- Xin chào đạo diễn Nhuệ Giang! Thời gian qua việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam gây nhiều bức xúc cho các nghệ sĩ, đạo diễn nghĩ sao về việc này?
Dạo gần đây, báo chí truyền thông cũng đưa tin rất nhiều. Mọi người cũng chia sẻ sự việc này trên trang cá nhân. Ở đây, quá trình cổ phần hóa vận dụng cả pháp luật vào để cho thấy rằng sự việc còn có nhiều vấn đề sai phạm chưa hợp lý, gây nhiều bức xúc cho nghệ sĩ. Tôi thấy cái tâm của người làm cổ phần hóa không sáng.
- Đạo diễn có suy nghĩ gì khi định giá hãng phim 0 đồng?
Điều này gây bức xúc cho nhiều người. Họ xúc phạm tới nhiều nghệ sĩ lão thành - những người lao động, cống hiến cả tuổi trẻ để cho ra nhiều tác phẩm phim kinh điển. Các tác phẩm này còn sống mãi với thời gian. Bởi nó có nhiều giá trị nhân văn, tính giáo dục cho các sinh viên học điện ảnh, tác dụng tới cả thế hệ trẻ khi họ xem có thể đánh giá được giá trị sâu sắc hơn nhiều so với phim thị trường giải trí.
Sự việc cổ phần hóa này cũng gây nghiều nghi ngờ, không minh bạch. Tôi hoài nghi rằng việc định giá thương hiệu của cả một hãng phim có giá trị bằng 0 thì nhà nước được gì hay mất gì khi nó bị xóa sổ?
- Chị nghĩ sao về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam?
Tôi rất ủng hộ việc cổ phần hóa hãng phim trong bối cảnh hiện nay. Nhưng cổ phần là làm tốt hơn cho hãng phim chứ không phải để giết nó.
- Khi lãnh đạo mới của hãng phim là người không hề biết về phim, là đạo diễn chị nghĩ sao về việc này?
Bản thân tôi hay những người nghệ sĩ phải lao động rất vất vả, làm việc với nhiều tâm huyết mỗi khi cho ra đời một bộ phim. Nhưng với một người lãnh đạo thiếu tầm văn hóa, chưa biết tí gì về phim thì sao có thể hiểu và chia sẻ được sự lao động của người nghệ sĩ. Sự việc cổ phần hóa hãng phim với một người lãnh đạo như hiện tại đã gây mất lòng tin ở tôi và nhiều nghệ sĩ khác.
- Khi lãnh đao mới của hãng yêu cầu để được trả lương, các nghệ sĩ đang làm việc tại đây phải chấm vân tay như đi làm hành chính. Là người trực tiếp làm phim, chị có suy nghĩ gì về cách quản lý này?
Tôi đánh giá người lãnh đạo này không đủ tầm kiến thức, văn hóa. Người lãnh đạo này khi vừa mới tiếp nhận hãng phim thì đã phá toàn bộ đội ngũ sáng tạo nghệ thuật đang làm việc ở đây. Trong đó, có rất nhiều nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân vẫn đang công tác. Với người lãnh đạo này họ chẳng hề quan tâm đến danh hiệu ưu tú hay nhân dân. Cái họ quan tâm chỉ là nhìn thấy ai làm ra tiền thì trả công, nhưng không hề hiểu sự cống hiến nhiều năm qua của người nghệ sĩ. 2 năm vừa rồi rất khó khăn thì hầu như không có bộ phim nào. Lúc chuẩn bị cổ phần thì họ hứa rất nhiều nhưng thực tế trong thời gian vừa qua thì không thực hiện được cái gì.
- Vậy chị mong muốn lãnh đạo mới của hãng phim sẽ là người như thế nào?
Tôi mong mỏi việc cổ phần hóa có thể tìm được một nhà cổ đông thật sự có năng lực, vừa am hiểu được văn hóa, có kiến thức, có tiềm lực kinh tế để phát triển được điện ảnh.
- Lãnh đạo mới của hãng từng cho rằng cần làm phim thị trường mới có doanh thu lớn, và đã bỏ hết đạo cụ cũ của hãng. Là người theo dòng phim nghệ thuật thì đạo diễn nghĩ sao?
Như tôi chia sẻ, người lãnh đạo này không đủ tầm kiến thức, văn hóa, chỉ nghĩ đến đồng tiền trước mắt.
Chúng ta đừng dồn hết vào phim thị trường với cái lợi trước mắt. Chúng ta cần phát triển và quan tâm đến dòng phim nghệ thuật. Hiện nay, nhiều phim thương mại mang tính giải trí và hoàn toàn phi thẩm mỹ, không có ý tưởng gì về tính nhân văn, tính giáo dục. Thậm chí, bây giờ nhiều phim bị mua bởi văn hóa Hàn Quốc, không còn tính Việt Nam, dần dần mất tính dân tộc. Nhiều khán giả cần những bộ phim nói về thực trạng của đất nước, từ đấy mới tạo suy nghĩ cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ, để chúng ta nhận thức được việc phát triển đất nước.
