VEF lãi đột biến nhờ khoản tiền gửi ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp gần 5.000 tỷ đồng

Doanh thu chỉ hơn 2 tỷ nhưng nhờ khoản tiền lãi từ tiền gửi có kỳ hạn và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gần 5.000 tỷ đồng giúp lãi sau thuế của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (mã: VEF) đạt 53,5 tỷ.

CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Mã: VEF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021.

Trong khi doanh thu thuần đạt 2,2 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ thì lợi nhuận sau thuế của công ty lại tăng lên 53,5 tỷ đồng, cao gấp 4,3 lần so với quý I/2020.

Lợi nhuận quý I/2021 của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam tăng 327% nhờ doanh thu tài chính - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của VEF.

Nguyên nhân dẫn đến việc giảm doanh thu thuần là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, doanh thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ tổ chức triển lãm, hội chợ của công ty trong kỳ chỉ đạt mức gần 2 tỷ đồng, thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ các khoản lãi cho vay và đầu tư của VEF trong quý I đạt 71,7 tỷ đồng, tăng 267% so với quý I/2020 và đây cũng là nguồn đóng góp chính vào sự đột biến trong lợi nhuận của VEF.

Tính tới hết quý I, khoản tiền, tương đương tiền của VEF gần 5.510 tỷ đồng. Trong đó, có gần 4.957 tỷ là tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng (lãi suất từ 2,9% đến 3,8%/năm) và các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với thời gian thu hồi nhỏ hơn 3 tháng (lãi suất từ 5% đến 6,2%/năm).

Nói thêm, ngày 15/6/2020, Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC) và cũng là công ty mẹ nắm hơn 83,3% vốn của VEF đã ứng trước 4.900 tỉ đồng cho doanh nghiệp nhằm mục đích góp vốn theo phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và khoản này đang nằm trong mục, tiền, tương đương tiền của VEF.

Về tình hình tài chính, tính đến hết ngày 31/3, tổng tài sản của VEF được ghi nhận ở mức 7.473 tỷ đồng, cao hơn 564 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, 3/4 tài sản nằm ở khoản tiền, tương đương tiền.

Cuối quý I, công ty có một khoản phải thu 840 tỷ đồng cho một đối tác doanh nghiệp vay với lãi suất 9%/năm. Theo đó, VEF cũng ghi nhận một khoản phải thu dài hạn là tiền lãi gần 159 tỷ đồng và sẽ được thu hồi khi gốc vay đáo hạn.

Ngoài ra, VEF tiếp tục triển khai các dự án bao gồm dự án Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở, dự án Trung tâm hội trợ triển lãm Quốc gia và dự án Mễ Trì trong kỳ với mức chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 875,4 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp lãi đột biến nhờ khoản tiền gửi ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp gần 5.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021.

Một điểm đáng chú ý là công ty đã dùng đòn bẩy tài chính trong kỳ khi vay Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam số tiền 510 tỷ đồng kỳ hạn tối đa 24 tháng với lãi suất 8,6%/năm.

Tổng vốn chủ sở hữu được ghi nhận tại ngày 31/3 là 2.047 tỷ đồng với khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 375,8 tỷ đồng.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.