trong những ngày số 4 Thụy Khuê sục sôi với cuộc đấu tranh giữa các nghệ sĩ và chủ đầu tư mới của Hãng phim truyện, chúng tôi đề xuất với các nghệ sĩ: tạm để chuyện cổ phần hóa sang một bên.

Câu chuyện cổ phần hóa hãng phim, với những hoài nghi về năng lực của chủ sở hữu mới – vốn là công ty vận tải thủy, của mục đích với “đất vàng” ở số 4 Thụy Khuê, với cách ứng xử văn hóa, về tính minh bạch của cổ phần hóa, đã trở thành tâm điểm của truyền thông suốt cả tháng ròng. Trong những ngày tháng ấy, các đạo diễn và nhà quay phim tập trung trong gian phòng nhỏ tại số 4 Thụy Khuê, và bàn cách giữ hãng phim không trở thành một địa chỉ “cho thuê quán chân gà nướng”. Họ ngồi bên bàn nước, vô tình hay hữu ý, dưới một tấm poster cũ của “Chiến hạm Potemkin” – bộ phim câm Liên Xô kể về một thủy thủ đoàn đứng dậy chiến đấu với chủ tàu để đòi quyền. “Cũng vì bị đàn áp quá đấy” – đạo diễn Vũ Xuân Hưng quay sang cười với phóng viên.

Nhưng chúng tôi đề nghị với các nghệ sĩ của Hãng phim truyện, rằng trong một buổi sáng, họ sẽ cùng để cổ phần hóa sang một bên, để thể hiện thái độ, cảm xúc, sự quan tâm của họ về nền điện ảnh.

Các nghệ sĩ đồng ý. Hơn ai hết, họ ý thức được rằng câu chuyện ở Hãng phim hiện tại chỉ là một biểu hiện cực đoan của việc điện ảnh đang không còn là một chiến lược quốc gia.

Chín giờ sáng ngày 1/10, bảy người tập hợp ở Đình Chèm – một trong những địa chỉ văn hóa lâu đời nhất của người Hà Nội – bên bờ sông Hồng.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

Bảy người: NSND Minh Châu, NSND Thanh Vân, đạo diễn Nguyễn Đức Việt, quay phim Lê Minh Hà, Vũ Quốc Tuấn, biên kịch Nguyễn Xuân Thành và Trần Thị Anh Hồng ngồi trước cổng đình. Trên tay họ, là những bức ảnh in lại từ các huyền thoại của nền điện ảnh Việt Nam. Mỗi người tự chọn một tấm. Họ ngồi viết những dòng nhắn gửi lên đằng sau mỗi tấm ảnh.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

“Đừng khóc! Hãy chiến đấu!” – Thanh Vân viết ngắn, như tính cách của ông, ra mặt sau của poster Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.

“Hãy biết trân trọng và gìn giữ những giá trị lịch sử của ông cha ta để lại” – "Cô gái bên sông" Nguyễn Thị Minh Châu, ở tuổi lục tuần, viết lên phía sau tấm ảnh chụp cô Hoài trong Chung một dòng sông - phim đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954.

Còn NSƯT Vũ Quốc Tuấn, thì viết như một biên bản. “Tôi, Vũ Quốc Tuấn, NSƯT, quay phim. Con đường tôi đi và ước mơ suốt đời tôi là đồng hành với điện ảnh. Tình yêu với điện ảnh đã cho tôi nhiều thành công. Tôi mong ước con đường điện ảnh của chúng ta mãi mãi trường tồn với thời gian”. Anh viết ra sau một cảnh trong Đến hẹn lại lên.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

Bảy người, bảy tâm trạng trải ra trên thềm rồng của ngôi đình cổ. Nhưng chung một niềm hoài tiếc. Họ, và nhiều đồng nghiệp, tin rằng sự nghiệp mình đeo đuổi đang không được trân trọng.