Phim nghệ thuật là tiếng nói làm lay động trái tim. Tài năng, tâm huyết, nghệ thuật điện ảnh có tính sáng tạo đều nằm trong phim nghệ thuật. Và chính dòng phim này khi ra được nước ngoài và được đón nhận. Khi mang những bộ phim nghệ thuật tới các liên hoan phim, thế giới sẽ biết được điện ảnh, cuộc sống, con người cũng như văn hóa của Việt Nam. Họ biết đến Việt Nam hiện nay ra sao cũng nhờ qua những bộ phim nghệ thuật. Những phim thị trường của Việt Nam hiện nay thì không làm được điều đó.
- Hiện nay phim nghệ thuật dường như không còn chỗ đứng trên thị trường, chị có nghĩ như vậy?
Thực trạng phim nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2011 đến nay tính ra mỗi năm chỉ có 1 đến 2 phim nghệ thuật. Năm 2011 có Tâm hồn người mẹ; năm 2013 có phim Lạc lối; năm 2015 có Cuộc đời của Yến; năm nay có Cha cõng con và Đảo của dân ngụ cư. Người nghệ sĩ tài năng rất đơn độc khi họ tự tìm kịch bản, tự sản xuất, tự kiếm nguồn vốn, tự làm tất cả mà không có môi trường hỗ trợ. Điều này cho thấy phim nghê thuật đang bị rẻ rúng.
Ở Mỹ, mỗi năm sản xuất khá nhiều phim. Tuy nhiên, những bộ phim chất lượng được tham dự các liên hoan phim thì cũng chỉ khoảng hai chục. Việt Nam cũng vậy, những phim chất lượng thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
- Việc phim nghệ thuật gặp bế tắc như vậy có phải có yếu tố quảng bá, hay do không đáp ứng được thị hiếu của khán giả?
Phim nghệ thuật do tư nhân sản xuất thì cũng có đầu tư quảng cáo. Tuy nhiên do đặc thù thị trường và quan niệm thưởng thức của người xem cũng là yếu tố quyết định. Hàng chục năm nay, dòng phim thương mại ồ ạt phủ chiếm thị trường. Nhiều nhà sản xuất phim Việt Nam có quan niệm phim mà “ăn khách” thì phải có tí hành động, bạo lực, không thì kiểu “đàn ông mặc váy đàn bà”; phim kinh dị thì làm khá buồn tẻ. Những bộ phim nội dung vậy thì khán giả xem xong họ cũng nhanh chóng quên đi.
Phim thương mại phát triển ào ạt. Nhiều phim cũng thua lỗ rất nhiều, nhưng họ cũng im ỉm, còn thắng lợi thì phô trương rất mạnh. Những phim nghệ thuật, dù quảng cáo thì cũng ít được khán giả quan tâm vì họ ngại xem nội dung nặng nề.
- Yếu tố chất lượng của các bộ phim có phải là vấn đề quyết định việc phát triển điện ảnh?
Đúng là nội dung của các bộ phim giữ vai trò quan trọng. Nếu làm phim không hay thì sẽ mất uy tín, khán giả sẽ quay lưng lại.
Việc phát triển điện ảnh cũng đòi hỏi phải đi “2 chân” vừa mang tính thẩm mỹ nhưng cũng mang tính sáng tạo, tính thị hiếu của người xem. Dòng phim thị trường và phim nghệ thuật cần cùng phát triển để nuôi nhau. Một cái hướng vào việc kiếm doanh thu lợi nhuận, còn cái kia hướng vào sáng tạo nghệ thuật. Nhưng mục đích chung đó là phát triển ngôn ngữ điện ảnh. Nếu chỉ có dòng phim thị trường tồn tại thì khá là buồn tẻ.
Một đất nước không có văn hóa, nghệ thuật ở đỉnh cao thì rất là buồn. Giá trị của con người chính là giá trị văn hóa, nghệ thuật. Khi dân trí, nhận thức của con người được nâng cao thì lúc đó mới thực sự phát triển.
Cảm ơn đạo diễn đã chia sẻ!
Ảnh: An Huy
Giải trí 00:13 | 27/09/2018
Giải trí 15:45 | 30/10/2017
Giải trí 07:12 | 20/10/2017
Giải trí 14:33 | 13/10/2017
Giải trí 13:10 | 13/10/2017
Giải trí 08:07 | 12/10/2017
Giải trí 04:25 | 12/10/2017
Giải trí 10:45 | 10/10/2017