Không chỉ cà phê nhuộm bằng pin, những món ăn quen thuộc này cũng có pin 'góp mặt' | |
Vụ nhuộm cà phê bằng pin: Thứ trưởng NN&PTNT nói gì? |
Liên quan đến thông tin vào ngày 16/4, Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông bất ngờ kiểm tra Cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer) đang pha trộn tạp chất vào cà phê đã khiến dư luận hoang mang, lo ngại vì trong pin có nhiều hàm lượng kim loại nặng...
TS.BS Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của các kim loại nặng trong pin đối với sức khỏe con người. |
Theo TS.BS Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, các kim loại nặng có nhiều trong pin khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ quan đích như não, tim, phổi, thận, suy gan…
Trước thông tin lõi pin được sử dụng để nhuộm cà phê, TS Xuân cho biết chưa có thông tin cụ thể để biết được loại pin cơ sở sản xuất sử dụng để chế biến cà phê.
Tuy nhiên, TS Xuân khẳng định: Pin không sử dụng để uống được. Pin có rất nhiều loại, nhưng loại pin cacbon là phổ biến nhất. Trong lõi pin cacbon ngoài các chất bảo quản, thành phần còn có mangan dioxit sau khi chuyển hoá thành dạng ion, thuỷ ngân, một số kim loại nặng, tạp chất… gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ con người.
"Kim loại nặng khi xâm nhập vào cơ thể gây ảnh hưởng đến trí tuệ, hệ tim mạch, xương, máu… Bởi khi kim loại nặng vào cơ thể, nó sẽ phân bố đến tất cả cơ quan đích, tuỳ theo lượng hấp thu nhiều hay ít mà thể hiện các triệu chứng khác nhau, nhưng cái mà dễ thấy nhất là những triệu chứng về thần kinh"- TS Xuân cho hay.
Ngộ độc mạn tính thường gặp và nguy hiểm hơn do nhiều lần ăn uống phải thức ăn, đồ uống có hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng, chúng nhiễm và tích lũy dần rồi gây hại cho cơ thể.
Tuy nhiên theo TS Xuân, tuỳ theo từng loại kim loại nặng, thời gian dùng, sự hấp thu… mà nó tác hại đến sức khoẻ ra sao. Trong đó, tác động đến thần kinh là rõ ràng nhất, như ở người trẻ thì ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, ở người lớn thì là các bệnh mãn tính như parkinson, thoái hoá não. Ngoài ra còn ảnh hưởng cả não, tim, phổi, thận, suy gan.
Lực lượng chức năng phát hiện việc trộn pin vào sản xuất cà phê tại cơ sở chế biến kinh doanh nông sản ở tỉnh Đắc Nông. |
Nơi tích lũy kim loại nặng là gan, thận, não rồi đào thải qua đường tiêu hóa và đường tiết niệu. Khi cơ thể tích lũy một lượng đáng kể sẽ dần dần xuất hiện các biểu hiện nhiễm độc như hơi thở hôi, sưng lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, thường gây sẩy thai ở phụ nữ có thai.
TS Xuân cũng chia sẻ, trong thực tế điều trị, ngộ độc kim loại nặng luôn là những vấn đề nhức nhối bởi những tác hại nguy hiểm của nó đến sức khoẻ. Tuy nhiên trên thực tế kim loại nặng có những nguồn rất khó kiểm soát như từ bệnh nghề nghiệp, thuốc nam không chính thống, khi cơ sở sản xuất sử dụng với mục đích không tốt trong chế biến thực phẩm…
Liên quan đến vụ việc Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông bất ngờ kiểm tra Cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer) đang pha trộn tạp chất vào cà phê, hiện cơ quan chức năng đang kiểm định mẫu cà phê tại cơ sở kinh doanh này, khi có kết quả, sẽ tiến hành xử phạt vi phạm. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin... dùng để nhuộm đen cà phê. Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận hành vi đến các đại lý thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn... sau đó mua các cục pin về đập dẹp, dùng lõi pin hòa với nước rồi nhuộm vào cà phê, đóng gói bán ra thị trường. |
Tận mắt chứng kiến cơ sở sản xuất cà phê từ bột đá và pin ở Đắk Nông | |
Tác hại kinh hoàng khi 'nhuộm' cà phê bằng lõi pin |