Nước được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nhắc đến 5 lần trong bản tin ngày 16/5 chính là Libya. 15 năm trước, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi của nước này đã chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân còn non trẻ để thoát khỏi những cấm vận kinh tế của Mỹ và phương Tây.
Trong góc nhìn của tân Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John R. Bolton, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp ngày 12/6 cần phải đạt được một thỏa thuận như Gaddafi và cựu tổng thống Mỹ George W. Bush từng có: Phi hạt nhân hóa toàn diện đổi lấy hội nhập kinh tế.
“Chúng tôi ủng hộ mô hình Libya những năm 2003-2004. Dĩ nhiên tình hình hiện nay có những khác biệt lớn. Chương trình hạt nhân của Libya khi đó có quy mô hẹp hơn. Tuy nhiên, thỏa thuận mà chúng tôi nhắm đến vẫn tương đồng về căn bản”, ông trả lời Fox News tháng qua.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John R. Bolton muốn áp dụng "mô hình Libya" cho đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. (Ảnh: AP) |
Triều Tiên đã trực tiếp công kích những bình luận trên của ông Bolton. Cái tên của vùng đất Bắc Phi đang chìm trong hỗn loạn bỗng trở thành yếu tố quyết định thành - bại của thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Chứng kiến Mỹ xâm lược Iraq và lật đổ Saddam Hussein năm 2003, cựu độc tài Muammar Gaddafi không khỏi lo sợ mình sắp trở thành mục tiêu tiếp theo.
Trả lời phỏng vấn của đài CNN ngày 23/12/2003, ông Gaddafi gián tiếp thừa nhận cuộc chiến của Mỹ ở Iraq là một trong những điều thúc đẩy ông phi hạt nhân hóa.
Trước đó chỉ 5 ngày, sau nhiều cuộc đàm phán bí mật với Anh và Mỹ, Libya đã chấp nhận chấm dứt toàn bộ các chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và chuyển tất cả những thiết bị mua từ Abdul Qadeer Khan, "cha đẻ" của bom hạt nhân Pakistan, ra khỏi lãnh thổ.
Vật liệu hạt nhân của Libya được chuyển hết ra nước ngoài, phần lớn được đưa đến phòng thí nghiệm vũ khí của Mỹ ở Oak Ridge, Tennessee.
Khi thông báo chính thức về thỏa thuận này, Tổng thống Bush không quên gửi thông điệp cho Triều Tiên và Iran - hai khách hàng còn lại của Abdul Qadeer Khan. “Tôi hy vọng những nhà lãnh đạo khác sẽ nhìn hành động của Libya làm gương”, cựu tổng thống Mỹ khi đó tuyên bố.
Phóng viên Mỹ tham quan lò phản ứng hạt nhân Tajura của Libya vào tháng 1/2004, không lâu sau khi nước này tuyên bố sẽ phi hạt nhân hóa. (Ảnh: AP) |
Thỏa thuận Libya chỉ là một dòng nhỏ trong lịch sử của nước Mỹ đầu thế kỷ 21, nhưng với Triều Tiên lại là một bài học vô giá. Trong cách nhìn của Bình Nhưỡng, khi ông Gaddafi thông báo về thỏa thuận vào ngày 19/12/2003, ông đã gián tiếp ký vào án tử của chính mình gần 8 năm sau.
Giữa cao điểm “Mùa xuân Ả Rập” năm 2011, NATO có thể rảnh tay can thiệp quân sự mà không sợ Libya trả đũa. Được hỗ trợ hỏa lực trên không, phe ly khai đã tiến đánh thành công thủ đô Tripoli, để rồi vài tháng sau Gaddafi bị tử hình ngay giữa phố nơi tòa án và người hành quyết chính là đám đông đang say máu cuồng nộ.
Không có nền dân chủ nào được lập nên tại Syria như phương Tây kỳ vọng, thay vào đó là một vùng đất vô chính phủ và chìm trong hỗn loạn chưa thấy hồi kết. Như kỳ vọng của ông Bush, Triều Tiên dĩ nhiên lấy câu chuyện Libya “làm gương” răn mình.
Libya giờ đây vẫn chìm trong bạo loạn và tình trạng vô chính phủ chưa thấy hồi kết (Ảnh: New York Times) |
Nỗi sợ phải chịu chung số phận với Libya một khi từ bỏ vũ khí hạt nhân đã ám ảnh Triều Tiên suốt nhiều năm qua.
Trước việc Mỹ và đồng minh không kích Libya vào năm 2011, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lên án thỏa thuận phi hạt nhân hóa năm 2003 chỉ là âm mưu tước vũ khí Libya để dễ bề xâm lược. Những quan chức lãnh đạo tại Triều Tiên cho rằng Muammar Gaddafi đáng lẽ không mất mạng nếu còn giữ chương trình hạt nhân quốc gia.
Truyền thông Triều Tiên không ít lần đề cập Libya và Iraq như những bài học mà Triều Tiên phải luôn ghi nhớ.
“Lịch sử chứng minh rằng sức mạnh răn đe hạt nhân chính là thanh bảo kiếm mạnh nhất để chống lại những kẻ thù xâm lược hung hăng. Chính quyền của Saddam Hussein ở Iraq và chính quyền Gaddafi ở Libya đã không thể thoát khỏi số phận bị hủy diệt sau khi bị tước đoạt những nền tảng phát triển hạt nhân và tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân”, một bản tin của KCNA nhấn mạnh không lâu sau khi Triều Tiên thử bom hạt nhân lần 5 vào tháng 9/2016.
Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên (Ảnh: KCNA) |
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tự tin họ sẽ không để lịch sử tái diễn ở phía bắc bán đảo Triều Tiên. Trong bản tin ngày 16/5, KCNA nhấn mạnh Triều Tiên sẽ không đi vào vết xe đổ của Iraq và Libya: “sụp đổ vì cả đất nước chịu cúi đầu trước các cường quốc”.
“Không thể nào so sánh Triều Tiên, một quốc gia có vũ khí hạt nhân, với Libya khi đó chỉ mới bắt đầu chương trình hạt nhân. Thế giới biết rõ đất nước chúng ta không giống Libya hay Iraq”, tuyên bố của KCNAnhấn mạnh.
Bình Nhưỡng đã cho thực hiện 6 lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân từ năm 2006-2017, với vụ thử mạnh nhất đạt sức công phá gần 100 kiloton.
Các cơ quan tình báo Mỹ ước tính kho vũ khí Triều Tiên có từ 20-60 đầu đạn hạt nhân, ngoài ra còn có “bộ sưu tập” tên lửa đạn đạo từ tầm trung đến liên lục địa đủ khả năng đe dọa trực tiếp nước Mỹ.
Năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã được tăng cường đáng kể trong một thập kỷ qua (Đồ họa: USGS, Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury) |
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Nguy cơ tan thành mây khói
Triều Tiên vừa có động thái khiến nhiều người lo ngại viễn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có nguy cơ tan thành ... |
Triều Tiên 'quay ngoắt 180 độ', chỉ trích Hàn Quốc 'thiếu năng lực'
Theo hãng tin Reuters, người đứng đầu Ủy ban đàm phán thống nhất Triều Tiên đã gọi chính phủ Hàn Quốc là “yếu kém và ... |
Thời sự 10:59 | 24/02/2019
Thời sự 08:30 | 24/02/2019
Thời sự 07:44 | 24/02/2019
Thời sự 23:05 | 17/07/2018
Thời sự 04:11 | 05/07/2018
Thời sự 23:07 | 14/06/2018
Thời sự 04:10 | 14/06/2018
Thời sự 00:47 | 14/06/2018