"Đồng tiền rất quan trọng, nhưng đồng tiền không mua được tất cả" - quay phim Nguyễn Xuân Thành viết lên phía sau hình ảnh của Con chim vành khuyên.

Nhưng không phải tất cả đều là những lời phê bình. Nhà biên kịch Thanh Hồng, chỉ viết lên đó một nỗi niềm rất riêng: "Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn làm Điện ảnh, làm một biên kịch chân chính. Ở đó tôi được thỏa sức sáng tạo nên những tác phẩm vì con người, vì cuộc sống tươi đẹp của hôm nay và mai sau...".

Họ buộc những tấm ảnh bằng một sợi chỉ đỏ và cho nó vào trong chiếc chai thủy tinh.

Họ đi từ Đình Chèm xuống bờ sông. Ở đó, những con người gạo cội của nền điện ảnh thả những chiếc chai xuống xuôi theo dòng sông Hồng. Những chiếc chai trôi trên dòng nước đã trở thành một mô típ kinh điển của những lời nhắn gửi xa xôi. Họ gửi ước mơ về điện ảnh trôi theo dòng nước.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

NSND Nguyễn Thị Minh Châu bên sông Hồng.

Khi thực hiện bộ ảnh, chúng tôi thống nhất với nhau việc đưa những thước phim vào chai và để chúng trôi đi, không đồng nghĩa với việc thừa nhận sự mất mát. Nó chỉ được gói lại, và gửi đi, nhưng cho ai thì chưa biết.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

Bờ sông Hồng hôm ấy là một ngày nắng đẹp. Ở đó, gương mặt của Lan Hương trong Em bé Hà Nội, của Như Quỳnh trong Đến hẹn lại lên, của Trà Giang trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm và của Tố Uyên trong Con chim vành khuyêndập dềnh trên sóng nước.

"Thử làm một biểu đồ so sánh số tiền chi cho công tác bảo tàng, xây tượng đài, tổ chức lễ hội, hàng nghìn hàng nghìn tỷ so với số tiền chi cho điện ảnh, sẽ biết điện ảnh được đối đãi thế nào" - quay phim Lê Mạnh Hà dặn lại người viết, trước khi chia tay.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

Buổi cà phê với Quốc Tuấn kết thúc lúc 11 giờ trưa. Anh phải đi đón con trai. Đứa trẻ con đã khiến anh rất bận, đã khiến anh khóc nhiều, và thậm chí, những giọt nước mắt đã trở thành đề tài để ông chủ mới của hãng phim đàm tiếu (“Ở đây có đồng chí Tuấn đi đâu cũng khóc như mưa”; “Anh Tuấn là dân đóng kịch, dân diễn mà” - ông Thủy Nguyên nói).

Trước khi chia tay, đạo diễn dặn nhiều lần: “Bạn nói giúp: Công chúng nói nghệ sĩ thế là oan cho bọn tôi quá”. Nghệ sĩ vẫn sống được, không cần gì đồng lương một tháng mấy triệu từ hãng phim, nhưng thứ mà họ đang muốn giữ, là sự tự tôn. “Nghệ sĩ chúng tôi chỉ có cái mặt để sống”.

Bạn thân của anh, đạo diễn Nguyễn Đức Việt, đã viết lên phía sau gương mặt tươi sáng của Em bé Hà Nội một mong ước hồn nhiên. “Nền điện ảnh Việt Nam rồi sẽ vinh quang trở lại! Tôi tin chắc chắn thế”.

uoc mo dang do cua dien anh viet nam

Gương mặt ấy, của một thời đại có lý tưởng, khi em bé Hà Nội chạy trên đường phố thủ đô bom đạn với cây đàn và chiếc khăn tang, bây giờ đang lưu lạc đâu đó trong dòng nước.

Người tiếp nhận ước mơ về nền điện ảnh Việt Nam của những người tóc đã bạc kia, có thể là thế hệ sau, các nhà quản lý văn hóa hiện tại, hay một doanh nghiệp ngoài biên giới?

Ảnh: Cường Đỗ Mạnh

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.