Vì sao người Sài Gòn chán mua hàng Black Friday?

Black Friday 2019, bất chấp giảm giá sập sàn 70-80% nhưng trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất TP HCM lại ảm đạm, không thu hút đông khách mua sắm như các năm. Các tuyến đường chuyên thời trang như Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ… cũng vắng vẻ khác lạ.

Tối 29/11, dù hơn 22h trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) mới đóng cửa như thương lệ, nhưng từ 21h, rất đông khách mua sắm đã lũ lượt kéo về, đứng ngồi chật ních các lối ra vào trên đường Lý Tự Trọng và Lê Thánh Tôn.

IMG_8837

Mới 21h, dòng người mua sắm nhưng ra về tay không đã kéo nhau ra đường, không hào hứng mua sắm như các năm. (Ảnh: Phúc Minh).

Đi mua sắm dịp Black Friday giữa hàng loạt thương hiệu thời trang có tiếng trong và ngoài nước quảng cáo giảm giá "sập sàn", lên đến 50-60%, nhưng rất hiếm người cầm trên tay túi xách đựng giày dép, quần áo.

Khách mệt mỏi về sớm trước giờ đóng cửa hơn cả tiếng

Thanh Hương (nhân viên văn phòng, làm việc tại quận 3) tan sở lúc 17h, vội vàng về phòng trọ, ăn nhẹ bữa tối, diện trang phục đơn giản rồi tranh thủ đến trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi để mua sắm. Chị có hẹn với một nhóm 3 người bạn khác săn hàng Black Friday tối Thứu Sáu đen, vì thấy có rất nhiều chương trình khuyến mãi của các thương hiệu lớn.

"Bây giờ là 21h30, sau 2 tiếng rưỡi đồng hồ, nhóm chúng tôi vẫn không thể mua được bất kì chiếc đầm, cái áo hay đôi giày nào như mong muốn. Không phải do quá đông đến mức phải chen lấn, chờ đợi, mà thực tế khuyến mãi không như mình kì vọng. Hàng hoá nói đúng ra không được ưng ý", Hương nói và tỏ vẻ mệt mỏi khi tiếp tục phải chờ taxi công nghệ đến đón, mà đường bên ngoài thì ken cứng.

Hương và nhóm bạn chỉ là một trong số rất nhiều khách hàng đi "săn sale" dịp "thứ Sáu đen tối" tại trung tâm thương mại này và ra về tay trắng.

IMG_8845

Cảnh tượng thưa vắng bất ngờ tại Vincom Đồng Khởi tối Black Friday. (Ảnh: Phúc Minh).

Đáng chú ý, tối qua, tại Vincom Đồng Khởi, không còn bắt gặp cảnh các lối lên xuống thang cuốn  dẫn đến các thương hiệu thời trang nằm tại các tầng khác nhau, đông cứng như năm 2018. 

Tại một cửa hàng cuản thương hiệu lớn chuyên về giày dép và túi xách, nếu như năm ngoái, khách tràn trong, tràn ngoài, đến nỗi nhân viên phải đứng trên bục cao, giơ từng đôi giày vừa lấy trong kho, chuyền luôn đến tay khách hàng, thì năm nay chỉ lèo tèo vài khách ngắm nghía, dù mức cũng áp dụng 50% cho hầu hết sản phẩm.

Cũng tại trung tâm thương mại này, năm ngoái, nhiều khách "cố thủ" đến giờ cửa hàng đóng cửa, trung tâm phát thông báo "hẹn gặp lại ngày mai" vẫn cố săn hàng giờ chót thì năm nay tình cảnh trái ngược hoàn toàn.

IMG_8802

Năm ngoái, cửa hàng này phải đóng cửa từ chối nhận khách, thì năm nay vắng hoe. (Ảnh: Phúc Minh).

Black Friday 2019 không còn cảnh đông đúc, chen lấn, xếp hàng cả giờ đồng hồ để chờ đến lượt vào mua. 

Ngay cả các trung tâm mua sắm vốn thu hút khách thuộc hạng đông bậc nhất tại TP HCM như Saigon Centre, Takashimaya (quận 1), Vincom Landmark 81 (quận Bình Thạnh)... Black Friday hàng năm vẫn rất sôi động nhưng năm nay cũng tẻ nhạt.

Cần gì chờ Black Friday, cả năm đều đã khuyến mãi

Lí giải về việc không mấy mặn mà đi trung tâm thương mại mua sắm Black Friday, Ngọc Như (nhân viên văn phòng tại quận 1), cho biết cô đã quá quen với các chương trình khuyến mãi mà các thương hiệu tung ra dịp này.

"Xung quanh cơ quan tôi có nhiều trung tâm thương mại, ra vào nên biết hầu như tháng nào cũng đều có khuyến mãi. Theo quan sát của tôi, mức giá hôm nay các hãng đưa ra cao lắm chỉ nhỉnh hơn các đợt bình thường từ 10-20%. Thực tế, mức giảm này thì lại không hấp dẫn, vì không giảm được thêm là bao so với ngày thường", Như chia sẻ.

IMG_8808

Black Friday nhưng nhiều thương hiệu, cửa hàng đã áp dụng giảm giá kéo dài cả tuần, thậm chí nửa tháng. (Ảnh: Phúc Minh).

Đơn cử, thương hiệu thời trang H. hay thời trang Z. thỉnh thoảng vẫn đưa ra mức giảm 10-15%, dịp Black Friday, cũng vẫn là mức giảm này, thậm chí không áp dụng cho toàn bộ sản phẩm.

"Giảm giá 10-15%, tức cũng chỉ giảm được vài chục nghìn, nhiều sản phẩm cao hơn thì hơn 100.000 đồng, như vậy là không nhiều. Chưa kể, vì ham mác khuyến mãi, bất chấp mua mà không ưng ý lắm, mua về lại chất vào tủ mà mặc được 1-2 lần. Tôi rút kinh nghiệm việc này rồi", Như cho biết.

Trong khi đó, Tuấn Huỳnh (nhân viên truyền thông tại quận 3), cho hay công việc của anh cần ăn mặc đẹp, chỉn chu vì giao tiếp nhiều với khách hàng, làm sự kiện, và khá "tốn" quần áo, nhưng cũng không ham lắm việc săn quần áo giảm giá ngày Black Friday vài năm trở lại đây.

"Nếu để ý sẽ thấy, mang tiếng Black Friday nhưng các thương hiệu này đâu có giảm giá duy nhất trong một ngày, tại Việt Nam, hầu hết là như vậy, chắc chắn luôn. Thời gian khuyến mãi 1 tuần, hoặc 3-5 hôm, vì vậy, không nhất thiết phải đi đúng ngày cho đông đúc, không có thời gian thử, chất lượng phục vụ kém hơn. Chính vì kéo dài, nên mức giảm giá không hấp dẫn như bản chất Black Friday tại nước ngoài", Tuấn Huỳnh khẳng định.

Đủ chiêu mờ ám quanh mác giảm 70-80%

Không chỉ ngán về mức khuyến mãi không hấp dẫn, mà nhiều người còn phát hiện ra không dễ mua được đồ ưng ý dịp Black Friday vì hàng hoá lỗi mốt, hỏi đâu cũng toàn size khủng hoặc size "em bé". Đến lúc tìm ra đôi giày vừa mắt thì nhận được câu trả lời cười trừ của nhân viên: "Sản phẩm này là hàng mới, bên em không áp dụng giảm giá".

"Hàng lỗi mốt là chiêu thường xuyên của mấy dịp giảm giá, đặc biệt những sản phẩm quảng cáo giảm giá khủng. Năm ngoái, tôi dính một lần, mua được một đôi giày giảm 60%, tính ra vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, có lần mang đến công ty, bị đồng nghiệp kêu hàng này ra hồi mấy năm trước, 'quê' quá tôi bỏ luôn", chị Phương Dung cho biết.

IMG_8831

Cảnh đông đúc hiếm hoi tại cửa hàng H. nhưng khách cũng giống như chị Phương Dung, đi cho có không khí, rất ít người mang sản phẩm đến quầy thanh toán. (Ảnh: Phúc Minh).

Cũng đi săn sale Black Friday năm nay, nhưng chị cho hay "đi cho có không khí", và đúng với tiêu chí này, chị ra về tay không và không quên tiết lộ, rút kinh nghiệm lần "hớ" trước nên phát hiện nhiều hàng lỗi mốt được các hãng tranh thủ đẩy tồn kho.

Song song đó, chuyện đẩy giá cao hơn bình thường trước thời điểm khuyến mãi vài ngày, rồi giảm giá, cũng là chiêu khiến khách hàng ngán ngẩm.

Một nhân viên bán hàng nhiều năm cho biết, tình trạng này ít xảy ra tại các cửa hàng lớn có thương hiệu vì uy tín bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu. Ngược lại, những cửa hàng thời trang nhỏ thì thường xuyên, thậm chí nhãn giá được dán chồng mấy lớp, để kích thích tâm lí được giảm giá 70-80% của khách hàng.

Ngoài trung tâm thương mại, các cửa hàng thời trang san sát trên các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ trong ngày Black Friday hôm qua vẫn không sầm uất, bất chấp có những biển hiệu quảng cáo giảm giá sập sàn lên đến 70-80%.

"Không khí mua sắm Black Friday tại Mỹ rất khác Việt Nam", Hải Hồ - một du học sinh đang theo học kĩ thuật hàng không tại Mỹ khẳng định. Anh cho biết, người dân Mỹ và ngay cả bản thân anh cũng rất háo hức dịp Black Friday để được mua sắm giảm giá, mức giảm rất cao, không chỉ hàng thời trang mà còn hàng điện tử.

"Tuy nhiên, năm ngoái, tôi về nước nhân dịp Black Friday, cũng đi trung tâm thương mại lớn tại TP HCM, cũng có những thương hiệu quốc tế lớn, nhưng rõ ràng, mức giảm không hấp dẫn mấy và ngay cả thời gian áp dụng cũng kéo dài, nên ngày này không náo nhiệt và làm cho khách nhàm chán. Nhiều bạn bè tại Việt Nam vẫn thường nhờ tôi săn sale dịp Black Friday tại Mỹ để có được những sản phẩm ưng ý với giá rất thấp", Hải chia sẻ.